Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng đều đặn mỗi sớm ông Kiên vẫn chở nước ngọt phục vụ cho người dân đảo có nhu cầu. Hình ảnh thân thuộc của ông đã in sâu vào tiềm thức những người nơi đây. Để rồi mỗi lần ông bận việc, đi xa vài ngày, người ta lại thấy nhớ tiếng rao nước, tiếng xe đạp cót két,...
Đều đặn mỗi ngày trong hơn 30 năm qua, ông Kiên mang nước đến cho người dân hòn đảo tiền tiêu. |
Tinh sương một ngày giữa tháng Năm, PV báo ĐS&PL đã đặt chân lên đảo Lớn (thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hòng bắt cho kỳ được những hình ảnh về một lão ông hơn nửa đời gánh nước giếng Vua.
Ông là Dương Kiên, 73 tuổi, trú thôn Đông. Ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Kiên còn rắn rỏi, săn chắc lắm. Da ông cháy nắng của dân miền biển. "Nhà tôi cách giếng Vua chừng 1 cây số. Mỗi ngày tôi đạp xe chở nước giếng đi khắp đảo cho bà con. Hễ ai cần, ai gọi là tôi có mặt", ông Kiên mở đầu câu chuyện.
Mỗi can nước khoảng 20 lít có giá 4-6 ngàn đồng, tùy quãng đường gần hoặc xa, đều đặn mỗi ngày được ông chở đi khắp đảo trên chiếc xe cà tàng của mình. Ông kể rằng, ông bắt đầu chở nước ngọt cho người dân trên đảo từ năm 1975.
Thời đó, do khan hiếm nước ngọt nên các hàng quán và hộ gia đình trên đảo phải rất vất vả để chuyên chở nước từ giếng Vua về sinh hoạt. Nắm bắt nhu cầu này, ông Kiên đã đứng ra nhận chở nước cho các gia đình. Bấy giờ, công việc này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
"Về sau, hiện đại hơn nên người dân trên đảo ít nhờ tôi chở nước. Nhưng cũng mấy chục năm nên quen rồi, ai gọi cũng chở, xa gần gì cũng chở... Với tôi, chỉ cần có thu nhập thì vất vả tôi cũng không nề hà", ông chia sẻ.
Xưa, cũng có độ 10 người cùng làm nghề như ông. Nhưng dần dà, chẳng ai bám trụ được lâu. Người bỏ ra buôn bán, người đi biển..., duy chỉ ông Kiên là vẫn bám trụ. Ông cũng đã già, con cái lớn khôn và gây dựng nhà cửa khang trang, nên rất nhiều lần các con khuyên ông nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, ông Kiên vẫn chưa một lần nghỉ. Ông bảo, ông không bỏ nghề, bởi với ông giếng Vua này không chỉ là nơi cho ông thu nhập trong những ngày mưu sinh khốn khó, mà còn là nơi ông tâm tình mỗi ngày với giếng cổ hàng trăm năm tuổi.
Người dân trên đảo nói rằng, chẳng có ai gắn bó với giếng Vua nhiều như ông Kiên. Hình ảnh cái giếng cũ, rong rêu và ông lão đen đúa đã trở thành một phần hồn của đảo. Nhiều người vẫn gọi vui rằng ông Kiên là người “giữ hồn giếng cổ”.
"Không phải ai cũng có thể múc được nước ngọt đúng điệu ở giếng Vua như lão Kiên. Mùa này nóng nên nguồn nước khan hiếm, có người múc trúng nước lợ. Ông Kiên biết lựa chọn thời điểm lúc nào giếng lọc đủ độ ngọt để múc. Chiếc xe đạp, những cái can ông ấy sử cũng ngót nghét cả mấy chục năm chứ chẳng chơi", một người dân thôn Đông tâm sự.
Theo chính quyền huyện đảo Lý Sơn, trên toàn bộ huyện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng hơn chục giếng có nước ngọt. Vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Vua là còn nước ngọt. Hằng năm, chính quyền huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Bức ảnh chụp ông Dương Kiên gánh nước được treo trang trọng cho du khách thập phương đến tham quan đảo.
Chiếc xe đạp cà tàng, quang gánh nước... đã gắn bó với ông Kiên hơn nửa đời người. |
Ông Nguyễn Thế Tài (69 tuổi, một người dân trên đảo Vua) cho hay, giếng Vua, có lịch sử hàng trăm năm. Giếng được xây bằng những viên đá cuội to xếp chồng lên nhau. Tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m. Giếng có chiều sâu 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m.
Đặc biệt, giếng này gắn liền với nhiều truyền thuyết. Trong đó, câu chuyện được lưu truyền nhiều nhất liên quan đến vị vua Gia Long. Theo đó, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi thì chạy ra đảo Lý Sơn, vua Gia Long cùng quân lính gặp nhiều khó khăn khi nước ngọt, lương thực cạn kiệt. Ông cho đào nhiều giếng trên đảo nhưng không có nước.
Trong lúc mệt lả, ông mơ thấy người chỉ vị trí đào. Sau đó, vua cho đào theo lời trong mộng thì nước ngọt phun trào. Khi vua rời đi, giếng được giữ lại cho người dân trên đảo. Đến nay, giếng Vua vẫn là giếng có nguồn nước tốt nhất trên Lý Sơn.
“Có tích thì lưu truyền rằng, giếng Vua xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15 và người Chăm xây dựng. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Vua vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay”, ông Tài nhấn mạnh. Hiện, giếng Vua được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lê Nhâm Thân
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 81