Chủ xe tải trong vụ "xe tải cẩu cây dầu làm mất điện 18 tỉnh thành miền Nam" đã có đơn kháng cáo cho rằng, việc TAND TP Thủ Dầu Một yêu cầu ông bồi thường hơn 5 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam là không hợp lý, không có cơ sở.
Theo thông tin trên báo Dân Trí, sáng 5/6, ông Trần Văn Nhích (60 tuổi, ngụ Bình Dương), bị đơn dân sự trong vụ án xe tải cẩu cây dầu làm mất điện 18 tỉnh thành đã có đơn kháng cáo gửi đến TAND TP Thủ Dầu Một.
Trong đơn kháng cáo, ông Nhích cho rằng việc TAND TP Thủ Dầu Một yêu cầu chủ phương tiện (là ông Nhích - PV) bồi thường thiệt hại hơn 5 tỷ đồng chi phí mua lại nguồn điện nơi khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là không hợp lý, không có cơ sở.
Cây dầu chạm vào đường dây điện 500kV khiến hàng chục tỉnh mất điện - Ảnh: Người đưa tin |
Theo ông Nhích, việc bản án sơ thẩm xác định thiệt hại của Điện lực Việt Nam là 5 tỉ đồng dựa vào hồ sơ phía điện lực cung cấp mà không xem xét tới quyền khiếu nại của bị đơn dân sự là không đúng quy định. Ông Nhích cũng cho rằng thiệt hại trong vụ việc này là thiệt hại về tài sản nhưng lại trưng cầu Sở Công thương giám định mà không phải Sở Tài chính là không đúng.
Theo báo Tuổi trẻ, đối với tài xế Ngô Tấn Thảo (30 tuổi, quê Trà Vinh), bị tuyên 5 năm tù về tội “vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện”, tới nay chưa có thông tin kháng cáo.
Báo Tuổi trẻ trích dẫn cáo trạng thể hiện, ngày 22/5/2013, Thảo lái xe tải có cần cẩu làm thuê cho ông Nhích để cẩu cây dầu từ vườn ươm tại thành phố mới Bình Dương đi trồng.
Khi Thảo cẩu 1 cây dầu dài 17,5m gần đường dây 500kV, do phần ngọn cây quá gần đường dây làm phóng điện và gây nổ. Hậu quả, 18 tỉnh miền Nam bị cúp điện, đồng thời ảnh hưởng tới đường dây 220kV cung cấp điện cho Campuchia.
Theo giám định thiệt hại do Sở Công thương tỉnh Bình Dương lập, sự cố khiến EVN phải thuê máy phát điện chạy dầu để cung cấp điện tạm cho khách hàng, gây thiệt hại 5,068 tỉ đồng. Các cá nhân, doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng bởi cúp điện tới nay không ai nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Về vườn cây, cơ quan điều tra xác định vườn cây nằm ngoài hành lang an toàn đường dây 500kV 14m (trong khi quy định là 7m).
Điều 241. Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện; b) Gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện; c) Đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; d) Thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp