Học giả Nga Alexay Fenenko nhận định Trung Quốc không hề có láng giềng tốt nào theo đúng nghĩa của nó, bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ.
Liên quan đến tinh hình Biển Đông, phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có cuộc trò chuyện với ông Anton Svetov, điều phối viên các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga, và Phó giáo sư Alexay Fenenko, giảng dạy tại Học viện ngoại giao Nga và là chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, xung quanh vấn đề này.
Trung Quốc cô độc
Ông Alexay Fenenko: Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt nào theo đúng nghĩa của nó, bởi với nước nào Trung Quốc cũng có xung đột lãnh thổ. Vòng từ trái qua phải chúng ta có thể thấy Trung Quốc tranh chấp lần lượt với Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng khi TQ có vấn đề với tất cả các quốc gia láng giềng, thì Bắc Kinh cần phải xem xét lại chính sách của mình.
|
Phó giáo sư Alexay Fenenko của Học viện ngoại giao Nga và là chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga. |
Ông Anton Svetov: Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện đang ở trong tình thế rất khó khăn. Một mặt Bắc Kinh cần phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng gây ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng, song mặt khác, rất khó có thể hình dung một quốc gia nào đó trên thế giới lại ủng hộ hành động này (hành động hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng biển Việt Nam) của Trung Quốc. Nghĩa là thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ bị phương hại. Các nước trong diện tranh chấp hoàn toàn có thể lợi dụng nhược điểm này của Trung Quốc…
Việt Nam được ASEAN ủng hộ
|
Chuyên gia Anton Svetov, điều phối viên các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga. |
Ông Anton Svetov: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 đã đưa ra được tuyên bố chung, kêu gọi Trung Quốc giải quyết vấn đề (Biển Đông) một cách hòa bình. Cần lưu ý rằng trong điều kiện một số nước thành viên ASEAN không tham gia vào tranh chấp và mong muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, việc đưa ra được Tuyên bố chung này là một thành công. Đó là chưa kể hội nghị cấp cao năm nay lại diễn ra ở Myanmar, trước đây vốn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Còn nhớ hội nghị ASEAN trước đây đã không thể thông qua văn kiện tổng kết chỉ vì lập trường không ủng hộ của nước chủ nhà Campuchia.
Các nước ASEAN đã thể hiện khả năng đàm phán nội bộ. Mặc dù ASEAN còn xa mới có thể đi tới sự đồng thuận hoàn toàn song đây là những bước đi tích cực đầu tiên.
Khó đối thoại vì lập trường ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông
Ông Alexay Fenenko: Trong tương lai, Việt Nam cần xây dựng hạm đội hải quân hùng mạnh, nhằm bảo vệ vùng biển khi lợi ích quốc gia bị xâm hại. Trong trường hợp Trung Quốc không chịu rút giàn khoan (Haiyang Shiyou 981) khỏi vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các biện pháp mạnh để cưỡng chế hành vi trái phép này.
Tôi từng tham dự nhiều hội nghị an ninh quốc tế và có dịp tiếp xúc với các chuyên gia từ nhiều nước, đa phần họ cho rằng các đề nghị của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là rất phi lý. Vấn đề biển Đông không phải quá khó để giải quyết mà vướng mắc cơ bản là ở lập trường của Bắc Kinh cho rằng tất cả thuộc về Trung Quốc và các nước xung quanh không có gì. Nếu vẫn giữ lập trường như vậy thì đương nhiên rất khó đối thoại.
Trung Quốc cần trưng cầu ý kiến các loài cá ở Biển Đông
Ông Alexay Fenenko: Theo tôi hiểu, Trung Quốc ngầm phát đi thông điệp rằng Nga đã làm được với Crimea thì Trung Quốc cũng có thể làm như vậy với Biển Đông. Tuy nhiên, Crimea là một vấn đề khác… và tuyệt đại đa số người dân đồng tình sáp nhập vào Liên bang Nga thông qua trưng cầu dân ý rộng rãi. Nga không đưa tàu chiến ra Biển Đen, không uy hiếp để bắt người dân Crimea phải quy thuận mà chỉ đáp ứng nguyện vọng của người dân ở bán đảo này.
Trong khi đó, Trung Quốc đơn phương tuyên bố Biển Đông là “lợi ích lịch sử”, nhưng lịch sử là từ lúc nào và đâu là bằng chứng? Nếu nói theo cách của Trung Quốc thì cả thế giới phải xem xét lại trật tự hiện nay, hủy toàn bộ kết quả phân chia lại lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Nói như thế là rất nguy hiểm và không có căn cứ. Hiện không một quốc gia nào trên thế giới thừa nhận cái gọi là “lợi ích lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông. Để chứng minh điều này, Trung Quốc có lẽ không còn cách nào khác ngoài việc tiến hành “trưng cầu ý kiến” của các loài cá đang sinh sống ở Biển Đông.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-nga-trung-quoc-dang-co-doc-a33494.html