(ĐSPL) - Người dân Ném Thượng (Bắc Ninh) - nơi tổ chức lễ hội Chém lợn khẳng định Thành hoàng làng mà họ thờ tự không phải là ăn cướp.
Thành hoàng làng là cướp?
Thời gian qua, tục chém lợn tại Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng (Khắc Niệm – TP.Bắc Ninh) đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong khi các ý kiến ủng hộ duy trì và phản đối bỏ lễ hội còn chưa ngã ngũ thì xuất hiện thông tin cho rằng, đình thờ của làng Ném Thượng suy tôn một tướng cướp là Thành hoàng làng lại càng làm dư luận thêm chú ý.
Cụ thể, theo thông tin này cho biết, Thành hoàng làng nơi tổ chức lễ hội vốn là người hành nghề ăn cướp, do chết vào giờ thiêng nên được người dân thờ cúng chứ không phải là một vị tướng quân như người dân khu phố Thượng được các bậc cao niên truyền lại.
Thông tin cho hay: “Làng Niệm Thượng, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc), tục gọi là làng Ném, mở hội vào các ngày mồng 5, mồng 6 tháng Giêng.
Làng này nằm bên tỉnh lộ đi từ Bắc Ninh tới Thuận Thành cách tỉnh lỵ vào khoảng trên mười cây số. Dân làng không đông lắm vào khoảng trên năm trăm người, quanh năm sống về nghề canh nông. Dân làng chia làm hai giáp”.
“Thành Hoàng làng này, họ Lý, không rõ tên gì nhưng được gọi là Lý Công, lúc sinh thời làm nghề ăn cướp, chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ phụng. Lý Công quê ở làng Châm Khê cùng huyện, thường kiếm ăn ở các làng quanh vùng.
Một hôm Lý Công đi ăn cướp, bị dân chúng và khổ chủ đuổi đánh ráo riết chạy bán sống bán chết, chạy đến núi Nghè gần làng Niệm Thượng. Tới núi, Lý Công tìm chỗ ẩn núp, dân chúng kiếm không ra. Tuy kiếm không ra, nhưng mọi người đều biết họ Lý ẩn ở trên núi, nên cùng nhau vây quanh ngọn núi canh chừng.
Lễ hội Chém Lợn ở Ném Thượng - Bắc Ninh gây tranh cãi. |
Bị vây, ẩn mãi trên núi, tên cướp họ Lý không có gì ăn đang lo chết đói. May thay giữa lúc đói lòng, một con lợn lớn không hiểu từ đâu đi tới, đi từ trong bụi rậm ra. Chàng cướp không để lỡ cơ hội, lập tức, sẵn dao dài trong tay, chém một nhát ngang mình lợn, con lợn bị chặt làm đôi, đầu với hai chân trước rời khỏi mình. Chém xong chàng lột bì lợn bỏ đi lấy thịt ăn sống.
Không thấy thần tích nhắc tới, sau này Lý công bị chết ra sao, chỉ biết khi chết gặp giờ linh nên được dân làng Niệm Thượng thờ làm Thành Hoàng”.
Sẽ tổ chức họp báo về Thành hoàng làng?
Nhằm làm sáng tỏ sự thật về thông tin trên, PV Báo Đời Sống & Pháp Luật đã trao đổi với một số bậc cao niên tại khu phố Thượng để nghe ý kiến của họ về thông tin nói trên.
Theo đó, hầu hết những người được hỏi đều khẳng định, họ được các thế hệ đi trước truyền lại rằng, đình làng thờ vị tướng quân thời nhà Lý. Trước đây, người dân phố Thượng chưa bao giờ nghe thấy thông tin cho rằng thành hoàng làng của họ là một người hành nghề ăn cướp.
“Lễ hội này nhằm tưởng nhớ công ơn ngài Lý Đoàn Thượng chứ không phải Lý Công. Sau khi đánh thắng giặc, ngài đã về đây giết lợn khao quân. Người dân làng đã vinh danh ông là Thành hoàng làng và lễ hội là để tưởng nhớ vị thành hoàng làng này”, ông Nguyễn Văn Hưng, 85 tuổi, một bô lão làng Ném Thượng cho hay.
Ông Trần Văn Đức, Tổ trưởng tổ dân phố Thượng, Trưởng ban Tổ chức lễ hội chém lợn khẳng định: “Từ đời cụ kỵ xa xưa đã tổ chức lễ hội theo sự tích này, không ai bịa ra cả”.
Ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi khu phố Thượng, Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn cho biết, đình làng Ném Thượng được xây dựng từ hàng trăm năm trước.
Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp thế kỷ trước, do nhiệm vụ cách mạng yêu cầu, người dân đã tự phá hủy đình làng để địch không có nơi trú ẩn. Lễ hội chém lợn cũng vì vậy mà bị gián đoạn trong một thời gian dài.
Tới năm 1998, dân trong làng đã quyên góp để xây dựng lại đình. Năm 1999, lần đầu tiên lễ hội chém lợn được người dân Ném Thượng tổ chức lại.
Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi khu phố Thượng cho biết thêm, ngày 10 Âm lịch vừa qua, ông mới được biết là có bài báo thông tin nói rằng, Thành hoàng làng của làng ông vốn là một người hành nghề ăn cướp chứ không phải tướng quân.
Ông Lợi xác nhận, trước đây, làng ông đúng là làng Niệm Thượng, tổng Khắc Niệm, huyện Võ Giàng. Qua quá trình đổi tên địa danh hành chính, tới nay làng có địa chỉ là tổ dân phố Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh. Tuy nhiên, trước đó, ông chưa biết tới bất cứ thông tin, tài liệu nào nói rằng Thành hoàng làng là người ăn cướp.
“Một cán bộ của Tỉnh đã về hưu nói tôi mới biết là có thông tin Thành hoàng làng là cướp. Tôi không rõ từ đâu mà lại có thông tin về lễ hội làng tôi như vậy. Chúng tôi luôn được các thế hệ đi trước truyền lại rằng, đình làng thờ tướng quân Đoàn Thượng, một trung thần và dũng tướng đời nhà Lý. Trong một lần về núi Nghè đóng quân, ông đã chỉ huy và cùng quân sĩ chém lợn khao quân. Lễ hội làng tôi được tổ chức để tưởng nhớ vị tướng quân này,” ông Lợi khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Lợi cho biết thêm, theo các bậc cao niên truyền lại thì tên làng qua các thời kỳ như tổ dân phố Thượng, Ném Thượng, Niệm Thượng… đều xuất phát từ tên của vị tướng quân Đoàn Thượng. Bên cạnh đó, ông Lợi khẳng định, hiện nay đình làng còn lưu giữ 4 đạo sắc phong do Viện Hán Nôm (Viện nghiên cứu Hán Nôm) chuyển về. Các đạo sắc phong này đều thể hiện, đình làng Ném Thượng thờ vị tướng quân Đoàn Thượng.
Trên cơ sở đó, ông Lợi cùng tất cả người dân Ném Thượng đều tin rằng, đình làng họ thờ vị tướng đã có công đánh giặc chứ không phải người hành nghề ăn cướp có tên Lý Công.
Trước một số thông tin cho rằng “Thành hoàng làng Ném Thượng là cướp”, ông Nguyễn Đình Lợi cho biết, làng Ném Thượng (tổ dân phố Thượng) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp để tìm hiểu cụ thể về thông tin này.
“Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp bao gồm các bậc cao niên trong làng. Khi đó, chúng tôi cũng sẽ có đáp án cụ thể. Việc nói Thành hoàng làng chúng tôi là cướp thật không chấp nhận được,” ông Lợi cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chương – Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm cho hay: “Các thế hệ đi trước trong tổ dân phố Thượng đều truyền lại rằng, đình làng thờ vị tướng quân Đoàn Thượng. Trước thông tin cho rằng, Thành hoàng làng là người ăn cướp chứ không phải tướng quân Đoàn Thượng, ông Chương cho rằng, điều này phải để các chuyên gia lịch sử, văn hóa trả lời.”
“Điều đó thì phải hỏi các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Còn từ trước tới nay, các cụ trong làng đều truyền lại là đình làng thờ vị tướng quân Đoàn Thượng,” ông Chương nói.