+Aa-
    Zalo

    Châu bản triều Nguyễn: Bằng chứng thép về chủ quyền biển đảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước. việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị.\r\n

    (ĐSPL)- Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước. việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị.
     
    Sự kiện, Hồ sơ Châu bản triều Nguyễn (bao gồm các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ…) được Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu á - Thái Bình Dương, chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu á - Thái Bình Dương của UNESCO và mới đây, ngày 30/7,  cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - bộ Nội vụ đón nhận bằng Di sản tư liệu  thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu á- Thái Bình Dương, được các học giả nhận định là một thắng lợi lớn, nâng tầm giá trị pháp lý của các Châu bản trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Xung quanh ý kiến trên, báo Đời sống và Pháp luật đã đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ  tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    Khẳng định chủ quyền, giảm thiểu tham vọng của Trung Quốc
    Thưa ông, từ trước đến nay chúng ta khẳng định Châu bản triều Nguyễn là căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên chưa có một tổ chức trên thế giới thẩm định và thừa nhận vấn đề này. Nhưng sự kiện Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khiến nhiều người nhận định nâng tầm giá trị pháp lý của những Châu bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
    Việt Nam đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn
    GS. TSKH Vũ Minh Giang.
    Nói đúng ra là chúng ta có rất nhiều tư liệu lịch sử để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có Châu bản triều Nguyễn. Giá trị của tài liệu này nằm ở chỗ phản ánh chân thực và sinh động việc thực thi chủ quyền của triều Nguyễn đối với hai quần đảo này. Đó là văn bản chính thức của Nhà nước nên tính chính thống rất cao và vì vậy, rất có giá trị trong đấu tranh pháp lý.
    Tuy nhiên, tài liệu này là độc bản viết tay nên khi đưa ra xem xét dưới góc độ pháp lý quốc tế, chắc chắn cần phải có sự giám định về văn bản. Nhưng khi đã được chương trình Ký ức nhân loại khu vực châu á của UNESCO công nhận là Di sản văn bản thì giá trị xác thực văn bản đương nhiên đã được xác nhận bởi một tổ chức quốc tế rất có uy tín về Văn hóa, Giáo dục và Khoa học. Chính vì vậy, giá trị pháp lý của Châu bản được tăng lên rất nhiều.
    Sau khi Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản ký ức của nhân loại, nhiều người cho rằng đây là một thắng lợi lớn trên mặt trận văn hoá, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tình với ý đồ sai trái độc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông bằng thủ đoạn dùng hồ sơ di sản "Con đường tơ lụa trên biển". Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào? GS có thể phân tích kỹ cho bạn đọc hiểu rõ hơn những lợi thế hoặc những căn cứ pháp lý khi Châu bản được công nhận là di sản của nhân loại?
    Tuy có liên quan, nhưng Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông và với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và việc Trung Quốc chuẩn bị hồ sơ Con đường tơ lụa trên biển đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới là hai việc khác nhau.
    Liên quan ở chỗ rất có thể Trung Quốc sẽ lợi dụng việc xây dựng hồ sơ để tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt trên biển và với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chẳng hạn như lấy cớ làm tư liệu họ tiến hành khai quật khảo cổ tràn lan trong các khu vực thuộc quyền tài phán và quyền chủ quyền của Việt Nam, trên hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Rồi nữa, họ có thể lập lờ đánh lận con đen mượn tay các tổ chức quốc tế để từng bước thực hiện ý đồ sai trái  độc chiếm Biển Đông...
    Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ làm được việc này vì Con đường tơ lụa trên biển là đường đi của các thương thuyền qua rất nhiều thương cảng, hay nói cách khác là con đường nối các thương cảng từ á sang âu, nghĩa là có sự tham gia của nhiều nước chứ đâu của riêng Trung Quốc. Vả lại, các chuyên gia của UNESCO rất hiểu tình hình Biển Đông và nắm vững luật pháp quốc tế nên đâu có dễ để Trung Quốc lợi dụng. Cả thế giới ai không biết Trung Quốc đã dùng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số đảo thuộc Trường Sa năm 1988. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và nhiều luật quốc tế khác. Tôi không tin một tổ chức rất có uy tín của LHQ như UNESCO lại bỏ qua chuyện này.
    Đối với Việt Nam, việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức nhân loại rất có ý nghĩa trong cả việc khẳng định chủ quyền Việt Nam và góp phần làm giảm thiểu những toan tính đầy tham vọng của Trung Quốc.
    Việt Nam đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn
    Bộ trưởng bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đến dự Lễ đón nhận Bằng di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu á- Thái Bình Dương.
    Quốc tế hóa các tư liệu khẳng định tính chính nghĩa của mình
    Sau khi Châu bản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản, chúng ta nên làm gì để phát huy giá trị này và góp phần vào khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Làm thế nào để Châu bản trở thành một thế mạnh chống lại âm mưu dùng di sản văn hóa làm công cụ phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?
    Đúng là Trung Quốc không từ một thủ đoạn nào để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Lợi dụng di sản văn hóa là một trong những thủ đoạn đó. Chúng ta phải hết sức cảnh giác. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở khoa học để tin rằng chân lý  thuộc về chúng ta và thế kỷ XXI không phải là thời kỳ mà nước lớn có thể bất chấp luật pháp quốc tế, dùng sức mạnh để áp đặt ý muốn của mình lên nước nhỏ. Tuy nhiên, để được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế thì Việt Nam cần trân trọng các di sản văn hóa và thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế đối với các di sản đã được quốc tế công nhận. Mặt khác, cần quốc tế hóa các tư liệu khẳng định tính chính nghĩa của mình. Rất nên tổ chức các hội thảo quốc tế về Châu bản, giới thiệu các công trình nghiên cứu về Châu bản và sử dụng Châu bản chứng minh chủ quyền trên hai quần đảo bằng các ấn phẩm dịch ra tiếng Anh.
    Xung quanh vấn đề này, GS có quan điểm gì không, và có góp ý gì để phát huy được sức mạnh của Di sản văn hoá Châu bản trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
    Việc đầu tiên là nên tổ chức bảo quản thật tốt khối tài sản vô giá này, nhưng đồng thời phải tiến hành nghiên cứu một cách hệ thống và thật sâu sắc các tư liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng ở việc khai thác thông tin mà còn cần phải nghiên cứu sâu về giá trị pháp lý của loại tài liệu này. Muốn vậy phải gấp rút số hoá toàn bộ Châu bản (cả hình thức và nội dung), hoàn chỉnh các biên mục khoa học và tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu được tiếp cận, khai thác (qua các bản đã được số hóa để tránh tiếp xúc với bản gốc).
    Xin cảm ơn GS!
    Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá

    Tại biểu lễ đón nhận Bằng công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản, Bộ trưởng bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: "Châu bản triều Nguyễn mang giá trị lịch sử vô giá về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo của đất nước ta, việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới càng làm tăng thêm giá trị của Châu bản triều Nguyễn trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chau-ban-trieu-nguyen-bang-chung-thep-ve-chu-quyen-bien-dao-a44947.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.