+Aa-
    Zalo

    Chính Phủ ra "tối hậu thư" cho 2 tuyến đường sắt đô thị trị giá gần 80.000 tỷ

    (ĐS&PL) - Văn phòng Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu để bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên vào hoạt động.

    Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 340/TB-VPCP ngày 22/7/2024 kết luận Phiên họp thứ 2 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TP.HCM.

    Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục, bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28/7/2024, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành.

    Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao. (Ảnh: MRB Hà Nội)

    Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao. (Ảnh: MRB Hà Nội)

    Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) có chiều dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826,05 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Dự án khởi công năm 2010 và dự kiến hoàn thành năm 2016. Sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới toàn tuyến là năm 2027. Riêng đoạn trên cao sẽ vận hành thương mại vào tháng 7/2024. Tính đến thời điểm hiện tại, đoạn trên cao tiến độ đạt 99,93% và đã tiến hành chạy thử từ tháng 3-2024.

    Đoạn đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trên cao sắp khai thác dài 8,5km; đi qua 4 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Đống Đa với 8 nhà ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy. Đây là trục đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, có nhiều nút giao là "điểm đen" giao thông.

    Khi đi vào khai thác, đoạn đường sắt đô thị trên cao Nhổn - Ga Hà Nội sẽ hoạt động với tần suất 16 chuyến/giờ ở cả hai chiều vào giờ cao điểm trong ngày, tối đa đạt mức 7.552 hành khách/giờ/hướng. Tuyến đường sắt đô thị trên cao có lộ trình đi thẳng vào trung tâm thủ đô, xuyên qua những khu dân cư đông đúc với mật độ xây dựng cao, nhiều tòa cao ốc, văn phòng cùng nhiều trường học, đại học.

    Cũng tại Thông báo số 340/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP.HCM chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc, khiếu kiện của các nhà thầu, triển khai hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục, nỗ lực phấn đấu đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào khai thác thương mại trong tháng 11/2024.

    Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: TPO)

    Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. (Ảnh: TPO)

    Tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2008, 2011, 2019, 2021 với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau được điều chỉnh tăng lên 43.757 tỷ đồng.

    Đến nay, dự án metro số 1 đã hoàn thành 98,24% tổng khối lượng công trình, và theo kế hoạch sẽ vận hành vào tháng 10/2024 sau nhiều lần lùi thời hạn trước đó. Thế nhưng, theo đề xuất mới nhất của TP.HCM thì thời gian chạy thử sẽ được lùi lại vào tháng 11 và do đó tiến độ dự án tiếp tục bị kéo dài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chinh-phu-ra-toi-hau-thu-cho-2-tuyen-uong-sat-o-thi-tri-gia-gan-80-000-ty-a448475.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan