(ĐSPL) – Đề cập quyền im lặng của bị cáo, bị can, người bị bắt giữ, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết "chưa dám quy định người bị bắt có quyền giữ im lặng".
Theo tin tức trên báo Thanh Niên, sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận tiếp về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của luật Tổ chức TAND sửa đổi và luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi.
Góp ý đầu tiên về dự luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại đề nghị của Ủy ban Tư pháp trong phiên điều trần về chống bức cung, nhục hình gần đây, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường về việc “bị can, bị cáo, người bị bắt giữ có quyền im lặng cho đến khi có luật sư”.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban TVQH. Ảnh Thanh Niên. |
Trước câu hỏi của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng rằng: “Trường hợp không đảm bảo được 2 nguyên tắc cơ bản là quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa của bị can và nguyên tắc tranh tụng tại tòa, thì tòa có được phép mở phiên xét xử hay không”, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết chưa dám quy định người bị bắt giữ có quyền giữ im lặng.
“Quyền im lặng của bị can, bị cáo là vấn đề lớn, thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, chúng tôi cũng còn lúng túng, cần có định hướng của Ủy ban TVQH về vấn đề này”, báo Thanh Niên dẫn lời Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình.
Thông tin trên báo điện tử Vietnamnet cho hay, đề cập quyền im lặng của bị cáo, bị can, người bị bắt giữ, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình lý giải đó là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đề nghị UBTVQH cho định hướng về việc này vì hiện tại đang có xung đột lớn về quan điểm, cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này còn giới luật sư lại ủng hộ. Chính vì ý kiến quá khác nhau nên cơ quan soạn thảo luật Tố tụng Hình sự đến giờ vẫn chưa dám đưa vào.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Thanh niên. |
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng không đồng ý với bình luận này của ông Bình khi nhấn mạnh đây không phải là đề nghị của luật sư mà phải căn cứ vào Hiến pháp để thể hiện, để luật sư được tham gia vụ án ngay từ đầu cùng tham gia thu thập chứng cứ, lắng nghe thân chủ để có căn cứ bào chữa.
“Về quyền tranh tụng, tôi không đồng ý cách giải thích của anh Bình (ông Nguyễn Hòa Bình - PV) rằng đây là đề nghị của luật sư, mà phải căn cứ quy định Hiến pháp 2013 để xác định quyền của luật sư, phải quy định để luật sư bào chữa ngay từ đầu. Người ta mới thu thập được chứng cứ, mới tìm hiểu được sự việc, nghe thân chủ, đi chứng minh rồi đứng ra bào chữa được”, báo Thanh Niên dẫn phản biện của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.
“Có ai cho ông luật sư tuyên án đâu mà phải lo. Trước công lý, tất cả đều bình đẳng. Cho nên phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa, để có được tranh tụng tại tòa thì vai trò của luật sư phải được nhìn nhận thế nào. Phải rất suy nghĩ chỗ này. Nghị quyết Bộ Chính trị viết rất rõ: Căn cứ chủ yếu vào tranh tụng tại phiên tòa để quyết định bản án. Đó là nhiệm vụ của tòa án”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.