+Aa-
    Zalo

    Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 tuổi (2)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những chiến sỹ gan dạ ngã xuống vì Tổ quốc đã gieo vào Nguyễn Thị Ngọc Loan ý chí sắt đá. Mặc cho bom, pháo bay vèo vèo trên đầu, bà và đồng đội vẫn chiến đấu quên mình vì lý tưởng cách mạng.

    (ĐSPL) - Những chiến sỹ gan dạ ngã xuống vì Tổ quốc đã gieo vào Nguyễn Thị Ngọc Loan ý chí sắt đá. Mặc cho bom, pháo bay vèo vèo trên đầu, bà và đồng đội vẫn chiến đấu quên mình vì lý tưởng cách mạng. Để rồi có một ngày bà chính là nữ thanh niên xung phong trẻ tuổi, xuất sắc nhất được cấp trên cử đi dự đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Biệt danh Loan "chính phủ" bắt đầu từ đó.

    >> Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 tuổi (1)

    (bgiay)Chuyện đời ly kỳ của nữ cận vệ ra chiến trường từ năm 13 t

    Chị Phan Thị Quyên vợ anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi gặp mặt chiến sỹ thi đua Nguyễn Thị Ngọc Loan (đứng giữa) trong đại hội Chiến sỹ thi đua dũng sỹ Thanh niên xung phong lần 2 tháng 6/1969.

    Vực dậy mà đi

    Ở đơn vị du kích, cô bé Loan nghe các anh, chị bàn nhau xin gia nhập vào đơn vị Thanh niên xung phong đầu tiên (C100) thì háo hức đòi theo. Tuy nhiên, do tuổi còn nhỏ nên Loan không được nhận. Đợi dịp, Loan bỏ trốn khỏi đơn vị. Nhân lúc thành lập đơn vị Thanh niên xung phong đầu tiên tại Bãi Bàu vào ngày 20/4/1965, Loan xin gia nhập và được cấp trên đồng ý. Ngay sau đó, đơn vị này hành quân xuống Bàu Tép, Bến Cát, Loan giữ nhiệm vụ liên lạc giữa Tổng đội.

    Đến ngày 19/8/1965 đơn vị thành lập đội Thanh niên xung phong 198 Thành Đồng, Loan được bổ sung vào quân số ấy. Suốt từ tháng 8/1965 đến năm 1972, Loan phục vụ tại đơn vị này và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Loan đã phục vụ hàng trăm trận đánh nổi tiếng như: Nhà Đỏ, Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bông Trang, chiến khu D, Bắc Tây Ninh, Tổng tiến công Mậu Thân 1968... Năm nào Loan cũng là chiến sỹ thi đua xuất sắc nhất Tổng đội.

    Sống với bom đạn đã mấy năm liền, nên Loan chẳng còn khái niệm sợ hãi nữa, thay vào đó là sự gan dạ quật cường. Chiến trường nào Loan cũng muốn đi và cống hiến hết mình. Có một trận đánh ở Bình Dương, lúc bấy giờ ở trận địa đang bị địch bắn phá dữ dội. Loan khi ấy mới 15 tuổi với dáng người nhỏ nhắn đã bị các anh bộ đội can ngăn không cho ra ngoài hầm.

    Bà Loan kể lại trong nước mắt: "Anh bộ đội ấy ngăn cản không cho tôi ra khỏi hầm. Anh cứ nắm lấy tay tôi kéo vào, nhưng tôi thì dùng dằng không chịu. Lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ muốn xem quân ta đánh nhau với địch như thế nào thôi, chứ không nghĩ đến sống chết. Anh bộ đội kéo mãi tôi không vào thì bỏ đi. Anh vừa đi được mấy bước thì bom giội tới, mọi người nằm tránh, còn anh bộ đội ấy bị trúng bom nằm chết trước mặt tôi. Lúc ấy tôi còn ngây ngô đến đỡ đầu anh dậy rồi bảo: "ủa, anh chết giả hay chết thiệt?". Hình ảnh anh bộ đội ấy cứ mãi theo tôi tới bây giờ".

    Chứng kiến cảnh các anh bộ đội hy sinh khiến Loan khóc òa giữa trận địa. Vừa khóc, Loan và đồng đội vừa cáng những thương binh chạy vào vùng an toàn. Với cô bé 15 tuổi, dáng người thấp bé khi ấy sức lực không thể đủ để cáng thương binh, nếu không có lòng dũng cảm và ý chí quật cường. Loan quen với trận địa qua từng hơi thở thoi thóp của những anh bộ đội, học được tính gan dạ của người lính đến khi trút hơi thở cuối cùng trên cáng thương. Những hình ảnh ấy khắc sâu trong lòng thiếu nữ, rèn cho cô lòng kiên trung, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, chẳng mảy may run sợ. Lúc đó với Loan, được ra trận địa, trực tiếp đối mặt với quân địch là niềm vinh dự nhất.

    Bà Loan kể: "Hồi còn ở đơn vị Thanh niên xung phong tham gia tải đạn, cáng thương... do tôi nhỏ con nên cấp trên cử về hậu cứ để học tập. Những buổi học bình yên xa mùi súng đạn làm tôi thấy nhớ. Ngồi học mà nghe tiếng bom nổ vang trời là trong lòng tôi lại thấy nôn nao. Có lần tôi đã trốn học chạy về đơn vị. Vừa về tới là cấp trên mắng vì "cái tội" có nơi an toàn không ở, lại cứ chọn chỗ nguy hiểm xông vào. Tôi còn nhớ anh Tạ Quang Tỷ (Anh hùng lực lượng vũ trang) bảo tôi phải học để sau này có tương lai. Tôi bảo muốn ở chiến trường thà chết cũng vui. Thấy tôi quyết tâm quá, cấp trên đành để tôi tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường".

