SCMP đưa tin, Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các bác sĩ và người dân trong việc tăng cường các chính sách về sức khỏe tâm thần, nhằm giúp giảm tỷ lệ tự tử tại nước này, sau hàng loạt bi kịch gây chấn động dư luận.
Cuối tháng 4 vừa qua, Moonbin, thành viên của nhóm nhạc K-pop Astro, đã được phát hiện tử vong tại nhà riêng ở Seoul. Cảnh sát cho biết nam ca sĩ 25 tuổi đã tự kết liễu đời mình. Hàng nghìn người hâm mộ đau buồn và bày tỏ sự tiếc thương trước sự việc này.
Trước Moonbin, một số ngôi sao K-pop khác cũng qua đời do tự tử trong những năm gần đây. Như Goo Hara, thành viên của ban nhạc nữ K-pop Kara, được phát hiện qua đời vào tháng 11/2019 ở tuổi 28, một tháng sau khi người bạn thân của cô là Sulli, 25 tuổi, thành viên của một ban nhạc nữ K-pop tự sát, sau một thời gian dài đấu tranh với bắt nạt trực tuyến.
Năm 2017, ngôi sao K-pop Jong-hyun của Shinee cũng qua đời sau khi chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.
Theo Cơ Quan Nội Dung Sáng Tạo Hàn Quốc (KOCCA) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, số lượng nghệ sĩ được tư vấn tâm lý đã tăng từ 146 vào năm 2020 lên tới 661 vào năm 2022.
Ông Lee Boung-chul, Giám đốc chính sách bảo hiểm y tế tại Hiệp hội Thần kinh học Hàn Quốc, cho biết, các thần tượng nhạc pop thường bị cô lập khỏi mạng lưới hỗ trợ. “Họ hoàn toàn cô đơn. Họ không thể ra ngoài giao tiếp và nhận được sự an ủi. Đó là một tình huống rất nguy hiểm”, ông Lee nói.
Theo đó, người người kêu gọi phải có nhiều hình thức trừng phạt mạnh mẽ hơn với hành vi lạm dụng trực tuyến và tăng cường quan tâm đến sức khỏe tâm thần của những người nổi tiếng.
Không chỉ những người nổi tiếng đang phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy vào năm 2021, cứ 100.000 người thì có 26 người tự tử.
Hàn Quốc có tỉ lệ tự tử cao nhất trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Năm 2021, chính phủ cho biết, số vụ tự tử trên 100.000 người trong năm 2018 là 24,7. Tỉ lệ này đã giảm từ 33,8 năm 2009 xuống còn 23 năm 2017, nhưng đã tăng trở lại vào năm 2018.
Các vụ việc xảy ra gần đây, như vụ tự tử của một nữ sinh ở Seoul được phát trực tiếp trên Instagram vào tháng trước, càng nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp.
Những vụ tự tử bắt chước ở học sinh xảy ra sau đó, làm dấy lên mối lo ngại lớn về sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi. Một học sinh lớp 3 được tìm thấy đã thiệt mạng sau khi đâm một bạn cùng trường tử vong, và một cô gái 14 tuổi cũng tự tử vài ngày sau đó.
Ông Paik Jong-woo, Giáo sư tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học Kyung Hee, cho biết ông tin rằng tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng của Hàn Quốc trong những thập kỷ gần đây đã góp phần làm gia tăng các vụ tự tử. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần của đất nước vẫn còn kém phát triển.
"Trước đây, khi Hàn Quốc còn là một xã hội nông thôn với các gia đình đông con, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng vẫn có một cộng đồng gia đình, bạn bè và hàng xóm, do đó mọi người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ lẫn nhau”, ông Paik Jong-woo nói. “Hiện Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhưng lại không có mạng lưới an sinh xã hội đủ rộng và khả năng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần thấp”.
Các chuyên gia cũng cho biết nhiều người Hàn Quốc có xu hướng coi tự tử là vấn đề cá nhân và không quan tâm đầy đủ đến sức khỏe tâm thần của một cá nhân và hệ thống điều trị.
Phản hồi của công chúng trong các báo cáo truyền thông về tự tử cho thấy mọi người thường coi vấn đề này là "vấn đề của một cá nhân", một quan niệm "phải được thay đổi".
Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã công bố một kế hoạch vào tháng trước nhằm giảm 30% tỷ lệ tự tử vào năm 2027. Kế hoạch 5 năm bao gồm kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên hơn, dịch vụ tư vấn tốt hơn cho nạn nhân của tội phạm và cải thiện chăm sóc cho những người có nguy cơ tự tử.
Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, do chính phủ tài trợ và điều hành, cũng sẽ tư vấn và hỗ trợ điều trị cho những người dễ bị tổn thương, đồng thời chính phủ sẽ tài trợ chi phí y tế bắt đầu từ năm nay.
Chuyên gia Lee từ Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc cho biết nước này chỉ chi 1,6% tổng ngân sách chăm sóc sức khỏe cho tâm thần học, trong khi các nước phát triển khác đầu tư tới 10%. Vì vậy, ông khuyến nghị, trong 5 năm tới, để đạt được mục tiêu trên, Hàn Quốc cần phải điều chỉnh con số lên ít nhất 5%.
Trong khi đó, ông Paik Jong-woo cho biết điều quan trọng là phải nắm được điều gì đang ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của người dân. "Các nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người có ý định tự tử, sẽ cần nhập viện và được điều trị mạnh mẽ hơn. Xã hội và đất nước có trách nhiệm giải cứu những người gặp nguy hiểm", ông Paik nói.
Mộc Miên(Theo SCMP)