Khi biết tin bị nhiễm HIV là bắt đầu những chuỗi ngày dài sống trong đau đớn, tuyệt vọng và không ít lần Nguyễn Văn Công muốn tìm đến cái chết để giải thoát cho tất cả để đỡ mang họa cho những người thân yêu mình. Nhưng rồi mọi chuyện đã khác…
Người chấp nguồn bi kịch
Nguyễn Văn Công (SN 1979), ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). May mắn cho Công bởi khi cắp sách tới trường cùng chúng bạn Công đã được liệt vào hàng “công tử” vì gia đình nằm trong diện có bát ăn, bát để. Nhưng chính cuộc sống có phần sung túc đó đã hình thành trong con người Công một lối sống ỷ lại, lớn dần thì buông thả và chỉ thích rong chơi.
Kết quả Công chỉ học kết cấp II rồi nghỉ học đi làm với “ước vọng” thích tự lập, trải nghiệm cuộc sống và kiếm tiền để khẳng định bản thân. Gia đình Công thuở đó khi nghe tin cậu con trai muốn bỏ học đi làm thì kịch liệt phản đối, để bảo vệ “hoài bão” của bản thân, Công đã ba-lô khăn áo rời nhà lên đường… lập nghiệp.
Công việc đầu tiên Công chọn là làm đá mỹ nghệ cho một xưởng đá trong xã. Nhấp chén trà nóng anh Công bồi hồi nhớ lại: “Những ngày đó đi làm nghề đá mỹ nghệ kiếm tiền dễ lắm. Hết ngày làm việc là có vài chục nghìn đồng dắt túi, sướng âm ỉ nhưng cứ làm được bao nhiêu là “nướng” hết bấy nhiêu luôn nên chẳng để dành được đồng nào. Thời đó cả làng trên xã dưới đâu đâu cũng thấy có người buôn bán và sử dụng ma túy. Lúc đầu tôi nghe thì biết vậy thôi, nhưng có tiền lại thiếu hiểu biết nên sau mỗi buổi chè chén say sưa, nghe lũ bạn rủ rê tôi cũng tặc lưỡi muốn thử cái cảm giác “bay cùng nàng tiên nâu” xem nó thế nào. Và thế là đã thử một lần, ắt đã có lần thứ hai, thứ ba”…
Và rồi chẳng biết Công đã tình nguyện gắn cuộc đời mình với “nàng tiên nâu” từ lúc nào. Sau nhiều năm làm ăn xa nhà, nếm đủ những trái đắng Công quyết định chấm dứt cuộc sống phiêu bạt quay về với mái ấm gia đình và kết hôn với một cô gái ngoan hiền trong xã.
Những tháng ngày tuyệt vọng
“Vẫn biết là đã dính vào ma túy thì rất khó có thể bỏ được, nhưng vì thương vợ nên tôi quyết phải cai bằng được. Nhờ sự chăm sóc động viên của vợ và gia đình nên tôi đã thành công. Đây là thời gian tôi cảm thấy mình can đảm nhất và thấy vợ mình thật tuyệt vời” - Nguyễn Văn Công kể lại.
Ngay sau khi cai được ma túy gia đình nhỏ bé của tôi đón nhận một tin không thể vui hơn là tôi sắp được làm cha. Như một liều doping, không quản nắng ngại mưa, dù có vất vả thế nào đi nữa tôi chỉ biết cắm đầu vào công việc hằng mong sao dành dụm được ít tiền để đón cô con gái đầu lòng. Cuối cùng thì cái ngày mong đợi cũng đã đến, cuối năm 2004, vợ tôi sinh hạ một bé gái khỏe mạnh, xinh xắn. Bế đứa con trên tay cô công chúa nhỏ tôi thấy cuộc sống của mình thật sự có ý nghĩa, đồng thời trách nhiệm của mình cũng tăng nên gấp bội. Nhưng niềm hạnh phúc vỡ òa chợt tắt ngay lâp tức khi…”.
Dường như cuộc đời đúng như đang đùa giỡn với anh, ngày đầu tiên làm cha cũng là ngày anh nhận tin mình mang trong mình con virus quái ác HIV, và anh bị mắc căn bệnh thế kỷ AIDS. Lý do bởi lẽ khi sinh cô con gái đầu lòng vì khó sinh nên vợ anh được chỉ định mổ đẻ, và trong quá trình xét nghiệm máu cho thấy chị có kết quả dương tính với HIV.
Giọng nói trùng xuống, ánh mắt buồn hẳn đi khi gợi lại cái ngày định mệnh đó, anh Công tâm sự: “Ban đầu gia đình còn muốn giấu giếm tôi. Nhưng vốn là người nhạy cảm nên tôi đã phần nào mường tượng ra cái sự thật phũ phàng đang ập đến. Thật lòng mà nói thì tôi biết là mình có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, vì trong thời gian nghiện tôi có nhiều lần sử dụng chung bơm, kim tiêm với người khác. Bản thân mình thì không sao, nhưng cứ nghĩ đến vợ và đứa con gái mới sinh vì mình mà mắc bệnh là tôi lại cảm thấy mình thật đáng chết nghìn lần”.
Anh Nguyễn Văn Công |
Anh Công kể rằng những ngày tháng sau đó đã đánh quật gia đình anh khi cơ thể suy sụp, tinh thần kiệt quệ, nhiều lúc anh rơi vào trạng thái hoảng loạn và đã nhiều lần muốn tìm cách giải thoát cho bản thân bằng cái chết. Nhưng rồi lại nghĩ đến cô con gái nhỏ vô tội sớm phải chịu cảnh mồ côi, thương người vợ hiền biết chuyện nhưng không một lời trách móc mà đã quyết định gắng gượng phải sống những tháng ngày còn lại của cuộc đời sao cho ý nghĩa nhất!
“Sống giữa sự kỳ thị của mọi người, cùng sự mặc cảm về bản thân, hàng ngày tôi chỉ lầm lũi đi làm rồi về nhà không giao tiếp với bất kỳ ai. Rồi liên tiếp những người bệnh trong thôn, trong xã chết vì căn bệnh quái ác càng làm cho tôi thấy hoang mang. Nhiều lúc chợt nghĩ biết đâu ngày mai mình sẽ không còn trên cõi đời này nữa, tôi không sợ chết mà chỉ lo mình ra đi sớm quá khi đứa con chưa kịp trưởng thành, nó sẽ phải sống ra sao? Cũng chính những ngày sống không bằng chết đó đã giúp tôi can đảm hơn rất nhiều, nhờ nó tôi mới thấy cuộc sống quý giá biết nhường nào! Đây chính là chuỗi ngày tôi ham sống, muốn sống, cần sống hơn bao giờ hết”…
Đừng gục ngã
Mặc định trong suy nghĩ rằng bản thân, rồi vợ đều mắc căn bệnh quái ác nên chắc chắn cô con gái cũng sẽ chịu chung số phận. Nhưng cuộc sống luôn có những điều bất ngờ riêng của nó; trong một lần tình cờ đưa con đến bệnh viện khám sức khỏe, cả nhà đều cảm thấy vô cùng sững sờ và hạnh phúc khi các bác sĩ kết luận cô bé hoàn toàn âm tính với HIV.
Nhắc đến chuyện này vẻ mặt anh Công bừng sáng và nói: “Ban đầu không ai dám tin vào điều kỳ diệu này! Bản thân tôi là người muốn nó là sự thật nhất nhưng vẫn bán tín bán nghi. Chính vì vậy tôi đã đưa cháu đi xét nghiệm lại một lần nữa. Đến khi cầm bản kết quả trên tay tôi chỉ biết ôm con mà khóc vì quá sung sướng. Vậy là lương tâm tôi đã đỡ đi phần nào cắn rứt khi biết con mình hoàn toàn khỏe mạnh”…
Trước đây, cứ nghĩ là bố mẹ mà bị bệnh thì chắc chắn con cũng sẽ lây nhiễm, nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Sự thật đó đã thôi thúc anh Công bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh đang mang trong mình. Không chỉ vậy với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức đoàn thể, anh đã đứng ra vận động những người có cùng hoàn cảnh tham gia để tuyên truyền, vận động nhằm đẩy lùi căn bệnh thế kỷ.
Sau nhiều ngày vất vả đến từng thôn, từng nhà làm công tác dân vận, Hội “Vì một ngày mai tươi sáng” đã được thành lập với 14 hội viên đầu tiên. Được mọi người tin tưởng bầu làm Hội trưởng anh Ngô Văn Công đã tìm mọi cách để giúp những người bị nhiễm HIV/AIDS thêm niềm tin vào cuộc sống, con người và có thể hòa nhập với cộng đồng. Anh Công cho biết: “Thời gian đông nhất có khi lên tới gần 150 người bao gồm cả người lớn và trẻ em tham gia. Từ khi “Vì một ngày mai tươi sáng” ra đời, với các biện pháp tuyên truyền phổ biến, những hành động giúp đỡ nhau thiết thực nên cuộc sống của người bệnh cũng được cải thiện rất nhiều. Không chỉ vậy cái nhìn của mọi người xung quanh đối với người HIV/AIDS cũng có nhiều đổi thay tích cực. Trước họ cứ nhìn thấy tôi là sợ rồi nói gì đến chuyện giao tiếp. Nhưng bây giờ họ sẵn sàng ngồi uống nước, nói chuyện, chia sẻ với người bệnh. Đặc biệt là thái độ, lời nói cũng dễ nghe hơn rất nhiều”.
Khi đã có những hiểu biết cặn kẽ về cách phòng tránh lây nhiễm HIV, biết cách để con sinh ra khỏe mạnh, vợ chồng anh Công đã quyết định sinh thêm một cháu nữa. Và niềm vui một lần nữa lại đến với ngôi nhà tưởng như không bao giờ còn chộn rộn tiếng cười này.
Lúc chúng tôi đến gặp anh cũng là lúc anh khoe: “Cháu thứ hai là cháu trai anh ạ! Cháu được 9 tháng rồi và cũng hoàn toàn khỏe mạnh như chị nó. Tôi thì vui như thế nào thì không thể nói hết…”. Nụ cười đã nở trên môi người đàn ông tưởng chừng như đã tự tay kết liễu đời mình cách đây 10 năm. Nhưng không, anh vẫn sống một cách mạnh mẽ để đương đầu với hoàn cảnh, vượt lên số phận.
“Cuộc sống là nhìn thẳng vào hiện tại để hướng tới ngày mai. Tôi mong sao những người như mình đừng bao giờ tuyệt vọng, đừng bao giờ gục ngã, hãy sống sao cho đúng với ý nghĩa của hai từ “cuộc sống” dù biết cuộc sống đó rất ngắn ngủi. Bởi khi chúng ta còn giữ được niềm tin vào cuộc đời thì chẳng có gì là không thể”, đó là một lời tâm sự, một nụ cười mãn nguyện. Gặp anh Công, tôi lại nhớ tới những nhân vật bị nhiễm HIV/AIDS khác mà tôi đã có dịp gặp gỡ. Tất cả họ, đều trải qua những ngày, tháng đau đớn, tuyệt vọng nhưng họ đã biết “gác lại” một quá khứ buồn mà tự tin và khát khao làm được những điều có ích mà cuộc sống vẫn tiếp diễn đang chờ đón.
Linh Chi (theo ANTĐ)