(ĐSPL) - Trong số chiến binh nước ngoài đã biến “Nhà nước Hồi giáo” (IS) thành tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, người Chechnya có vị trí nổi bật.
Tổng cộng có hàng trăm chiến binh đến từ vùng Bắc Kavkaz của Nga và những khu vực nói tiếng Nga khác, được cho là đang chiến đấu ở Syria và Iraq bên cạnh nhóm Nhà nước Hồi giáo và các nhóm có liên hệ với al-Qaeda như Mặt trận Al-Nusra.
|
Người Chechnya đã góp phần làm nên nhiều "chiến tích" của nhóm "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria" (ISIS). |
Theo VOA, tuy chiến binh người Chechnya không phải là nhóm lớn nhất trong số hàng ngàn chiến binh nước ngoài ở Syria, nhưng họ lại đóng một vai trò nổi bật. Dày dạn sau nhiều năm chinh chiến với lực lượng Nga, các chiến binh Chechnya đã góp phần tạo ra những “chiến tích lừng lẫy” của nhóm Nhà nước Hồi giáo khắp Syria và Iraq.
Đây là chỉ dấu báo hiệu một chu kỳ bạo lực mới đang dần hiển hiện ở vùng Bắc Kavkaz vốn nhiều bất ổn của Nga. Và điều này có thể là dấu hiệu cho thấy lý do vì sao Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ hôm 24/9 áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt tài chính mới nhắm vào một số thủ lĩnh Chechnya hàng đầu và những đơn vị dưới quyền.
Bill Roggio - người sáng lập Long War Journal - một website chuyên theo dõi những nhóm thánh chiến – nói: "Tôi nghĩ đó là lý do tại sao nhóm Nhà nước Hồi giáo thành công được như vậy. Những chiến binh đến từ vùng Kavkaz có kinh nghiệm chiến đấu với quân đội Nga chuyên nghiệp. Họ đã tiến hành chiến tranh du kích hàng nhiều thập kỷ và kinh nghiệm này đang được áp dụng vào chiến trường. Họ rất giỏi về chiến thuật”.
Richard Barrett - phó chủ tịch cao cấp của Soufan Group, một tập đoàn tư vấn an ninh ở New York – nhận xét: “Họ (người Chechnya) là những chiến binh thứ thiệt”.
Vùng Kavkaz “tương đối bình lặng”
Sau hai cuộc chiến tranh mà Nga tiến hành từ năm 1994, vùng Bắc Kavkaz trở nên tương đối ổn định, không có chiến sự toàn cục và những cuộc tấn công khủng bố lớn.
Mặc dù Nga đã tiêu diệt thành công các thủ lĩnh Chechnya hàng đầu như Shamil Basayev, Ibn al-Khattab, Abu Hafs al-Hudani, Abu al-Walid, Doku Umarov, các phần tử nổi dậy chưa chịu bỏ cuộc. Họ tập hợp lại lực lượng dưới một thủ lĩnh mới được cho là ở Dagestan, ngay sát Chechnya về phía đông.
Nhiều chiến binh Chechnya đã tham chiến ở Syria từ rất sớm, khi cuộc nổi dậy bùng ra vào năm 2011 biến thành một cuộc nội chiến hỗn loạn ở nước này.
Theo ông Barrett, người đứng đầu mạng lưới phiến quân Chechnya lúc đó là Doku Umarov đã khuyến khích các chiến binh Chechnya tích lũy thêm kinh nghiệm chiến trường ở Syria. Doku Umarov là người sáng lập tổ chức gọi là “Tiểu vương quốc Kavkaz” vào năm 2007 và đã chết hồi tháng 8/2013, có thể là bị đầu độc.
Omar người Chechnya
Trong số những chiến binh nhiều kinh nghiệm đi tới Syria có Tarkhan Batirashvili, tên chiến đấu là Omar al Shishani. Batirashvili, một người thuộc sắc dân Chechnya, lớn lên ở một vùng hẻo lãnh của ở nước Cộng hòa Gruzia thuộc Liên Xô cũ và từng phục vụ trong quân đội Gruzia. Thậm chí có tin nói rằng Batirashvili từng chiến đấu chống lại lực lượng vũ trang của Nga trong cuộc chiến tháng 8/2008.
|
Batirashvili đã trở thành một chỉ huy quân sự cấp cao của nhóm Nhà nước Hồi giáo và là thành viên của Hội đồng Shura, cơ quan tham vấn hàng đầu cho giới lãnh đạo IS. |
Theo Bộ Tài chính Mỹ, Batirashvili đã trở thành một chỉ huy quân sự cấp cao của nhóm Nhà nước Hồi giáo và là thành viên của Hội đồng Shura, cơ quan tham vấn hàng đầu cho giới lãnh đạo IS, gồm có cả thủ lĩnh al-Baghdadi.
Nhóm mà Batriashvili từng lãnh đạo là Jaish al-Muhajireen wal-Ansar hay Lữ đoàn Muhajireen, là một trong hai nhóm bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vào ngày thứ Tư.
Theo ông Charles Lister - một nhà phân tích nổi tiếng và là chuyên gia đến nghiên cứu tại Trung tâm Doha của viện Brookings, Batirashvili "đã đảm nhận vai trò chỉ huy quân đội rất nổi bật trong những chiến dịch ở Syria của IS. Ông ta rất có thể là chỉ huy hoạt động quân sự cao cấp nhất ở Syria”. Trả lời phỏng vấn qua email, ông Lister nói: "Phần lớn những cuộc tấn công đáng chú ý của IS ở phía bên kia biên giới Syria có liên hệ bằng cách này hay cách khác với sự lãnh đạo của Batirashvili”.
Trong số những “chiến tích” được cho là của Batirashvili (hoặc do thủ lĩnh này tự nhận) là vụ đánh chiếm sân bay Minigh hồi tháng 8/2013 gần thành phố Aleppo, được cho là có sự tham gia của nhiều kẻ đánh bom tự sát.
Trong số các thủ lĩnh người Chechnya khét tiếng còn có Murad Margoshvili, được biết tới với cái tên Muslim al Shishani. Có tin nói Margoshvili từng phục vụ trong lực lượng phòng không của quân đội Liên Xô tại Moldova và chiến đấu bên cạnh một thủ lĩnh chủ chốt trong những nhóm khủng bố Chechnya hơn một thập kỷ trước đây. Margoshvili, chỉ huy trung đoàn Chechnya gọi là Junud al-Sham, là một trong hàng chục cá nhân bị Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt hôm 24/9. Giống như Batirashvili, Margoshvili nổi bật với bộ râu dài màu đỏ.
|
Margoshvili, chỉ huy trung đoàn Chechnya gọi là Junud al-Sham ở Syria. |
Một video được sản xuất công phu cho thấy Margoshvili đào tạo những chiến binh và đã được lưu truyền trên một số kênh YouTube trong những tuần gần đây.
Một đoạn video được công bố ngày 2 tháng 9 cho thấy những chiến binh nói tiếng Arập đứng gần một chiến đấu cơ của Nga bị chiếm giữ tại một căn cứ không quân Syria. Những chiến binh đe dọa sẽ giải phóng vùng Kavkaz khỏi sự kiểm soát của Nga. Đoạn video có phụ đề bằng tiếng Nga.
Những rạn nứt giữa các chiến binh Chechnya
Theo các chuyên gia, lý tưởng chiến đấu của người Chechnya ở Syria không đồng nhất và các nhóm khác nhau theo đuổi những mục tiêu khác nhau. Theo truyền thống, người Chechnya vốn gắn bó mật thiết với gia tộc hoặc những mạng lưới đại gia đình. Do đó, sự kình địch và giằng co giữa các nhóm chiến binh người Chechnya, ở trong nước hay ngoài nước, là chuyện thường.
Ở Syria, quyết định của Batirashvili nguyện trung thành với thủ lĩnh nhóm Nhà nước Hồi giáo đã gây nên rạn nứt giữa các đơn vị người Chechnya, theo lời các chuyên gia.
Những chiến binh thuộc đơn vị cũ của ông ta, Lữ đoàn Muhajireen, vẫn trung thành với “Tiểu vương quốc Kavkaz” vốn có quan hệ với al-Qaeda từ hơn một thập kỷ trước. Ông Lister cho rằng điều này có thể củng cố mối liên hệ của “Tiểu vương quốc Kavkaz” với al-Qaida trong dài hạn.
Chuyên gia Richard Barrett nhận định: "Tôi chắc chắn rằng người Nga cũng lo lắng về điều đó như bất cứ ai. Những diễn biến ngoài dự liệu luôn có thể xảy ra. Khi Nhà nước Hồi giáo bị Mỹ đánh bật, có nhiều phần chắc là những chiến binh sẽ bị đẩy trở lại các khu vực khác (như Kavkaz)”.
Nhà phân tích Bill Roggio nói thêm: “Nếu lịch sử là căn cứ để phán xét, ta không thể coi nhẹ mối nguy từ những nhóm như thế này, những nhóm từng cho thấy năng lực thực hiện những cuộc tấn công lớn trong quá khứ”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-binh-chechnya-dau-nao-quan-su-cua-is-a52841.html