+Aa-
    Zalo

    Chiến lược của ông Putin ở Syria: Hành động trước, đàm phán sau

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổng thống Nga Putin đã thành công trong chiến lược "hành động trước, đàm phán sau" và giờ là thời điểm mà Moscow cần phải tìm lối ra cho các hoạt động quân sự ở Syria.

    Tổng thống Nga Putin đã thành công trong chiến lược "hành động trước, đàm phán sau" và giờ là thời điểm mà Moscow cần phải tìm lối ra cho các hoạt động quân sự ở Syria.

    Với việc tiến hành chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã áp dụng giải pháp ngoại giao hoàn toàn mới. Moscow chỉ bắt đầu đàm phán với các đối tác và đối phương sau khi đã hành động. Bằng cách này, Nga hướng đến mục tiêu củng cố kết quả của hành động hoặc sử dụng nó như đòn bẩy để gây áp lực trong đàm phán.

    Thứ ba tuần trước, Tổng thống Nga Putin đã đề nghị gửi phái đoàn do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đến Washington để thảo luận về tình hình Syria. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối lời đề nghị này một ngày sau đó.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti.

    Rõ ràng, Moscow coi chiến dịch quân sự ở Syria là lý do để phương Tây phải tôn trọng và chấp nhận đàm phán nhằm thiết lập quy tắc trong trật tự thế giới mới, tương tự như hội nghị Yalta giữa các cường quốc trong quá khứ. Nhưng cho đến nay, Washington và phương Tây chỉ bày tỏ quan điểm ngờ vực và không đáng tin.

    Chiến lược quân sự "nhảy vào xung đột để rồi quyết định bước tiếp theo" vốn đã xuất hiện kể từ thời Napoleong. Nhưng chiến lược này thường kéo theo cuộc đối đầu quân sự công khai.

    Trong khi đó, phương pháp mà Nga sử dụng lại có xu hướng mang tính chính trị nhiều hơn và kết hợp với các hoạt động bí mật. Bằng cách này, Nga muốn "can thiệp vào xung đột và khiến các quốc gia khác lo lắng trong việc tìm kiếm giải pháp đối phó".

    Cách đây hơn một năm, Moscow đã sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga, thiết lập lại ranh giới sau chiến tranh như một thực tế rõ ràng. Phương Tây khi đó không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận.

    Các binh sĩ từng tham gia hoạt động bí mật tại Crimea sau đó đã xuất hiện trở lại ở vùng Donbass. Binh sĩ đặc nhiệm đóng vai trò hỗ trợ các chuyến hàng viện trợ từ Nga và "tình nguyện" tham gia các hoạt động ở miền đông Ukraine. Diễn biến khủng hoảng Ukraine đã tạo cơ hội để Nga thiết lập vòng đàm phán mới với phương Tây,

    Cho đến khi xung đột ở Donbass có dấu hiệu lắng dịu, Moscow đã chuyển trọng tâm hướng đến xung đột ở Syria. Nga đã huy động khoảng 50 máy bay chiến đấu và phi công đến căn cứ quân sự gần Latakia kể từ cuối tháng 9.

    Moscow ban đầu phủ nhận việc tăng cường quân sự ở Syria nhưng sau đó áp dụng như một bước đi ngoại giao thông minh, hối thúc Tổng thống Mỹ Obama tổ chức cuộc gặp với ông Putin.

    Cách tiếp cận này cũng thường xuất hiện trong ngành công nghiệp dầu khí của Nga. Quá trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt phía Nam và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu trước khi các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng. Kết quả của kế hoạch này là ưu tiên hàng đầu , đem về lợi nhuận cho các công ty dầu khí Nga.

    Điều này cũng đúng với các hoạt động quân sự ở nước ngoài của Nga. Phương Tây không chấp nhận Crimea sáp nhập vào Nga cũng như không tin vào thỏa thuận hòa bình Minsk. Hành động can thiệp quân sự ở Syria thậm chí còn bị Mỹ và phương Tây chỉ trích nặng nề, khiến cho các bên chưa thể bắt đầu vòng đàm phán mới.

    Cho đến thời điểm hiện tại, chính sách đối ngoại của ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Nga.

    Theo nhà phân tích chính trị Alexei Makarkin, Điện Kremlin đang đặt cược vào cách tiếp cận này nhằm định hình phương hướng trong chương trình nghị sự quốc tế. Moscow đã thành công trong việc thu hút sự chú ý trên khắp thế giới.

    Nhưng về mặt lâu dài, nếu như Nga không tìm kiếm được lối thoát cho chiến dịch quân sự ở Syria, phương Tây và các quốc gia Trung Đông sẽ ngày càng có cái nhìn tiêu cực. Hệ quả tất yếu khiến Moscow không chỉ bị hạn chế cơ hội hợp tác mà còn thu hẹp lựa chọn trong chiến lược "hành động trước, đàm phán sau" này.

    Theo Người Đưa Tin

    Xem thêm video Tin tức:

    [mecloud]xEspD3DD3n[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-luoc-cua-ong-putin-o-syria-hanh-dong-truoc-dam-phan-sau-a115537.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.