(ĐSPL) - Không chỉ phải chịu phận “đội lốt” gạo nước ngoài, mà ngược lại còn có tình trạng các loại gạo nhập lậu cũng đang tìm cách gắn mác gạo đặc sản Việt làm lũng đoạn thị trường. Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt. Nếu không, đừng nói chuyện cạnh tranh với các ông lớn mà cả với Lào, Campuchia cũng sẽ khó khăn.
Gạo lậu tìm cách gắn mác gạo đặc sản
Trong vai một khách hàng, PV tìm đến chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP.HCM) và hỏi mua gạo Thái Lan, Campuchia. Tại đây, PV được chị Huyền, người bán ở một sạp gạo cho biết: “Gạo Thái nhập khẩu có giá 21 ngàn đồng/kg. Còn gạo Sóc Miên (Campuchia) có giá 20 ngàn đồng/kg”. Theo tìm hiểu của PV, một loại gạo khác của Campuchia có giá rẻ hơn, 14 ngàn đồng/kg là Xơgi cũng được nhiều người lựa chọn hiện nay.
PV tìm đến công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gạo M.T. (quận 7) hỏi mua loại gạo này thì người đàn ông tên Tuấn cho biết: “Gạo Xơgi đang được nhiều người mua lắm. Nó nở xốp, ăn ngon, tuy không bằng loại Sóc Miên (hạt nhỏ, dài, thơm dẻo) nhưng loại này cũng được nhiều người ưa chuộng”. Tuy nhiên, khi hỏi mua số lượng nhiều và yêu cầu hóa đơn, ông Tuấn nói: “Vì bán ít với lại nhiều việc quá nên không xài nó nữa. Với lại, tui lấy gạo của người ta mua từ biên giới về nên cũng không có hóa đơn”. Tương tự, tại nhiều cửa hàng, đại lý gạo, người dân có thể tìm mua các loại gạo nước ngoài, nhất là gạo Thái, Campuchia hết sức dễ dàng.
Chị Nguyễn Thị Luyến, ngụ phường 15, quận Gò Vấp cho biết: “Nghe người bạn giới thiệu ăn gạo Thái ngon nên mua thử. Quả thật mua về nấu thành cơm hạt dẻo, mềm và rất thơm. Thế là từ đó, gia đình chỉ mua loại gạo này dùng thôi. Thấy người ta bán ghi là gạo Thái Lan nhập khẩu thì mua, chứ cũng không để ý có nguồn gốc từ đâu, với lại nó cũng không có bao bì gì cả”. Thực chất, các loại gạo “nhập khẩu” này trên thị trường đa phần được tuồn lậu vào Việt Nam tiêu thụ.
Tại các cửa khẩu biên giới Tây Nam, thời gian qua liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển lúa, gạo nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam. Chúng có nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, Campuchia. Điển hình, cách đây chưa lâu, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực phía Nam phối hợp cùng cơ quan chức năng theo dõi và phát hiện 3 ghe vận chuyển lúa hướng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang).
Khi bị bắt, chủ hàng và người vận chuyển không xuất trình được giấy tờ hợp pháp, không khai báo tại cửa khẩu. Ước tính số lượng lúa vận chuyển trên 3 chiếc ghe lên tới 300 tấn, có trị giá gần 2 tỷ đồng. Việc lúa gạo nhập lậu vào nội địa vừa gây lũng đoạn thị trường vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro khác cho lúa gạo Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, tình trạng gạo lậu có tần suất xuất hiện ngày càng nhiều tại địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh... sau đó tìm cách tuồn vào các đô thị lớn, đặc biệt là TP.HCM.
Thời gian qua, tại quận 2, Tân Phú và huyện Củ Chi, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ hàng chục tấn gạo ngoại nhập lậu đang được bán ra cho người tiêu dùng. Cụ thể, đội Quản lý thị trường quận Tân Phú đã phát hiện và tạm giữ hơn 14 tấn gạo Thái Lan nhập lậu. Số gạo này do vựa gạo Tiền Giang (49 Bác Ái, phường Tân Thành, quận Tân Phú) kinh doanh, nhưng không hề có hóa đơn, chứng từ, bao bì cũng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Chủ vựa gạo cho biết, đây là gạo được nhập từ Thái Lan, giá 16 ngàn đồng/kg từ miền Tây đưa lên. Các loại gạo này, sau khi thẩm lậu vào Việt Nam, sẽ được thay tên đổi họ, gắn thêm mác “gạo đặc sản” hoặc để là “gạo nhập khẩu” bán với giá trên trời. Theo các chuyên gia, việc gạo ngoại vẫn có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam (vốn có nhiều loại gạo ngon, số lượng lớn) là do tâm lý sính ngoại của một bộ phận người dân, bên cạnh đó cũng là cách xây dựng thương hiệu gạo Việt đang có vấn đề.
Cần xây dựng thương hiệu gạo Việt
Trước thực trạng này các chuyên gia cho rằng, cần phải xây dựng ngay một chiến lược thương hiệu cho gạo Việt. Để gạo Việt thật sự có chỗ đứng vững vàng không chỉ cho xuất khẩu mà ngay cả ở thị trường nội địa. GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam nhìn nhận: “Gạo Việt hiện nay có thừa các yếu tố hấp dẫn với người tiêu dùng. Thế nhưng đang có một thực tế đáng buồn đó là gạo Việt lại xuất hiện với cái tên “gạo trắng hạt dài” không rõ xuất xứ và được các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng đóng luôn mác của họ, gắn nước họ trên đó”.
Chính vì thế “cần xem lại mình” là cụm từ được nhiều chuyên gia nhắc tới khi nói về việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt. Bởi có nhiều lý do khiến cho gạo Việt phải “đội lốt” thành gạo ngoại ngồi chễm chệ trên kệ trong các siêu thị, trung tâm thương mại và được gắn với những cái tên Thái, Campuchia, Nhật, Hàn Quốc... tràn lan tại chợ truyền thống.
GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam cho rằng: “Mới đây, trong một hội thảo về xây dựng thương hiệu gạo Việt, đơn vị xây dựng đề án đã đưa ra ba loại gạo: Jasmine 85, Nàng hoa 9 và ST21 để xây dựng thương hiệu gạo Việt. Thế nhưng, đó là những loại gạo có nguồn gốc từ nước ngoài. Điển hình như giống Jasmine là của Mỹ đã được cả thế giới biết đến, vậy làm sao mà xây dựng thương hiệu gạo của mình được”.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng cũng phân tích: “Hiện nay, chúng ta đang có cả trăm giống lúa, nhưng nông dân vẫn trồng một cách manh mún. Đến khi doanh nghiệp mua thì nơi này một ít, nơi kia một ít, dẫn tới gạo lẫn lộn chất lượng, không đồng nhất, không thể làm được thương hiệu và không ký trực tiếp với nhà bán lẻ”.
Trong bối cảnh này, GS. Xuân cho rằng: “Cần phải tập trung vào các loại gạo mà chúng ta đang có thế mạnh và theo nhu cầu thị trường để xây dựng thương hiệu gạo Việt. Có thể chia thành 3 loại gạo: Gạo thơm cao cấp, gạo trắng giá rẻ và gạo đặc sản. Ở mỗi loại cần bình tuyển ra vài ba giống tốt đưa vào sản xuất, sau đó xem ưu nhược điểm của nó như thế nào. Đến khi thu hoạch thì mời các chuyên gia về ẩm thực thẩm định chất lượng gạo đã nấu thành cơm để quyết định chọn loại nào làm đại diện cho gạo Việt”.
Khi chọn được giống thì đưa cho các doanh nghiệp giao cho nông dân sản xuất, đồng thời phải tuân theo các quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Đi kèm với đó là phải hỗ trợ cho doanh nghiệp về thuế, thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp làm tốt chuỗi giá trị và thương hiệu. Có như vậy mới mong xây dựng được thương hiệu gạo Việt.
Khó khăn trong phát hiện gạo lậu Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ lúa, gạo nhập lậu qua biên giới các tỉnh Tây Nam với số lượng lớn. Tại TP.HCM, cơ quan quản lý thị trường cũng đã bắt giữ nhiều vụ với số lượng lên đến hàng chục tấn gạo lậu. Tuy nhiên, đó là số vụ bắt giữ, còn thực tế thì phức tạp hơn nhiều. Hơn nữa, việc xử lý cũng hết sức khó khăn, nếu như gạo lậu nguyên bao bì thì còn xác định được nhưng một khi đã đưa vào lãnh thổ Việt Nam sẽ rất khó, khi đó, gạo đã được trộn lẫn hoặc đóng trong bao bì khác rất khó kiểm tra, xử lý”. |
THANH TÙNG