Như thường niên, tạp chí danh tiếng nhất thế giới Time đã công bố danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Trong đó, có 6 nhóm được đề cập đến, bao gồm: Icons (Nhân vật mang tính biểu tượng), Pioneers (Người tiên phong), Artists (Nghệ sĩ), Titans (Người phi thường), Innovators (Người đổi mới), Leaders (Lãnh đạo).
100 nhân vật được gọi tên đều là những đã tạo nên ảnh hưởng trên toàn thế giới trong năm 2021 đầy biến động.
Đứng đầu hạng mục Lãnh đạo tiêu biểu là bà Ngozi Okonjo-Iweala – người phụ nữ giữ vị trí Tổng Giám đốc WTO từ ngày 1/3/2022 với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31/8/2025. Bà là phụ nữ đầu tiên và là người gốc Phi đầu tiên trở thành lãnh đạo tổ chức WTO.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala (SN 1954), là một nhà kinh tế nổi tiếng người Nigeria. Bà từng tốt nghiệp thủ khoa ngành Kinh tế của Đại học Harvard (Mỹ) vào năm 1976. Sau đó, bà giành học vị Tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts.
Nữ anh hùng chống tham nhũng
Bà Okonjo-Iweala là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Nigeria. Bà giữ chức vụ này trong hai nhiệm kỳ 2003-2006 và 2011-2015, đồng thời đảm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2006.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, năm 2003 trở về trước, Nigeria là quốc gia khét tiếng tham nhũng bậc nhất thế giới. Nigeria vốn có dự trữ dầu thô lớn nhất ở lục địa châu Phi, nên ổ tham những lớn nhất là dầu khí. Mỗi năm ước tính Nigeria bị thất thoát 15 tỉ USD do tham nhũng.
Được sự tín nhiệm của ông Olusegun Obasanjo, vị tổng thống dân sự Nigeria đầu tiên, bà Okonjo-Iweala bắt đầu tấn công tham nhũng từ ngành dầu khí. Bà cho kiểm toán ngành dầu khí, công bố kết quả lên mạng để người dân biết Nigeria đã sản xuất được bao nhiêu và bán được bao nhiêu tiền.
Theo đó, bà đã đưa vào tù 500 người tổ chức lừa đảo thương mại quốc tế trên mạng từng làm ô danh chính quyền Nigeria.
Năm 2004, bà cho công khai ngân sách của chính phủ phân bổ xuống từng bang trên tờ báo quốc gia. Báo bán chạy như tôm tươi mặc dù toàn là số liệu khô khan.
Bà Okonjo-Iweala không chỉ quan tâm tới việc chống tham nhũng, mà con tư hữu hóa ngành luyện thép làm ăn lỗ lã, giảm thuế nhập khẩu, bãi bỏ những hạn chế trong ngành viễn thông, nâng số thuê bao điện thoại bàn từ 450.000 lên 16 triệu.
Bà cải cách ngành ngân hàng, bảo hiểm, thuế thu nhập, ngoại hối và lương hưu. Công chức được nâng lương nhưng bị cắt bổng lộc.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế Giới và IMF, bà cho xây dựng hệ thống quản lí điện tử cho chính phủ. Bà Okonjo-Iweala cũng có công trong việc giúp đỡ Nigeria lần đầu tiên đạt mức đánh giá tín dụng BB Minus từ tổ chức Fitch Ratings and Standard & Poor's năm 2006.
Bà đầm thép
Bà Okonjo-Iweala cũng từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB) trong 25 năm, vươn lên vị trí Giám đốc điều hành số hai vào năm 2007, xử lý danh mục đầu tư hoạt động trị giá 81 tỷ USD ở châu Phi, Nam Á, châu Âu và Trung Á.
Bà Okonjo-Iweala có tên là trong những danh sách "50 Lãnh tụ của Thế giới" trên tạp chí Fortune năm 2015; một trong "100 Người có ảnh hưởng nhất" tạp chí Time năm 2014, và một trong "Top 100 Nhà tư duy toàn cầu" năm 2012 trên tạp chí Foreign Policy.
Ngoài ra, năm 2018, bà Okonjo-Iweala còn có tên trong Hội đồng quản trị của Twitter. Hiện bà đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gavi, một tổ chức liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.
Nhiều người cho rằng động lực để bà Okonjo-Iweala vươn lên mạnh mẽ như vậy là bởi bà thấu hiểu cái nghèo thực sự như thế nào. Cha mẹ du học nước ngoài, bà đã ở với người bà trong suốt thời thơ ấu mãi tới năm lên 9 tuổi mới gặp lại họ.
"Cha mẹ tôi vắng nhà trong suốt gần 10 năm trước khi tôi gặp lại họ. Tôi đã làm mọi việc của một bé gái ở thôn quê phải làm, từ lấy nước, ra đồng cùng bà với đủ thứ việc vặt. Tôi đã thấy cái nghèo là gì, cảm nhận trực tiếp cái nghèo đó”, bà Okonjo-Iweala chia sẻ năm 2012. "Tôi có thể chịu được khổ sở. Tôi có thể ngủ trên sàn nhà lạnh bất cứ lúc nào”.
Có lẽ tuổi thơ gian khó đã hun đúc sự kiên định và độc lập ở người phụ nữ này, giúp bà mạnh mẽ hơn khi kinh qua rất nhiều vị trí quản lý về sau. Rời bỏ cuộc sống tiện nghi ở Washington, bà trở về quê hương Nigeria bắt tay thực hiện những cải cách lớn chống tham nhũng và minh bạch hóa hệ thống tài chính khi đảm nhiệm ghế bộ trưởng tài chính.
Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012, bà Okonjo-Iweala kể lại rằng, khi giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nigeria, những kẻ bắt cóc yêu cầu bà từ chức sau khi bắt mẹ bà làm con tin. Bà từ chối và chúng buộc phải thả người mẹ 83 tuổi của bà vài ngày sau đó.
Luồng gió mới
Về việc trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO, bà Okonjo-Iweala thừa nhận cảm thấy thêm áp lực nhưng khẳng định sẽ đem lại những thành quả để khiến châu Phi và phụ nữ tự hào.
"Phụ nữ thường trung thực hơn, thẳng thắn hơn, tập trung cho công việc hơn và ít ‘cái tôi’ hơn. Tôi không biết có một cái gì gọi là bản năng nữ giới không, nhưng việc điều hành nền kinh tế đôi khi cũng giống như điều hành một gia đình vậy", bà đã nói vậy với tờ Independent (Anh) từ năm 2006. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi phụ nữ là một trong những ưu tiên lớn trong chương trình làm việc của bà trên cương vị mới tại WTO.
Trên cương vị Tổng giám đốc WTO, vai trò của bà Okonjo-Iweala chủ yếu là giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của tổ chức, vật lộn với sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tiến sĩ Okonjo-Iweala, với niềm đam mê thương mại và lời hứa về sự lãnh đạo chủ động là động lực dẫn dắt mà WTO rất cần.
Theo bà Okonjo-Iweala, một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch COVID-19. Bà Okonjo-Iweala mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với những thực tế ngày nay.
Cựu Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định bà Okonjo-Iweala có đủ tầm vóc, kinh nghiệm, mối quan hệ và sự nỗ lực để hoàn thành công việc. “Tôi nghĩ bà ấy là sự lựa chọn tốt. Chìa khóa cho thành công của bà ấy sẽ là năng lực vận hành giữa tam giác Mỹ-EU-Trung Quốc”, ông Lamy nói.
Mộc Miên (Theo Guardian, Reuters, Times of India)