+Aa-
    Zalo

    Chọn Phương Mỹ Chi làm GK: Trò “câu” khán giả của nhà sản xuất?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ca sỹ nhí Phương Mỹ Chi được chọn làm giám khảo trong chương trình “Cùng nhau tỏa sáng” khiến nhiều người bất ngờ.

    (ĐSPL) - Việc “loạn” giám khảo trong các gameshow Việt hiện nay khiến cho nhiều khán giả truyền hình cảm thấy rất bức xúc. Nhất là mới đây, khi BTC “Cùng nhau tỏa sáng” thông báo, trong đêm thi thứ 3 của chương trình sẽ có sự xuất hiện của vị Giám khảo thứ 5 – đại diện cho chủ đề thiếu nhi - là ca sỹ nhí Phương Mỹ Chi. Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ bởi không hiểu, một cô bé 12 tuổi sẽ chấm điểm các ngôi sao đàn anh, đàn chị như thế nào? Mục đích của nhà sản xuất chương trình là gì khi đặt cô bé vào vị trí “cầm cân nảy mực” tại một chương trình thi âm nhạc?

    Chỉ để mượn hình ảnh?

    Cùng nhau tỏa sáng” là một gameshow mới, với sự tham gia góp mặt của rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng được yêu thích nhất hiện nay như: Thanh Duy idol, Liêu Hà Trinh, ca sỹ Khánh Ngọc, MC Anh Quân, diễn viên hài Gia Bảo... Chương trình được đánh giá là sân chơi mới lạ, hiện đại dành cho những nghệ sỹ trẻ tài năng, thích khám phá khả năng sáng tạo của bản thân và chinh phục thử thách. Điều đáng chú ý là tất cả các giám khảo đều là những gương mặt nghệ sỹ có uy tín, có tên tuổi và được khán giả yêu thích.

    Vì thế khi BTC thông báo, giọng ca nhí Phương Mỹ Chi sẽ ngồi lên chiếc “ghế nóng” cùng các giám khảo khác như Việt Trinh, Phương Thanh, Đức Huy, Tấn Beo để chấm điểm các tiết mục thì rất nhiều khán giả tỏ ra băn khoăn. Bởi, đặt một cô bé mới chập chững đi hát vào một vị trí quan trọng – “cầm cân nảy mực” trong một cuộc thi liệu có là “quá sức” với Phương Mỹ Chi? Nhất là, đây cũng là đêm thi tính điểm đầu tiên của “Cùng nhau tỏa sáng”, theo đó, ngoài số điểm của 4 giám khảo chính, số điểm từ Phương Mỹ Chi (Giám khảo đại diện cho chủ đề) sẽ được cộng vào để quyết định, đội thi nào sẽ phải tạm dừng cuộc chơi đầu tiên ở đêm thi thứ 3.

    Chọn ca sỹ nhí chấm thi: Trò “câu” khán giả của nhà sản xuất?

    Phương Mỹ Chi bên các nghệ sỹ đã thành danh.

    Và một điều đáng chú ý hơn, BTC dựa vào tiêu chí gì để lựa chọn Phương Mỹ Chi làm giám khảo? Phải chăng vì là đêm thi nên BTC mời thiếu nhi tham gia? Đành rằng, Mỹ Chi có tài năng, có kiến thức âm nhạc, có sức hút, nhưng liệu tất cả vốn liếng ít ỏi ấy có đủ để em tự tin ngồi vào “ghế nóng” để nhận xét về các ngôi sao đàn anh, đàn chị trong làng giải trí? Và ngay chính bản thân “giám khảo nhí” khi nói về cảm giác lần đầu ngồi “ghế nóng” trong gameshow truyền hình, cũng cho biết bé rất hồi hộp và lúng túng khi được ngồi chung với “bộ tứ quyền lực” và phải nhận xét về tiết mục trình diễn của các anh, chị.

    Nói về vấn đề này, nhạc sỹ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha tỏ ra rất bất ngờ bởi theo nhạc sỹ, đã là giám khảo của một cuộc thi thì phải đáp ứng những tiêu chí căn bản như: Đã ở độ tuổi trưởng thành, có trình độ chuyên môn, có những hiểu biết nhất định về đời sống, xã hội... “Dù Mỹ Chi hát khá hay nhưng tôi không hiểu vì sao BTC lại mời cô bé tham gia ban giám khảo cuộc thi, bởi xét về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, thì em còn quá non nớt để có thể đảm nhiệm được vị trí quan trọng này. Rõ ràng, một cô bé 12 tuổi thì sẽ không đủ kinh nghiệm và kiến thức để chấm điểm cho một tiết mục ca nhạc theo những tiêu chí cụ thể”, nhạc sỹ Thụy Kha băn khoăn.

    Gay gắt hơn, anh Ngọc Chung (Hà Nội) – một khán giả trẻ bày tỏ bức xúc: “Các nhà quản lý của cục Nghệ thuật biểu diễn ở đâu hết rồi, sao lại để trò chơi trên truyền hình nhố nhăng đến mức này. Nhà sản xuất chỉ cốt thu được thật nhiều tiền, còn nhà đài và BTC thì đã coi thường khán giả cả nước khi mời một cô bé “mặt búng ra sữa” lên làm Giám khảo nghệ thuật. Việc “khai thác” Phương Mỹ Chi một cách quá đáng là điều không thể chấp nhận được. Xin hãy trả lại tuổi thơ cho Phương Mỹ Chi”.

    Điều này chỉ ra rằng, phải chăng nhà sản xuất chương trình đang muốn dùng hình ảnh của Phương Mỹ Chi để “hâm nóng” thêm độ “hot” cho gameshow. Bởi chuyện một học sinh ở độ tuổi tiểu học chấm thi các ngôi sao ca nhạc là chuyện lạ có lẽ chỉ có ở Việt Nam, và dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì “Cùng nhau tỏa sáng” cũng được PR miễn phí. Thực tế là, những ồn ào trong các chương trình truyền hình thực tế thời gian gần đây liên quan rất nhiều đến các giám khảo, theo đó, rating của các chương trình này cũng được tăng lên nhanh chóng. Đây cũng chính là một chiêu bài quan trọng của nhà sản xuất nhằm tăng sức hút từ phía khán giả.

    Tất cả đều nằm trong kịch bản

    Có một quy tắc bất di bất dịch rằng, người được chọn làm giám khảo một chương trình truyền hình, một gameshow phải là người nổi tiếng. Song, chuyện người nổi tiếng làm giám khảo sẽ không có gì để bàn, nếu chuyên môn của họ phù hợp với vai trò mới này, như đạo diễn đi chấm cuộc thi tuyển diễn viên trẻ hay ca sỹ, nhạc sỹ đi chấm thi hát thì là hợp lý. Nhưng thực tế cho thấy, có vẻ như các nhà sản xuất chương trình hiện nay không quan tâm đến chuyên môn của người được chọn ngồi “ghế nóng”, mà chỉ chú ý đến việc họ có thể khiến chương trình hot hơn hay không.

    Nói về vấn đề này, anh Đức Hiển – chuyên gia tổ chức các chương trình âm nhạc chia sẻ: “Nhằm thu hút được khán giả, các nhà sản xuất có rất nhiều biện pháp gây “sốc” để chương trình trở nên “hot” hơn. Scandal càng ồn ào, chương trình càng nổi. Nó vừa giúp cho rating chương trình cao hơn, vừa giúp tăng doanh thu bởi giá quảng cáo sẽ tăng vọt. Mặt khác, khán giả và công chúng không biết một điều rằng, chỉ trừ các chương trình của Nhà nước, còn tất cả các cuộc thi, các chương trình gameshow hiện nay đều do nhà tài trợ và nhà sản xuất quyết định. Vì họ là người tài trợ nên họ muốn gương mặt nào xuất hiện, ai được làm giám khảo là BTC phải nghe theo. Họ bỏ tiền nên họ có quyền và BTC sẽ rất khó làm trái ý nhà tài trợ. Thông thường, những cuộc thi như thế này chỉ có giá trị giải trí, để cho vui chứ không mang tính chất định danh, hay nặng về chuyên môn”.

    Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, việc mời những gương mặt ngoài ngành làm giám khảo (Như mời một ông đạo diễn phim đi chấm thi nhảy, thi hát; Một cô MC thích gây sự được mời lên sóng trực tiếp để... chửi; Hay một giọng ca nhí lên “ghế nóng” chấm thi hát của người lớn), ngoài danh tiếng của các nghệ sỹ này, còn vì họ là người ngoài ngành nên dễ “uốn nắn”, “chỉ đạo”. Thậm chí nếu họ có “lỡ miệng” gây ra “thảm họa” thì nhà sản xuất càng có lợi vì chương trình càng nổi tiếng, còn “mất mát” về hình ảnh thì chính nghệ sỹ đó phải chịu. Có nhiều chương trình, sự có mặt của ban giám khảo thực chất chỉ là “bình phong”, và nhà sản xuất chính là “người giấu mặt” đứng sau để trao giải.

    Nhiều nhà sản xuất cho rằng, chiêu trò là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của các show thực tế Việt, cho dù chẳng có mấy khán giả mặn mà với cách gây sốc này. Trong khi đó, việc sử dụng những chiêu trò thông minh, hợp lý và không phản cảm mới là con đường hay nhất giúp cho các chương trình giải trí đi được một chặng đường dài.

    Rủi ro lớn nhất là mất hình ảnh

    Có thể thấy, làm giám khảo cho một chương trình truyền hình thực tế thì dù muốn hay không, các nghệ sỹ cũng trở thành diễn viên của một kịch bản đã được dàn dựng. Các giám khảo thường được phân vai nhằm tạo nên sự kịch tính để bảo đảm yếu tố thu hút khán giả của các chương trình. Chia sẻ về điều này, đạo diễn Lê Hoàng cho hay: “Phát ngôn thiếu suy nghĩ hay cho điểm thiếu công bằng sẽ làm cho cá tính mỗi nghệ sỹ bị giảm đi trong mắt công chúng. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất của giám khảo chính là tự đánh mất hình ảnh của bản thân”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chon-phuong-my-chi-lam-gk-tro-cau-khan-gia-cua-nha-san-xuat-a51172.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan