(ĐSPL) - Gia đình anh Chúc rơi vào bế tắc khi vợ anh mắc bệnh ung thư gan. Chị ngày một gầy yếu khi phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật giày vò.
Vợ chồng "kim đồng ngọc nữ" và bất hạnh bất ngờ ập đến
Hồi trai trẻ, anh Bùi Văn Chúc (SN 1974, trú tại thôn Chiềng – Cẩm Thạch – Cẩm Thủy – Thanh Hóa), được mọi người biết đến với sự hiền lành, chăm chỉ. Anh Chúc có một người vợ như ý, chị hiền lành, dịu dàng và chăm chỉ không kém anh. Mọi người thường ví họ như “kim đồng ngọc nữ”, cả hai đều vừa đẹp người vừa đẹp nết, khiến mọi người ganh tị.
Anh Chúc chia sẻ câu chuyện với PV báo Đời sống & Pháp luật. |
Không sống cùng bố mẹ đẻ, anh chị ra ở riêng trong căn nhà tranh được dựng trong vườn nhà bố mẹ đẻ anh. Một vài cái bát ăn cơm và mấy chục cân thóc là tất cả nhữn gì đôi vợ chồng trẻ có được. Sự cần cù, chịu khó và yêu thương nhau là tài sản lớn nhất mà anh chị có. Tình yêu đã giúp họ vượt qua những cơ cực của cuộc sống.
Niềm vui và hạnh phúc gia đình ngày càng trọn vẹn khi hai đứa con trai lần lượt ra đời. Chúng là niềm tự hào của anh chị khi cả hai đều chăm ngoan học giỏi, đứa lớn của anh chị luôn đạt học sinh giỏi và xuất sắc trong những năm học. Không chỉ có vậy, hai đứa con của anh chị tuy còn bé nhưng rất yêu thương bố mẹ, thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ, nên ngoài giờ đến trường, cả hai luôn giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà và ra đồng làm lụng cùng bố mẹ. Dẫu cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng ngôi nhà nhỏ đơn sơ ấy luôn tràn ngập tiếng cười, tình yêu thương và hạnh phúc.
Thế nhưng cuộc sống không bao giờ êm đềm và niềm vui không bao giờ là trọn vẹn mãi mãi, nỗi bất hạnh bất ngờ ập đến, khiến mái ấm ấy trở nên hoang lạnh. Gia đình anh Chúc rơi vào bế tắc khi vợ anh mắc bệnh ung thư gan. Chị ngày một gầy yếu khi phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật giày vò. Con cái ngày một lớn, việc học ngày một nhiều hơn, cũng đồng nghĩa với việc tiền học cho con cũng nhiều hơn. Một mình anh lam lũ, chăm lo cho cả gia đình.
Thương vợ, anh cố gắng kiếm tiền chạy chữa nhưng bao nhiêu công sức của anh như đổ xuống sông xuống biển. Anh ngày càng mệt mỏi và trở nên chán ghét gia đình. Anh bắt đầu thay đổi và dần trở thành một người khác, tìm đến với rượu chè để quên đi nỗi đắng cay của cuộc sống. Từ một người hiền lành, chăm chỉ, yêu thương vợ con, anh trở thành người chồng, người cha đáng sợ. Nhiều khi không cần lí do, anh cũng cáu gắt, chửi mắng vợ con, thậm chí là đánh đập người vợ đau ốm của mình. Xem vợ con là nơi để trút xuống mọi bực tức trong lòng do gánh nặng cuộc sống mang đến.
Chứng kiến những trận đòn roi mà anh làm với người mẹ gầy yếu của mình, đứa con trai thứ hai của anh đã dùng con dao nhỏ, ném vào chân anh, khiến anh bị đứt gân, trở thành một người tật nguyền. Từ đó, anh càng căm ghét vợ con và càng trở nên vũ phu. Và rồi những ngày tháng đau khổ đó đã khiến người vợ của anh không còn động lực để tiếp tục chống chọi với số phận, với nỗi đau của bệnh tật. Năm 2001, chị ra đi mãi mãi, để lại cho anh hai đứa con thơ.
Mất đi người vợ hiền, anh mới nhận ra sai lầm lớn của chính mình. Sự dằn vặt, đau đớn khiến anh tiều tụy và mất dần niềm tin vào cuộc sống. Hai đứa trẻ mất mẹ khi tuổi còn quá nhỏ, đứa con trai đầu mới 8 tuổi, đứa thứ hai mới được 6 tuổi, mất đi nơi nương tựa tinh thần lớn nhất trong cuộc sống. Việc chứng kiến sự đối xử tồi tệ của bố với mẹ khiến tâm hồn hai đứa trẻ luôn có một nỗi hận với bố mình. Sự vô tư, hồn nhiên trong đôi mắt hai đứa trẻ đã chẳng còn bao giờ được tìm lại.
Người cha tật nguyền nỗ lực nuôi 2 con học giỏi
Anh trở thành người tật nguyền, một bên chân bị liệt khiến anh không thể đi lại được bình thường, việc đồng áng do hai đứa con trai và vợ chồng nhà anh trai phải làm thay anh. Sự bất lực và nỗi ân hận, cùng với tình cảm cha con bị rạn nứt khiến anh vô cùng đau đớn. Cuộc sống khó khăn, phải nương nhờ vào người bà nội già yếu và các bác trong nhà, nhưng hai đứa trẻ luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống cũng như trong học tập. Cả hai đều đạt được những thành tích xuất sắc trong học tập khiến mọi người càng yêu thương và khâm phục nghị lực.
Xem thêm video: Rớt nước mắt clip 'Khi cha mẹ nói dối' về tình cảm gia đình.
Cũng vì những điều đó mà anh nhận ra mình phải thay đổi, phải sửa chữa những sai lầm của chính mình. Anh không đi thêm bước nữa, ở vậy một mình nuôi con, dẫu cho nhiều người mai mối, giới thiệu cho anh những người phụ nữ cùng cảnh ngộ sẵn sàng làm mẹ của con anh, đỡ đần anh, cùng anh chăm lo cho hai đứa trẻ nhưng anh cũng không hề mảy may suy nghĩ.
Anh không thể làm việc đồng áng nên ở nhà cố gắng nuôi từng con gà, con lợn để lấy tiền nuôi con ăn học. Những khi gà chết, lợn mất giá anh lại đi xin gà giống rồi nuôi lớn để lấy tiền mua thêm về nuôi. Có khi anh phải lê đôi chân tê liệt đi chợ để bán từng con gà, con vịt để dành dụm từng chút tiền một nuôi con. Anh em họ hàng cũng thương anh nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không khá giả gì nên cũng chẳng thể giúp đỡ anh nhiều.
Thấy hoàn cảnh gia đình anh khốn khó, chính quyền địa phương đã làm hồ sơ xin cho anh được hưởng chế độ của người tàn tật, giúp anh có tiền nuôi con nhỏ. Anh cũng được mọi người giúp đỡ cất cho căn nhà cấp bốn nhỏ để che mưa che nắng. Các con anh cũng được hưởng trợ cấp của Nhà nước và được Nhà nước nuôi ăn học đến hết 18 tuổi. Đó là động lực giúp cha con anh vượt qua khó khăn.
Sau đó, đôi chân của anh không thể đi lại được nữa, khả năng tự chủ cũng giảm đi nhiều, không thể làm gì ngoài việc nhìn hai đứa con ngày một vất vả. 2 đứa con trai vào mỗi dịp nghỉ hè lại ra Hà Nội kiếm việc để làm để lại người bố tật nguyền cho người bà nội và người chú ở cùng bà chăm sóc, đến năm học lại về đi học.
Không phụ sự kỳ vọng và giúp đỡ của mọi người, đứa con trai lớn của anh mặc dù thi đại học lần thứ nhất không đỗ, nhưng với nỗ lực của mình, trong lần thi thứ hai em đã đậu vào trung cấp an ninh năm 2013 với 21 điểm.
Đứa con trai thứ hai của anh là học sinh có số điểm đứng đầu trong lớp. Anh trai đi học xa, không thể có tiền lo cho gia đình, thêm vào đó, việc anh trai cũng cần tiền để ăn học nên cuộc sống mấy cha con càng thêm khó khăn. Người em đã bỏ học một kỳ năm lớp 11 để đi làm thêm kiếm tiền lo cho bố. Người con trai thứ hai của anh đang phải học lại một năm, giờ đang học lớp 12 và chuẩn bị thi đại học.
Tuy nhiên, không vì cuộc sống khó khăn mà hai anh em từ bỏ ước mơ của mình. Cả hai đều nỗ lực học tập, với hy vọng sau này có một công việc ổn định để lo cho bố và cho cuộc sống sau này. Giờ đây, dù đi học nhưng con trai đầu của anh vẫn là trụ cột chính trong gia đình. Khi không có tiền ăn học, em phải nhờ các bác giúp em làm hồ sơ vay vốn tiền ngân hàng dành cho sinh viên nghèo và tự mình đứng tên trong hồ sơ vay tiền. Khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Bây giờ, khi cuộc sống với anh chỉ còn là tồn tại, đôi chân đã bị teo dần và tê liệt. Mong muốn của anh không gì ngoài mong cho hai đứa con tội nghiệp của mình sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn, có cho mình gia đình nhỏ thật hạnh phúc, không dẫm phải vết xe đổ của cha mình.
Sức khỏe của anh ngày càng yếu đi, điều anh lo sợ nhất là các con sau này phải sống mà thiếu cả mẹ, lẫn cha. Dẫu cho còn có bà nội và các bác, các chú trong nhà chăm lo, nhưng hai đứa trẻ chưa một lần nghĩ đến sẽ rời bỏ ngôi nhà bé nhỏ đó ngay cả khi chỉ còn lại hai anh em. Chẳng nơi đâu bằng nhà mình, chẳng ai có thể yêu thương mình bằng bố mẹ mình. Thiếu đi một người đã là sự thiệt thòi lớn, nếu lại mất đi người cha nữa thì bọn trẻ không biết sẽ ra sao.
THU HƯƠNG