Câu chuyện được TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) chia sẻ.
BS Thu cho biết, thời gian trước chị tiếp nhận một nam bệnh nhân mới 18 tuổi, ở Hà Nội, là sinh viên năm nhất tại một trường đại học. Nam sinh được gia đình đưa đi khám trong trạng thái kích động và có hành vi bạo lực, mắng chửi cha mẹ…
Theo chia sẻ từ gia đình, nam sinh vốn là học sinh giỏi, gia đình cũng có điều kiện. 3 năm trước, gia đình phát hiện nam sinh này thường xuyên sử dụng rượu. “Từ đó, bệnh nhân thay đổi tính cách từ một người hiền lành thành học sinh có thành tích kém, thường xuyên cãi vã với bố mẹ. Thậm chí bệnh nhân còn đập phá đồ đạc, thỉnh thoảng mất kiểm soát về hành vi của mình”, BS Thu khai thác bệnh sử và cho biết.
Gia đình nhiều lần khuyên ngăn, nhưng nam sinh không nghe lời, thường xuyên lén uống rượu. Đỉnh điểm có những lần căng thẳng đến mức gia đình đã muốn từ mặt, không chấp nhận người con nghiện rượu, ăn trộm tiền trong nhà để đi nhậu nhẹt suốt ngày. Sau nhiều lần, gia đình quyết định đưa nam sinh đi khám.
“Đối mặt với bác sĩ, bệnh nhân tỏ ra bất cần, không chịu trả lời. Tuy nhiên khi yêu cầu gia đình ra ngoài, trò chuyện cùng nam sinh cậu chia sẻ, trước đây cậu là một học sinh ngoan, gia đình khá giả được nhiều người ngưỡng mộ. Bản thân bố mẹ đặt kỳ vọng cao, nhưng càng lên cao chương trình học càng nặng, cậu không còn theo kịp các bạn. Lực học ngày càng giảm sút, cộng thêm áp lực từ kỳ vọng của gia đình khiến bệnh nhân mệt mỏi, sinh ra cảm giác chán nản. Không tìm ra lối thoát cho bản thân, chẳng thể chia sẻ cùng bố mẹ vì sợ gia đình thất vọng cậu tìm đến rượu để giải toả những bí bách trong lòng, lâu dần phụ thuộc vào rượu học hành từ đấy cũng giảm sút theo. Bố mẹ khi biết cậu uống rượu không tìm hiểu nguyên nhân mà cho rằng cậu học theo cái xấu của bạn bè, dẫn đến gia đình càng căng thẳng. Mỗi lần bài thi kém, cãi nhau với bố mẹ cậu lại lén đi uống rượu, mới đầu chỉ một hai chén, sau đó lên tới 5, 6 chen rồi nửa chai”, BS Thu chia sẻ.
Đến nay bệnh nhân đã uống rượu được 3 năm, có lúc cậu muốn bỏ rượu nhưng cứ dừng rượu lại thấy cơ thể khó chịu, về nhà nhìn thấy ánh mắt thất vọng của bố mẹ cậu lại tìm đến rượu.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cho biết, qua thăm khám bệnh nhân được chẩn đoán mắc nghiện rượu. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc cai nghiện rượu kết hợp tư vấn tâm lý.
Uống rượu "quá liều" vô cùng nguy hiểm
Theo BS Thu, rượu là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực...
Nghiện rượu trong y học được coi là bệnh lý xếp vào chuyên khoa tâm thần bởi gây ra những ảnh hưởng đến não bộ. Điều trị nghiện rượu cần được kết hợp giữa chuyên khoa tâm thần với các chuyên khoa khác về các bệnh lý mà rượu gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn, chủ yếu là do tai nạn giao thông và bạo lực.
Theo thống kê, trong số các trường hợp tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn có 28% là do bị thương trong các vụ tai nạn giao thông, tự gây thương tích hay bạo lực giữa các cá nhân với nhau.
Khoảng 21% trường hợp tử vong do rối loạn tiêu hóa và 19% do các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, ung thư và rối loạn tâm thần.