+Aa-
    Zalo

    Kỳ bí giếng cổ nghìn năm tuổi và giai thoại lấy nước luyện linh đơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PV ĐS&PL đã tìm hiểu và giải mã những câu chuyện xung quanh chiếc giếng cổ còn được ví là “giếng Thông Thiên” này...

    Linh Tiên Quán được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, được xem là niềm tự hào của người dân làng Cao Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nơi đây còn bảo tồn một chiếc giếng cổ, xưa gọi là giếng đan sa với nhiều giai thoại khá kỳ thú. PV ĐS&PL đã có mặt ở đây để tìm hiểu và giải mã những câu chuyện xung quanh chiếc giếng cổ còn được ví là “giếng Thông Thiên” này...

    Giải mã tên gọi

    Linh Tiên Quán có từ rất lâu và một phần gắn với nhân vật có tên Lã Gia. Tọa lạc trên một khu đất cao, rộng rãi trong khu vực cư trú của làng, Linh Tiên Quán khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính nghìn năm tuổi. Bước chân vào đây chúng tôi cảm nhận được sự uy nghiêm, tĩnh mịch.

    Có lẽ, khi nghe tên Linh Tiên Quán, ai ai cũng không giấu được sự thắc mắc và tò mò. Tương truyền, có một vị Tể tướng qua đây thấy Tiên nhân đánh cờ nên dừng chân. Thấy nơi đây phong cảnh sầm uất, ngài liền cho xây Quán. Bởi vậy có tên là “Linh Tiên Quán”.

    Linh Tiên Quán không chỉ thờ Lão Tử, các vị thần tiên mà còn có cả thờ cả Phật. Quán thành chùa là ở chỗ đó, tuy nhiên nơi đây vẫn giữ tên gọi Linh Tiên Quán.

    Theo bà Ngô Thị Hoa là Trưởng vãi cho biết: “ Người dân làng Cao Thượng luôn trân trọng lịch sử Linh Tiên Quán vì thế đã trở thành một phần trong ký ức của mỗi người”.

    Người dân địa phương cho biết, tục truyền nơi đây là vùng đất cao nhờ được bồi đắp phù sa. Lã Gia thấy vậy đã lưu lại đây để luyện đan. Từ đó, truyền thuyết về chiếc giếng cổ luyện linh đan ra đời.

    Cận cảnh giếng "Thông thiên". (Ảnh Hữu Thắng)

    Lý do được ví như là “vực không đáy, giếng Thông Thiên”

    Theo chân Trưởng vãi Ngô Thị Hoa đến hậu cung, chúng tôi được tận mắt thấy giếng cổ nghìn năm. Nằm ngay cung thượng điện, ở trên chiếc giếng cổ là kiệu thờ. Từ ngoài nhìn vào, chiếc giếng toát lên vẻ cổ kính, huyền bí.

    Miệng giếng bằng đá với những nét đục sắc ngọn, mềm mại. Nét chạm trổ hoa văn trên thành miệng giếng tinh xảo. Tuy nhiên, đó chỉ là phần về sau được xây thêm để tôn tạo vẻ đẹp và bảo vệ nguồn nước thiêng trong giếng.

    Đôi tay Trưởng vãi nâng niu chiếc khóa để mở nắp giếng, chúng tôi tiếp cận để quan sát và nhìn xuống giếng mới thấy những điều kỳ bí. Giếng nhỏ, đường kính chỉ khoảng hơn 1m nhưng sâu hun hút. Chiều cao tính từ miệng giếng xuống khoảng trên 10m.

    Theo tích xưa, giếng cổ này được gọi với hai tên gọi là giếng Ngọc và giếng Thông Thiên. Chia sẻ với PV ĐS&PL, bà Hoa cho biết: “Ngày xưa, vì muốn biết cái giếng này sâu đến đâu, thông ra con sông nào, các cụ đã đánh dấu quả bưởi và thả xuống. Sau vài ngày, các cụ tìm thấy quả bưởi đó ở sông Hồng”. Chính vì thế, các cụ gọi đây là giếng Thông Thiên.

    Trưởng vãi Ngô Thị Hoa cẩn thận mở nắp che trên miệng giếng. (Ảnh Hữu Thắng)

    Giếng Thông Thiên như một chiếc động không đáy, xung quanh được lát bằng gạch nung. Trải qua thời gian ngâm ủ nước lâu, nên đá lẫn gạch đều bở và nhuốm màu đen xám xịt.

    Cái tên giếng Ngọc được xuất phát từ truyền thuyết Lã Gia chọn đây là nơi luyện linh đan. Linh Tiên Quán được cho là nơi có nguồn nước trong mát, có nhiều chất khoáng để luyện đơn, trị bệnh. Thế nên, giếng này còn gọi là huyết đan sa ứng với thủy ngọc. Người xưa cho rằng đây là lò luyện tiên đan nên được giữ gìn cẩn thận và bảo tồn cho đến ngày nay.

    Không giống như giếng thông thường, nhìn xuống khoảng 5m, chúng tôi thấy một cửa hang. Hang này đủ chứa được 5 người lớn, cửa hang tuy nhỏ nhưng vẫn đủ chui người qua. Bà Hoa cho biết, thời kháng chiến chống Pháp, quân du kích đã dùng giếng làm nơi ẩn náu. Tuy nhiên, hang này thông ra đâu bà Hoa cũng không nắm rõ. Lý do bởi từ trước đến nay chưa ai xuống khám phá và tìm hiểu.

    Nằm ở thượng điện, giếng cổ được nhiều du khách thập phương ghé thăm, chiêm bái vì sự hiếu kỳ và cũng muốn xin nước ở đây. Theo lời bà Hoa, nhiều gia chủ đến đây cầu bái xin lộc, sau đó có nguyện vọng muốn xin nước ở giếng để uống coi như một điều may mắn.

    Ngày nay, vẫn rất nhiều người tới đây làm lễ xin nước để về cúng bái tổ tiên, cũng như cầu xin con cái, tài lộc, sức khỏe dồi dào. Tuy nhiên, đó chỉ là niềm tin tâm linh của con người, mong muốn những điều tốt đẹp đến với bản thân và người thân.

    Trải qua hàng nghìn năm, giếng cổ vẫn nguyên vẹn ở đó như một nhân chứng lịch sử chứng kiến bao thăng trầm của người dân nơi đây. Giếng cổ được coi là linh hồn của Linh Tiên Quán.

    Chia tay Trưởng vãi và các cụ cao niên, chúng tôi ra về với niềm vui nho nhỏ đã khám phá và giải mã phần nào về một Linh Tiên Quán và giếng cổ nghìn năm trường tồn với thời gian.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, Trưởng vãi Ngô Thị Hoa cho biết: “Giếng cổ là niềm tự hào của người dân làng Cao Thượng, qua bao nhiêu năm chúng tôi vẫn cố gắng gìn giữ và bảo tồn. Đây không chỉ là báu vật quốc gia mà còn là điểm tựa tinh thần của người dân. Hình ảnh chiếc giếng cổ và những giai thoại lịch sử đã đi sâu vào tâm trí mỗi người dân ở đây, truyền từ đời này qua đời khác”.

    Hữu Thắng - Lê Nga

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (135)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-bi-gieng-co-nghin-nam-tuoi-va-giai-thoai-lay-nuoc-luyen-linh-don-a336914.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan