Theo báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp có số người rơi vào cảnh thiếu ăn gia tăng trên thế giới.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 15/7 đã công bố báo cáo mới cho thấy có đến 821 triệu người trên thế giới thiếu ăn trong năm 2018, trong đó có 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Báo cáo có tên "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu" do Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và các cơ quan khác của LHQ, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực hiện. Theo báo cáo, đây là năm thứ 3 liên tiếp có số người rơi vào cảnh thiếu ăn gia tăng.
Nạn đói gia tăng do chiến tranh xung đột và biến đổi khí hậu. Ảnh: WFP |
Sau nhiều thập kỷ suy giảm, nạn đói bắt đầu tăng trở lại vào năm 2015, chủ yếu là do chiến tranh và biến đổi khí hậu. Đảo ngược xu hướng này là một trong các mục tiêu phát triển bền vững mà LHQ đặt ra cho năm 2030.
Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ ra rằng để hướng đến một thế giới không còn nạn đói là thách thức to lớn khi số người thiếu ăn đã tăng từ 811 triệu người vào năm 2017 lên 821 triệu người vào năm 2018.
"Đó là một xu hướng xấu. Nếu không có an ninh lương thực thì chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình và ổn định", ông Beasley nói.
Theo hãng tin Deutsche Welle (Đức), hầu hết những người đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất trên thế giới sống ở châu Á (500 triệu người), châu Phi (260 triệu người), đặc biệt là khu vực châu Phi cận Sahara.
Theo báo cáo của FAO, suy dinh dưỡng vẫn đang lan rộng tại châu Phi, ảnh hưởng tới khoảng 20% dân số. Tại châu Á cũng có hơn 12% người dân bị suy dinh dưỡng trong khi ở Mỹ Latin và Caribê con số này ít hơn 7%.
Các tác giả của báo cáo nói trên ước tính khoảng 2 tỉ người trên toàn thế giới không được tiếp cận nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng đầy đủ. Ở mọi châu lục, tỉ lệ phụ nữ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn nam giới. Khoảng 8% dân số ở châu Âu và Bắc Mỹ cũng bị ảnh hưởng.
Ông Robin Willoughby, người đứng đầu chính sách lương thực và khí hậu tại Oxfam GB, cho biết phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nạn đói lan rộng.
"Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu chấm dứt nạn đói vào năm 2030, chính phủ các nước cần đẩy mạnh cắt giảm khí nhà kính, ủng hộ nông nghiệp quy mô nhỏ và tăng cường nỗ lực để chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực", ông Willoughby nhận định.
Thực phẩm không lành mạnh có giá rẻ là nguyên nhân gây ra nạn béo phì. Ảnh: Getty |
Theo bà Cindy Holleman, một trong những tác giả chính của báo cáo: "Có mối liên hệ lớn hơn giữa mất an ninh lương thực cùng với thừa cân và béo phì. Ước tính có 2 tỉ người thừa cân. Thực phẩm không lành mạnh thường có giá rẻ hơn".
Báo cáo cũng chỉ ra 3 lý do chính dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm gồm xung đột, biến đổi khí hậu và nền kinh tế suy yếu.
Điển hình, chiến tranh và xung đột vũ trang là nguyên nhân chính gây nạn đói ở Nam Sudan, CHDC Congo. Còn tại Yemen, khoảng 3,6 triệu dân đã phải sơ tán kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi năm 2015.
Bên cạnh xung đột, suy giảm kinh tế nghiêm trọng đang đẩy Yemen đến bờ vực của nạn đói và làm trầm trọng thêm nhu cầu trong tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, Zimbabwe đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi đồng tiền mất giá, hàng hóa đắt đỏ, khiến khoảng 2 triệu dân không có đủ thức ăn. Con số này ở Nigeria là 5 triệu người.
Minh Khôi(T/h)