Hiện nay, các tài xế xe công nghệ đang hoạt động dưới danh nghĩa là một đối tác của các doanh nghiệp có app công nghệ. Tuy nhiên, các chế tài dành cho họ lại gần giống với một người lao động. Ngoài thời gian tự do, họ vẫn phải đảm bảo thái độ phục vụ, hay không được từ chối các đơn vận chuyển theo qui định của app, tự trang bị đồng phục của công ty... Và đặc biệt là chiết khấu cũng là do công ty qui định. Nhưng quyền lợi của một người lao động đúng nghĩa như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… họ gần như không được hưởng.
Qua khảo sát, tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao, đối với nhóm lái xe công nghệ, tỷ lệ chiết khẩu bình quân/giao dịch gần 25%, người lao động (NLĐ) chỉ nhận lại khoảng 75% thu nhập, song trong 75% thu nhập này có đến 30% chi phí cho phương tiện, khấu hao, số còn lại chi trả cho sức lao động, như vậy là khá thấp. Về phúc lợi, hầu hết NLĐ không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, tết..., mà chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng - thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Qua tìm hiểu, cơ hội việc làm của các tài xế công nghệ cũng đi kèm thách thức, rủi ro. Để có thu nhập, tài xế xe công nghệ phải đánh đổi thời gian, sức khỏe, bất chấp hiểm nguy; thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, đặc biệt phải đối mặt với rủi ro cao như tai nạn nghề nghiệp, nguy cơ bị xâm hại, cướp giật… nên rất cần chính sách an sinh về lâu dài.
Trước thực trạng này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Lao động - thương binh và xã hội về các kiến nghị chính sách an sinh xã hội đối với tài xế công nghệ, từ đó có cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội.
Theo ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, một khảo sát do cơ quan này và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng thực hiện chỉ ra cả nước có khoảng 200.000 tài xế công nghệ gồm cả ô tô và xe máy. Gần 50% số tài xế hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn lái xe công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ giới chiếm khoảng 5%.
Nghiên cứu sâu hơn tại một công ty cung ứng dịch vụ xe công nghệ lớn, có 2/3 tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Dù thời gian làm việc của lái xe máy công nghệ là 9,2 giờ/ngày và 11,2 giờ/ngày với lái xe ô tô nhưng các khoản thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ... không thường xuyên và khá thấp.
Thu nhập của tài xế xe máy công nghệ là 318.000 đồng/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong khi tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày, khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Kết luận khảo sát cho thấy "khoảng trống chính sách" đối với đối tượng lao động là lái xe công nghệ, nhất là việc chưa được tiếp cận đầy đủ các chương trình an sinh xã hội.
Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty cung cấp dịch vụ, sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ như Grab, Now, Gojek, Be, Aha...
Từ đó, cơ quan chuyên môn có căn cứ trình cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội. Công đoàn Việt Nam lưu ý khi nghiên cứu hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội với nhóm lái xe công nghệ, cần quan tâm chế độ thai sản, bảo vệ sức khỏe, sức khỏe sinh sản…để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng này được thụ hưởng các chính sách bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài.
Việc nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an sinh, quyền lợi bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho tài xế công nghệ cũng là một trong những vấn đề thể hiện tính ưu việt và nhân văn của Nhà nước.