+Aa-
    Zalo

    Chiêm ngưỡng tục thả sáo diều độc đáo nhất Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Có một thú chơi đã hàng trăm năm nay không hề có sự thay đổi, vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc thù ở Thái Bình vừa được bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

    Có một thú chơi đã hàng trăm năm nay không hề có sự thay đổi, vẫn giữ được bản sắc văn hóa đặc thù ở Thái Bình vừa được bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - tục chơi sáo diều.

    Diều của người chơi trong lễ hội.

    Nguồn gốc của tục chơi sáo diều

    Tổng An Lão xưa (nay thuộc địa phận xã Song An, Vũ Thư) là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi có điệu hát chèo “Sáo đền”, tuồng Bắc nổi tiếng. Trong đó, không thể không kể đến tục thi thả diều sáo độc đáo, chỉ có tại xã Song An.

    Từ thuở xa xưa, hội Sáo đền được coi là một hội lớn của vùng đất Thái Bình, tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo đền gắn liền với cuộc đời và công trạng của Quốc công Đinh Lễ thời nhà Lê. Trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ông cho thả diều sáo để quân sĩ quên đi mọi gian lao, vất vả, vừa đánh giặc vừa làm ruộng. Mảnh đất này cũng là nơi nuôi dưỡng, lớn lên của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người có công sinh thành, dưỡng dục vua Lê Thánh Tông, vị vua làm rạng danh triều hậu Lê.

    Tưởng nhớ công ơn của Hoàng Thái hậu, gần 600 năm trước vua Lê Thánh Tông đã trực tiếp xa giá về mảnh đất Song An để chọn địa điểm xây điện thờ. Theo bô lão trong làng, lễ hội Sáo đền xưa, nhà vua thường ngự giá về mở hội. Trải qua hàng trăm năm, với những biến cố và thăng trầm của lịch sử, người dân xã Song An vẫn giữ được những phong tục trong lễ hội cũng như tục thả sáo diều.

    Thú chơi cũng lắm công phu

    Theo cổ lệ, để có được cánh diều tham gia trong lễ hội, người dân Song An phải chuẩn bị rất công phu từ trước đó cả năm. Về cơ bản, diều sáo gồm 2 phần chính là diều và sáo. Diều truyền thống ở Song An rất đa dạng, song chủ yếu tập trung ở 3 loại: Diều cánh roi (dáng thon, mình hẹp, đều 2 bên như chiếc thuyền, khi bay lên cao sẽ cong như hình trăng non); diều bần (dáng mập, mình rộng, như hình củ ấu); diều cánh cốc (hay diều cánh tiên, hình dạng cầu kỳ). Điểm khác biệt ở diều Song An không chỉ về hình dáng diều mà cả về kích thước.

    Ông Đinh Minh Anh - nghệ nhân sáo diều, chơi diều từ khi 10 tuổi, đồng thời là dòng dõi hậu thế của Quốc công Đinh Lễ - chia sẻ: “Để làm được con diều dáng cổ không phải là việc đơn giản, quan trọng nhất là khâu chọn tre để làm khung diều. Tre phải là tre già, giữa bụi. Sau khi lấy tre về thì chẻ để có hình dáng thô. Tiếp đó, phải gác lên gác bếp hàng năm trời cho thanh tre quyện với bồ hóng đanh quánh lại. Khi thanh tre đã đạt yêu cầu thì lấy xuống và bắt đầu vót khung. Sau khi xong phần khung thì sẽ đến công đoạn bọc áo diều. Diều được bọc bằng giấy bản và quét bồ hóng, nhựa quả cậy để tạo vỏ bọc, cho dù con diều có rơi xuống ao hồ cũng không bị thấm nước.

    Ống sáo được làm bằng ống tre nứa, miệng sáo được làm bằng gỗ mít, hoặc gỗ vàng tâm vì dễ chế tác và không bị cong vênh. Tiếp đến là phần dây thả diều, ngày xưa khi chưa có dây dù, dây nilon, các cụ thường dùng tre bánh tẻ, chẻ nhỏ rồi luộc bằng nước sôi, sau đó bện lại thành dây”.

    Kỹ thuật làm diều ngày nay đã có nhiều thay đổi đáng kể. Trước đây khung diều chỉ làm bằng tre thì nay có sợi thủy tinh hay graphite carbon để giúp khung diều nhẹ và ứng cápc hơn. Diều trước đây có bộ khung cố định thì nay người chơi chế tác những bộ khung có thể tháo, gấp để dễ di chuyển khi đi xa mà vẫn đảm bảo hình dạng truyền thống. Áo diều được bọc bằng bao bì, vải, nilon.

    Người chơi sáo diều Song An dùng cả sáo đơn và sáo dàn, nhưng chủ yếu dùng sáo dàn vì sáo dàn âm thanh đa dạng, phong phú. Sáo dàn có thể có từ 2 – 3 - 5 ống sáo cho đến 12 ống sáo.

    Người chơi mang diều đến hội thi diều sáo Sáo đền.

    Luật chơi sáo diều đa dạng, khắt khe tạo nên bản sắc

    Ông Nguyễn Duy Đông - Chủ nhiệm CLB diều sáo Sáo đền xã Song An - cho biết, tục thi thả sáo diều chỉ có vào ngày đại lễ 25/3 âm lịch, gắn liền với các nghi lễ thiêng liêng và có nhiều thể lệ khắt khe với nhiều nội dung phong phú như: Thả diều to, thi sáo đẹp, thi sáo hay và độc đáo nhất là thi thả diều sáo qua câu liêm. Hai cột tre có chiều cao 4 - 5 m được dựng lên cách nhau khoảng 50 cm, mỗi một đầu cột được gắn lưỡi hái. Nếu diều được thả không chạm câu liêm hoặc dây diều không bị đứt thì người chơi thắng cuộc. Ngoài ra những con diều dạng cổ, giữ được chất liệu nguyên bản như thời xa xưa cũng sẽ được chấm điểm cao hơn những con diều cùng hình dáng, kích thước nhưng làm bằng chất liệu hiện đại.

    Nói về việc giữ gìn thú chơi này không bị mai một khi xã hội hiện đại có nhiều sự biến đổi, ông Đông tâm sự bởi không chỉ CLB sáo diều của ông mà tất cả các CLB khác trên toàn xã đều ý thức được việc này. Ngoài hội thi thả sáo diều vào lễ hội Sáo đền, người chơi diều xã Song An hàng ngày đều thả diều làm thú vui sau những ngày lao động mệt nhọc và đi đến các vùng miền trong cả nước để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chơi diều sáo.

    Từ xa xưa, diều ở Song An đã nổi tiếng về độ to, độ dài. Con diều nhỏ nhất cũng phải từ 2,5m trở lên, những con diều to lên tới 10 - 12m. Có như thế diều mới cõng được những bộ sáo nặng đến cả chục kg. Tiếng sáo trong hội Sáo đền đã tạo nên sác thái văn hóa đặc trưng không nơi nào có được.

    Minh Sơn

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (1)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chiem-nguong-tuc-tha-sao-dieu-doc-dao-nhat-viet-nam-a352129.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan