Việc chấm điểm sẽ không thể như kiểu 'thầy bói xem voi được'", ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Bộ VHTTDL chia sẻ với PV về việc chấm điểm công tác tổ chức lễ hội năm 2015.
Lễ hội năm nay có một điểm khá mới so với những mùa trước, đó là việc chấm điểm công tác tổ chức lễ hội với 6 nội dung được đánh giá bằng tổng thang điểm là 100. Tuy nhiên việc các địa phương tự bình xét rồi gửi về Bộ, liệu rằng kết quả có đáng tin cậy cũng như có sự công bằng?
Người dân nô nức đi lễ hội Chùa Hương, ngày 5 tháng giêng Âm lịch. Ảnh: Thanh Hà. |
- Báo cáo của các địa phương gửi lên chỉ là một cơ sở mang tính tham khảo. Đương nhiên là Bộ không thể căn cứ nhất nhất vào bản cáo từ địa phương gửi lên. Bởi không có địa phương nào tự nhận mình kém, hạ thấp mình. Bộ sẽ có rất nhiều kênh khác nhau để đánh giá, như qua sự phản ánh của người dân, qua các bài báo của báo chí, đặc biệt là sẽ có các đoàn thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Bộ.
Ví dụ như nạn đổi tiền lẻ, chèo kéo khách ở Chùa Hương (Hà Nội), hay nạn chèo kéo khách khấn thuê, lễ mướn ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) hay như vụ tranh cướp cau, tre tại đền Gióng (Hà Nội), tranh cướp quả Phết, lễ cầu trâu tại (Phú Thọ) mà báo chí phản ánh. Bộ lập tức cử đoàn thanh tra đi kiểm tra tình hình thực tế.
Nếu nói như vậy, Bộ sẽ cần thành lập ra hội đồng chấm điểm, thưa ông?
- Tất nhiên, Bộ sẽ thành lập ra hội đồng bao gồm các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người tham gia trực tiếp lễ hội và chắc chắn có ý kiến của một số đại diện phóng viên để kết quả đánh giá khách quan. Đồng thời qua báo cáo của địa phương, địa phương tự chấm điểmcũng là cách biết năng lực quản lý nhà nước về lễ hội của từng địa phương, để xem tính trung thực của từng địa phương.
Rõ ràng khi chấm điểm, tạo danh hiệu thì dễ dẫn đến bệnh thành tích, mà từ thành tích sẽ dẫn đến tiêu cực. Vậy sợ rằng việc chấm điểm có thể dẫn đến tiêu cực?
- Bộ sẽ có những kiểm tra chéo mà không phụ thuộc vào bất cứ một kênh thông tin nào đó. Ví dụ đoàn thanh tra đi kiểm tra tại Chùa Hương (Hà Nội), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai)… Bộ sẽ xem xét không chỉ ở góc độ của thanh tra, mà phải xem xét ở cả thông tin từ người dân, từ chính các bài báo của các báo, đồng thời cả những bản tự bình xét của các địa phương gửi lên. Bộ nhìn từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Việc chấm điểm sẽ không thể kiểu như thầy bói xem voi được.
Bản thân đoàn thanh tra của Bộ cũng sẽ bị kiểm tra từ chính sự phản ánh của người dân, của dư luận báo chí.
Với những thang điểm như xuất sắc, hoàn thành và chưa hoàn thành, sẽ có những ảnh hưởng cụ thể tới địa phương như thế nào thưa ông?
- Những thang điểm như xuất sắc, hoàn thành và chưa hoàn thành sẽ là cơ sở để là Bộ đánh giá điểm thi đua khen thưởng đối với các tỉnh thành và các đơn vị. Đối với công tác quản lý nhà nước mà bị cắt thi đua khen thưởng là không nhẹ .
Ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn tổn thương và bị đánh giá kém. Chúng ta có thể yên tâm, vì tưởng là hình phạt nhẹ nhưng không hề nhẹ. Một vài địa phương bị báo chí nước ngoài đánh giá năng lực, môi trường đầu tư kém mà đã xôn xao rồi.
Những con vật bày bán tại cửa hàng ăn đã được bày trong lồng kính tại Chùa Hương. Ảnh: Thanh Hà. |
Hơn nữa, nhận thức là cả quá trình, tôi nghĩ không thể cầu toàn ngay lập tức. Không phải ai cũng có tâm thế, chuẩn bị điều kiện tốt ngay, nên mọi hình phạt đều hướng đến răn đe, giáo dục, nhắc nhở.
Nhất là cơ quan văn hóa thì khen, chê thưởng phạt phải có văn hóa, để mọi người tâm phục khẩu phục. Mọi đánh giá cần có quy trình, đúng căn cứ quy định nhà nước. Đúng là nhiều tình huống bức xúc thật, nhưng không phải cứ xử như chúng ta mong muốn, mà cần tuân theo pháp luật.
Xin cám ơn ông!
Theo Dân Việt