Reuters đưa tin ngày 2/11, Trung tướng Herzi Halevi - người đứng đầu lực lượng vũ trang Israel cho biết, nước này sẵn sàng nới lỏng lệnh cấm vận thời chiến đối với nhiên liệu vào Dải Gaza.
Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào 7/10, Israel đã bao vây Gaza và tiến hành phản công. Israel cho phép viện trợ nhân đạo nhưng loại trừ nhập khẩu nhiên liệu, với lý do cần phải ngừng hoạt động các nhà máy điện của Hamas. Các bệnh viện ở Gaza hiện đang báo động về vấn đề bị giảm nguồn cung cấp điện chính.
“Cần lưu ý rằng, hơn 1 tuần nay, họ nói với chúng tôi rằng ‘ngày mai nhiên liệu ở các bệnh viện sẽ cạn kiệt’. Thế nhưng đến nay, nhiên liệu vẫn chưa cạn kiệt. Chúng tôi sẽ theo dõi khi nào chuyện đó xảy ra, nhiên liệu sẽ được chuyển tới các bệnh viện dưới sự giám sát.
Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo nhiên liệu không được chuyển đến cơ sở hạ tầng của Hamas, và không phục vụ cho cuộc xung đột mà dùng vào nhu cầu thực sự là điều trị cho bệnh nhân”, Trung tướng Herzi Halevi chia sẻ.
Trong diễn biến khác, theo thông tin trên Reuters, Bộ trưởng Nông nghiệp Lebanon Abbas Hajj Hassan cho biết, hỏa hoạn do Israel tiến hành pháo kích ở miền Nam nước này đã đốt cháy khoảng 40.000 cây ô liu và hàng trăm km2 đất, giáng một đòn nghiêm trọng vào vụ mùa chính của Lebanon.
“40.000 cây ô liu nghĩa là 40.000 phần lịch sử. Con người có mối liên kết linh hồn với cây cối. Tổ tiên chúng tôi đã trồng chúng và ngày nay chúng tôi đang mất dần những cây ô liu này", Bộ trưởng Hajj Hassan nói.
Ông cáo buộc Israel đã gây ra hỏa hoạn bằng cách sử dụng đạn pháo chứa phốt pho trắng để phá hủy các khu vực cây cối rậm rạp mà các tay súng Hezbollah có thể dùng để ẩn náu. Tuy nhiên, quân đội Israel đã phủ nhận cáo buộc này, cho biết loại đạn pháo mà họ sử dụng không chứa phốt pho trắng.
XEM THÊM: Nga nói gì khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới?
Hỏa hoạn tại khu vực biên giới Lebanon bùng lên hàng ngày kể từ khi Hezbollah và Israel bắt đầu giao tranh vào tháng 10/2023, sau khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy đã xảy ra khoảng 130 vụ cháy ở 60 ngôi làng và khu vực xung quanh. “Những quả ô liu này vẫn chưa được thu hoạch, có nghĩa là chúng tôi vừa mất cây vừa mất mùa”, Bộ trưởng Hajj Hassan nói.
Bộ trưởng Hajj Hassan cho biết thêm, Bộ Nông nghiệp Lebanon hôm 31/10 đã đề nghị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ giúp đỡ những nông dân bị ảnh hưởng và kiểm tra đất để xác định mức độ thiệt hại.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, diện tích canh tác ô liu chiếm hơn 20% diện tích đất nông nghiệp ở Lebanon và mang lại thu nhập cho hơn 110.000 nông dân, chiếm 7% GDP nông nghiệp.
Đinh Kim (Theo Reuters)