+Aa-
    Zalo

    Chuyện ít biết về 73 giếng cổ nghìn năm và giai thoại “trấn yểm long mạch” ở Yên Sở

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn tự hào với câu nói “Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng”.

    Từ bao đời nay, người dân làng Yên Sở vẫn tự hào với câu nói “Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng”. Giếng cổ có nhiều nơi trên dải đất hình chữ S nhưng có lẽ không ở đâu có nhiều giếng như ở làng Yên Sở, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

    Tiết lộ của cụ ông gần 100 tuổi dày công nghiên cứu, tìm hiểu

    Làng Yên Sở trước đây có tên là Cổ Sở nổi tiếng vì có đến 73 cái giếng trong làng. Từ số lượng, cấu tạo cho đến tuổi đời nghìn năm của những chiếc giếng này mà đã có bao giai thoại xoay quanh. Để tìm hiểu về những giai thoại ấy, PV ĐS&PL đã tìm về xã. Bước chân đến đầu làng, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chỉ cần hỏi về giếng cổ là người dân có thể chỉ rõ vị trí của từng chiếc giếng.

    Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, thời xưa Mã Viện, một viên tướng của Trung Quốc đã cho quân lính đào hơn 70 chiếc giếng để lấy nước ăn khi chiếm đóng vùng này. Tuy nhiên, đây chỉ là giai thoại.

    Cụ Nguyễn Bá Hân trao đổi với PV ĐS & PL về nguồn gốc giai thoại của những cái giếng. Ảnh: Hữu Thắng

    Để hiểu hơn về nguồn gốc của những chiếc giếng, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Bá Hân (91 tuổi) là người đã dày công nghiên cứu và hiểu rõ về văn hóa lịch sử của vùng đất này. Theo cụ Hân, về nguồn gốc của những cái giếng này có nhiều giải thích khác nhau. Nhưng, dựa vào nghiên cứu của mình, cụ cho rằng, nếu giặc phương Bắc đào chỉ để nuôi quân thì chưa hợp lý. Bởi, nếu chỉ để lấy nước ăn tại sao phải đào gần trăm cái giếng, cái nào cũng giống cái nào, hơn nữa còn vô cùng cầu kỳ và tốn công. Người dân đào thì cũng không đúng, bởi thời bấy giờ dân cư thưa thớt không cần đào đến nhiều như vậy.

    Giả thuyết được cụ cho là hợp lý và có cơ sở nhất đó là, giai thoại giếng cổ với pháp sư Cao Biền. Cao Biền là quan của nhà Đường ở An Nam đô hộ Phủ (khu vực Hoàng Thành Thăng Long). Theo giai thoại ông ta đến vùng đất này để “trấn yểm” long mạch. Người xưa có câu “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở”. Cổ Sở là mảnh đất địa linh nhân kiệt, vì vậy việc đào 73 cái giếng theo cụ Hân là để cắt đứt long mạch. Tuy nhiên, đây cũng mới là ý kiến của một cá nhân ham tìm hiểu, giải mã các câu chuyện văn hóa, chưa có cơ sở khẳng định đúng sai.

    Điều khiến người ta tò mò nhất không chỉ dừng lại ở số lượng 73 chiếc giếng, mà còn ở cấu tạo của chúng. Dù nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau song điểm chung của những chiếc giếng này là nước rất trong, phía dưới có một phiến gỗ lim rất dày nhưng bao đời nay không hề mủn. Thành giếng được xếp đá quay tròn, không dùng xi măng mà vẫn vô cùng chắc chắn.

    Trong cuốn sách “Kẻ Giá - Tên đất tên người”, cuốn sách mà cụ Hân đã dày công nghiên cứu nói về văn hóa lịch sử của vùng quê này có viết: “Mỗi cái giếng khơi có một phiến gỗ lim, vừa dày vừa to dùng để lát đáy, xung quanh xếp đá quay tròn không có hồ vữa gì nhưng thật là chắc chắn... Mỗi giếng sâu ít nhất cũng là 4 đến 5m, số đá để xếp thành cho mỗi cái giếng cũng phải tốn từ 10 đến 12 khối”.

    Bóng giếng thiêng liêng

    Qua thời gian và sự biến thiên của lịch sử, đến nay giếng cổ chỉ còn vài chiếc nằm rải rác. Một số vẫn giữ nguyên công năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong làng.

    Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1985) người dân ở làng Yên Sở cho biết: “Những cái giếng này có từ bao giờ chúng tôi đều không biết, chỉ biết rằng từ thời ông cha tôi sinh ra nó đã ở đấy rồi. Nước giếng đã nuôi sống bao thế hệ và đến tận bây giờ khi có nước máy, gia đình tôi cùng những người trong xóm vẫn sử dụng nước trong giếng để sinh hoạt”.

    Trải qua thăng trầm lịch sử, số giếng cổ còn lại không nhiều. Ảnh: Hữu Thắng

    Cũng theo chị Hoa, bà con xung quanh xóm giếng đều rất ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ. Khi có rêu hay bám bẩn, không ai bảo ai mà đều tự giác ra quét dọn bảo vệ nguồn nước. Ngày Rằm hay mùng Một đều có người hương nhang làm lễ.

    Người dân nơi đây coi giếng cổ như một biểu tượng thiêng liêng để gửi gắm những giá trị tâm linh. Với sự tôn kính, họ tin rằng, giếng nào cũng đều được lập ban thờ. Cứ có giếng là sẽ có miếu. Họ thờ cúng không chỉ vì tin vào “thần giếng” mà còn vì họ trân trọng mạch nước ngầm nuôi sống họ.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho biết: “Người dân Yên Sở coi giếng như một di sản văn hóa mang tính biểu tượng thiêng liêng. Chính quyền xã luôn động viên bà con giữ gìn và bảo tồn giếng cổ. Với những chiếc giếng không sử dụng, chúng tôi đã cho rào lại để bảo tồn như một nét đẹp văn hóa”

    Hữu Thắng - Kim Ngân 

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật (số 35)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-it-biet-ve-73-gieng-co-nghin-nam-va-giai-thoai-tran-yem-long-mach-o-yen-so-a337358.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan