(ĐSPL) - Việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế chẳng khác nào cuộc đấu tranh tìm công bằng trong lĩnh vực thuế có được một thanh gươm báu, giúp sớm phát hiện và chặt đứt được những chiếc vòi bạch tuộc khổng lồ "ăn gian tiền" của Nhà nước.
Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh khi trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh. |
Đợi cơ quan điều tra vào cuộc thì tội phạm đã "ăn đậm"
Theo quy định hiện hành, cơ quan thuế có vai trò như thế nào trong quá trình điều tra? Với vai trò hiện tại, các vụ điều tra về thuế có đạt được hiệu quả không thưa ông?
Theo quy định hiện hành, vì không có thẩm quyền điều tra cơ quan thuế chỉ tham gia với vai trò là cơ quan phối hợp trong điều tra thuế nên hiệu quả các vụ điều tra về thuế bị hạn chế. Trong khi đó, tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn ra hết sức đa dạng, tăng mạnh, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố; ở mọi lĩnh vực với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế.
Tôi cho rằng, nên trao quyền điều tra cho cơ quan thuế vì ngành này có những đặc trưng riêng, người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Tội phạm về thuế là loại tội phạm tinh vi, có tính đặc thù, cần có nghiệp vụ chuyên môn cao. Nếu không có nghiệp vụ về thuế, việc điều tra, chứng minh tội phạm sẽ rất khó để đạt hiệu quả.
Việc điều tra liên quan đến các vụ gian lận thuế GTGT và hoạt động chuyển giá rất phức tạp. Theo ông, cơ quan thuế nếu được trao quyền điều tra thì có hạn chế được việc vi phạm, trục lợi hoặc qua mặt cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này?
Có thể thấy, cơ quan thuế là cơ quan quản lý về chuyên môn, do vậy sẽ nhìn thấy rõ nhất được các vi phạm. Nếu giao quyền thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu cho đến lúc khởi tố vụ án thì sẽ hạn chế được tội phạm trong lĩnh vực thuế, bởi đây được coi là hàng rào ngăn chặn ban đầu. Còn như hiện nay, đợi Cơ quan điều tra vào cuộc, khởi tố, điều tra rồi mới phối hợp với cơ quan thuế thì tội phạm đã thực hiện xong, hậu quả cũng đã rõ ràng, thiệt hại không thể thống kê. Như vậy, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm một cách hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu của tội phạm.
Doanh nghiệp sẽ cạnh tranh trong công bằng
Có ý kiến cho rằng, cơ quan công an, do hạn chế về lực lượng, không thông thạo về nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về thuế khiến quá trình điều tra thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền trốn thuế, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Qua các vụ án về thuế cho thấy, Cơ quan điều tra hầu như hiện chỉ làm lại việc cơ quan thuế đã làm, tốn thời gian, công sức hơn với mức độ chuyên nghiệp không như mong muốn. Bởi vậy, đối với các vụ án về thuế, cơ quan công an mất khá nhiều thời gian vì nội dung vụ án phức tạp, để chính xác thường trưng cầu thẩm định lại về mặt chuyên môn tại cơ quan thuế các cấp.
Tham chiếu với nước ngoài, có không ít quốc gia đã trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam có nên lựa chọn phương án này? Và theo ông, nếu trao quyền điều tra cho cơ quan thuế thì nên trao đến mức độ nào?
Chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới nên cần phải tuân thủ pháp luật quốc tế, pháp luật trong nước và các cam kết song phương, đa phương. Các doanh nghiệp cần được pháp luật bảo vệ một cách công bằng trong cạnh tranh. Do đó, việc cần phải bổ sung thêm một lực lượng điều tra tinh thông về lĩnh vực thuế để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh tìm công bằng trong lĩnh vực thuế là hợp lý và cần thiết.
Theo tôi, chỉ nên trao quyền cho cơ quan thuế ở giai đoạn điều tra ban đầu như một cơ quan khác cũng thuộc Bộ Tài chính đã được giao quyền điều tra là hải quan. Và, tất nhiên cơ quan thuế chỉ được tiến hành điều tra thuế trong các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm cũng như tránh sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ.
Kết quả điều tra của cơ quan thuế nên là báo cáo để cơ quan công an xem xét. Tất cả, các hoạt động nghiệp vụ điều tra ngoài chuyên môn và kết luận điều tra thì phải do cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện.
Xin cảm ơn ông!