Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa, sau thông xe đã khớp nối đoạn cao tốc kéo dài từ TP.HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ. Tuyến cao tốc này được đầu tư theo hình thức PPP do Liên danh Đèo Cả - Tổng công ty 194 là nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông (ITS) hiện đại, tích hợp cả phần đường và hầm Núi Vung; Hệ thống ETC liên tuyến với đầu vào mở (không có barrier), dữ liệu thu phí tại các trạm được kết nối và đồng bộ về Trung tâm giám sát thu phí đảm bảo công tác thu phí đầy đủ, minh bạch.
Các nhóm xe cụ thể như sau:
Nhóm 1: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng.
Nhóm 2: Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn.
Nhóm 3: Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ bốn tấn đến dưới 10 tấn.
Nhóm 4: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit.
Nhóm 5: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit.
Trên tuyến bố trí bốn trạm thu phí gồm: Trạm thu phí Du Long (nút giao Du Long), hai trạm thu phí Phan Rang (nút giao Phan Rang, Km 92+815) và trạm thu phí trên tuyến chính (Km 133+770).
Theo chủ đầu tư, ngày 23/4, hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã thống nhất chấp thuận đưa dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào khai thác.
Đến ngày 23/5, Cục Đường cao tốc Việt Nam xác nhận hoàn thành công trình dự án theo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày 23/4 của hội đồng kiểm tra nhà nước.