    Nhờ sự gan dạ mà Nguyễn Thị Ngọc Loan khi ấy mới 16 tuổi, nhỏ nhất trong đoàn được giao làm Tiểu đội trưởng. Nhớ đến kỷ niệm vui bà Loan hồ hởi: "Hồi đó tôi có biết gì đâu, làm tiểu đội phó nhưng mấy chị trong tiểu đội toàn phân công cho tôi mang vác đồ đạc, nồi niêu, tôi cũng mang. Sau tôi làm Tiểu đội trưởng tiểu đội 3 (thuộc Tổng đội C198 Thành Đồng) của lực lượng Thanh niên xung phong".

    Biệt danh Loan "chính phủ"

    Ngay trong năm đầu tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, bà Loan đã là người nổi trội nhất trong các đồng đội khi ấy. Bà năng nổ hoạt động, cấp trên giao việc gì, dù khó thế nào bà cũng đảm đương. Cả đơn vị không ai có thể ngờ, một cô bé nhỏ nhắn ấy lại có sức mạnh và sự gan dạ đáng nể phục đến thế. Sau những thành tích lập được, bà Loan được cấp trên của Tổng đội cử đi dự đại hội Chiến sỹ thi đua toàn miền. Những thành tích ấy với bà Loan thật đáng trân trọng, nhưng trong bà luôn tồn tại một ý nghĩ "nếu không cố gắng, chiến đấu hết mình hơn nữa, thì có lỗi với những người tin tưởng mình cũng như không xứng đáng với những gì mình được nhận".

    Trước những yêu cầu cấp thiết trong cuộc chiến chống Mỹ sau Mậu Thân 1968, từ ngày 6 đến 8/6/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và các lực lượng yêu nước khác đã họp đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam. Đại hội nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ vinh dự nhất mà bà Loan được nhận là tham dự đại hội này.

    Khi đi tham dự đại hội, bà Loan được bố trí ngồi trên khu vực đoàn Chủ tịch. Ngồi bên cạnh bà Loan khi ấy là luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khi ấy), ông Huỳnh Tấn Phát (Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khi ấy), cùng nhiều đồng chí khác. Hình ảnh bà Loan tham dự đại hội này được lưu lại cho đến nay và sau khi về lại đơn vị mọi người đã trầm trồ khen ngợi, đồng thời đặt cho bà một biệt danh Loan "chính phủ".

    Sau những trận đánh ác liệt, đoàn thanh niên xung phong nơi đơn vị bà Loan đóng quân giải thể. Lúc này, cấp trên phân bổ lực lượng đưa về các đơn vị tiếp tục phục vụ cho mục đích cứu quốc. Khi ấy bà Loan 22 tuổi, lãnh đạo thấy bà Loan nhỏ con nên phân công bà ra Hà Nội học tiếp để sau này phục vụ đất nước. Tuy nhiên, bà không muốn đi vì muốn chiến đấu và sợ xa quê hương miền Nam thân thuộc. Mọi người trong đơn vị cũ cũng như những người biết đến bà Loan khi ấy liền nói lại với lãnh đạo mới về quá trình công tác năng nổ, gan dạ của bà Loan. Hơn nữa cả đơn vị tiểu đội của bà Loan chỉ duy nhất mình bà 5 năm liên tiếp đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua. Nhưng tất cả đều không lay động được vị cấp trên ấy cho đến khi bà Loan được bày kế để được ở lại.

    Đồng đội của bà Loan kể lại rằng: "Nguyễn Thị Ngọc Loan khuôn mặt như trăng rằm, lúc nào cũng ca hát véo von, yêu đời ngay giữa bom đạn khốc liệt, ngây thơ như một em bé, chẳng biết sợ là gì. Nhưng ở con người ấy lại là tấm gương xuất sắc với lòng quả cảm hàng đầu trong công tác thi đua của lực lượng Thanh niên xung phong. Tuy vóc dáng Loan nhỏ bé, trọng lượng chưa đầy 40kg nhưng khi ra trận thì quật cường, vác đến 50kg chạy băng băng. Mỗi ngày, cùng với một chiến sỹ nữ khác trong lực lượng Thanh niên xung phong, Loan vận chuyển tới hơn 3 tấn đạn, gạo... trong bom đạn và biệt kích của địch".

    Cái tên để đời

    Đánh giá về công tác ngoài trận địa của bà Loan, người đồng đội cũ của bà là bà Đào Thị Hồng Đào (SN 1950, nguyên Trưởng ban tổ chức giám sát của Hội Cựu Thanh niên xung phong TP.HCM) cho biết: "Tôi tham gia đơn vị cùng Loan năm 1966. Loan có thân phận đặc biệt khi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Loan có rất nhiều thành tích, tham gia tải đạn, cáng thương… đồng thời là chiến sỹ thi đua nhiều năm, nên được cử đi dự đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cùng một số tổ trưởng. Trong đơn vị khi ấy có nhiều người tên Loan nên dựa vào việc đi tham dự đại hội mà người ta đặt biệt danh cho Nguyễn Thị Ngọc Loan là Loan "chính phủ"".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-doi-ly-ky-cua-nu-can-ve-ra-chien-truong-tu-nam-13-tuoi-2-a67563.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan