Việc thả rông chó ra đường và nơi công cộng là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, một bộ phận người dân coi thường pháp luật và cơ quan chức năng...
Vụ việc cháu bé 7 tuổi ở Kim Động, tỉnh Hưng Yên bị cả đàn chó của nhà khác cắn tử vong vừa xảy ra hôm 3/4 khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, tại Lương Sơn, Hòa Bình lại ghi nhận một gia đình có 2 người tử vong vì bị chó dại cắn.
Số người chết liên quan đến loài vật nuôi này diễn ra dồn dập khiến mọi người không khỏi giật mình về sự an toàn tính mạng trước tình trạng rất nhiều chủ nuôi vẫn thả rông chó và không rọ mõm; còn cơ quan chức năng thì chưa vào cuộc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Những con chó trong đàn tấn công bé trai bảy tuổi khiến cháu tử vong. (Ảnh: Pháp luật TP HCM) |
Bàng hoàng, phẫn nộ và lo lắng là cảm nhận của rất nhiều người trước vụ việc bé trai 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên đang trên đường về nhà đã bị cả đàn chó của một gia đình ở ven đường xông ra cắn dã man, dẫn đến tử vong.
Bà Phùng Thị Lộc ở quận Hoàn Kiếm và ông Nguyễn Anh Tuấn ở Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Tôi thấy rất bức xúc và thấy rất thương tâm trước việc cháu bé bị đàn chó hung hăng cắn đến mức tử vong. Gia đình nuôi chó thiếu tinh thần trách nhiệm. Cơ quan nhà nước cần phải xử lý nghiêm để răn đe cho các gia đình khác.
Đàn chó dữ cắn khiến cháu bé tử vong tôi thấy rất phẫn nộ. Tôi thấy cả gia đình chủ nuôi chó và chính quyền địa phương đều thiếu trách nhiệm, để xảy ra sự việc vô cùng thương tâm như vậy”.
Bất lực vì cháu bé 7 tuổi bị chó cắn, tử vong trước khi đến Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, cho biết, đây là lần thứ 2 trong gần 1 năm qua các bác sĩ phải “đầu hàng” trước những vết thương quá nặng, hiểm do đàn chó dữ gây ra. Trước đó, giữa tháng 7/2018, dù đã nỗ lực cấp cứu nhưng cũng không cứu nổi bé gái 8 tháng tuổi ở Ba Đình, Hà Nội bị một con chó ngao Tây Tạng nặng tới 40 kg của gia đình cắn tử vong.
“Tôi cũng muốn cảnh báo với mọi người là việc nuôi chó rất nguy hiểm. Nhất là khi cho chó ra đường thì phải rọ mõm…”, bác sĩ Khánh nói.
Mỗi năm tại nước ta có tới hàng trăm người chết vì bị chó cắn. Cụ thể là tử vong vết thương quá nặng do chó cắn và tử vong vì bệnh dại do vật chủ truyền qua vết thương. Một con số đáng báo động như vậy, nhưng tình trạng chó thả rông vẫn phổ biến hiện nay. Theo một thống kê khác, mỗi năm có tới nửa triệu người bị tai nạn giao thông do những con chó thả rông gây ra.
Tiến sĩ Phan Quang Minh, Phó trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chính phủ đã có Nghị định số 90 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không tiêm phòng cho chó hoặc để chó thả rông. Cơ chế có rồi, ai phạt, phạt bao nhiêu là có quy định rồi nhưng vẫn chưa được thực thi, ở địa phương toàn người quen, bà con với nhau nên nể nang”.
Thời gian qua, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã thành lập các đội săn bắt chó thả rông. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tình trạng vi phạm lại tái diễn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai nêu thực tế: “Nghị định 90 về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng rất khó thực hiện, toàn tỉnh chỉ có 1 trường hợp bị xử phạt thôi. Đây là trường hợp duy nhất từ trước đến nay. Việc xử phạt là thẩm quyền của cấp xã, phường, chứ cơ quan thú y không có thẩm quyền xử phạt…”
Trở lại vụ việc bé trai 7 tuổi ở Kim Động, Hưng Yên bị đàn chó cắn tử vong, theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố hình sự đối với chủ nuôi chó, ít nhất là tội vô ý làm chết người.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, Nghị định số 05 năm 2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại, Nghị định 90 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã nêu rõ việc thả rông chó ra đường và nơi công cộng là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, một bộ phận người dân coi thường pháp luật và cơ quan chức năng chưa thực thi pháp luật đã dẫn đến những hậu quả đau lòng.
“Các quy định trong Bộ Luật hình sự cũng nêu rõ nêu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt nghiêm khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý thức chủ quan, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác, nhận thức đối với việc chấp hành pháp luật của nhiều người nuôi chó chưa nhận thức được trách nhiệm của mình. Thứ 2 là cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện hết chức năng, trách nhiệm của mình nên không ngăn chặn được tình trạng vi phạm pháp luật của người dân”, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 3,5 triệu hộ nuôi chó với hơn 5,4 triệu con. Tình trạng chó thả rông chưa kiểm soát được và tỷ lệ chó được tiêm phòng bệnh dại chỉ đạt gần 40%...
Để không còn những cái chết tức tưởi vì bị chó cắn, rõ ràng cần nỗ lực của cả 2 phía, sự vào cuộc của lực lượng chức năng, chính quyền các cấp và ý thức chấp hành của chủ vật nuôi, nhất là tại vùng nông thôn./.