+Aa-
    Zalo

    Đôi vợ chồng tật nguyền giang rộng vòng tay đón trẻ mồ côi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ ngày đón bé trai về nhà, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Trường, chị Kỳ bỗng vui hẳn lên. Cậu bé Nhân như sợi dây gắn chặt hơn tình cảm của hai vợ chồng.

    (ĐSPL) - Từ ngày đón bé trai về nhà, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Trường, chị Kỳ bỗng vui hẳn lên. Cậu bé Nhân như sợi dây gắn chặt hơn tình cảm của hai vợ chồng.
    Về khối Đông Thọ, phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An), hỏi thăm gia đình anh Trường – chị Kỳ không ai là không biết. Dù tật nguyền nhưng vợ chồng anh chị luôn biết vượt lên số phận, tìm kiếm niềm vui bằng cách nhận nuôi trẻ mồ côi. Trước nghĩa cử cao đẹp đó, ai ai cũng phải nể phục, niềm vui riêng của gia đình nhỏ đã trở thành niềm vui chung của cả khối.
    Gian khổ câu chuyện tình yêu của đôi bạn trẻ tật nguyền
    Từ đầu ngõ đã có tiếng ru ê a, ngọng nghịu của người đàn ông trung tuổi kèm theo tiếng cười khúc khích của con trẻ khiến ai thoạt nghe cũng lấy làm lạ tai. Cũng như bao người khác, chúng tôi lấy làm tò mò khi nghe tiếng ru không tròn vành, rõ tiếng của một người đàn ông kèm theo đó không phải là tiếng khóc gắt ngủ mà lại là tiếng cười giòn tan của đứa trẻ.
    Để thoả mãn sự tò mò, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Trường (SN 1974) và chị Vương Thị Kỳ (SN 1983) theo lời chỉ dẫn của một phụ nữ ở gần đó. Cảnh tượng đầu tiên mà chúng tôi trông thấy là trong căn nhà nhỏ 2 cha con anh Trường đang cùng... bò ở nền nhà. Lúc này, chị Kỳ (vợ anh) đang loay hoay với đàn gà nhỏ và bữa cơm tối. Nghe thấy có khách đến chơi, chị cố gắng kéo những bước đi nặng nhọc vào nhà đón khách thay chồng.
    Dẹp hết mọi công việc đang dở dang, chị Kỳ niềm nở kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “dài kỳ” của vợ chồng anh chị. Ngày chị lấy anh Trường, anh đã bị liệt nửa người, nói rõ ràng từng tiếng với anh đã rất khó, việc đi lại càng khó khăn hơn, do vậy hầu hết mọi việc trong nhà đều một tay chị lo toan. Anh Trường mang di chứng bẩm sinh, chân tay co quắp, đặc biệt anh không thể làm chủ được tuyến nước bọt. Lúc sinh thời, mẹ anh Trường thường có trăn trở: “Không biết sau khi bà nằm xuống ai sẽ là người chăm nom cho người con trai tật nguyền của mình.”.
    Góp phần vào câu chuyện của chúng tôi, anh Trường cố gắng nói những câu nói khó khăn: “Từ nhỏ, những đêm nằm cạnh mẹ thấy mẹ trăn trở biết chắc là vì mình, tôi thấy cắn rứt lương tâm lắm, chỉ biết tự hứa sẽ cố gắng sống lạc quan để mẹ yên tâm”. Theo lời anh lý giải, nay anh đã thực hiện lời hứa để mẹ an tâm bằng cách tìm cho mình một mái ấm riêng.
    Hạnh phúc thực sự đã đến với anh và người mẹ già khi năm 2006, qua lời mai mối của một cậu sinh viên trọ học gần nhà anh gặp được chị Vương Thị Kỳ, trú tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Cũng chung hoàn cảnh tương tự anh Trường, từ năm 1 tuổi, chị Kỳ đã bị teo cơ chân phải. Gia đình khó khăn không có tiền chạy chữa nên chân chị dần bị liệt hẳn. Tuy mang trong mình tật nguyền nhưng chị luôn cố gắng vượt lên số phận, sống hiền lành, chất phác. Thời gian trôi đi, tình cảm hai anh chị ngày một tiến triển tốt đẹp, đã có lúc vì mặc cảm về bản thân, anh Trường đã không dám đón nhận tình cảm của người con gái Yên Thành. Nhưng lâu dần, với phẩm hạnh tốt đẹp, chị Kỳ đã dần lay động được trái tim anh.
    Thời gian qua đi, những lời động viên chia sẻ của hai anh chị trong những khi áp lực vì cuộc sống, vì công việc đã kéo hai con người đồng cảnh ngộ lại gần nhau hơn. Những món quà họ dành cho nhau chỉ đơn giản là những trái tim khắc lên ông tre anh Trường kiếm được hay những tấm thiệp hồng anh kỳ công chuẩn bị. Đáp lại tình cảm ấy chị Kỳ bắt đầu học đan, móc để làm cho anh Trường những chiếc khăn len hay chiếc áo dày dặn giúp anh ấm lòng hơn trong những ngày đông giá rét. Và rồi sau một thời gian dài tìm hiểu, anh chị quyết định về dọn về ở cùng nhau, nương tựa vào nhau trong chuỗi ngày còn lại của cuộc đời.
    Đôi vợ chồng tật nguyền giang rộng vòng tay đón trẻ mồ côi
    Vợ chồng anh Trường, chị Kỳ hạnh phúc bên cậu con trai tên Nhân
    Như một phép màu kỳ lạ, chị Kỳ chân đi “chấm phẩy” ngày nào giờ đã nhanh nhẹn, tháo vát quán xuyến việc nhà một cách gọn gàng. Đặc biệt, anh Trường từ trước vốn sống phụ thuộc vào mẹ nhưng sau ngày mẹ qua đời cuộc sống của anh vẫn không mấy đảo lộn, vì bên anh giờ đây đã có chị. Chị Kỳ chia sẻ: “Khi lấy nhau chúng tôi gặp phải khá nhiều chuyện ngoài mong muốn. Hàng xóm láng giềng có người hiểu thì thông cảm nhưng cũng có người cho rằng chúng tôi đa mang, ham hố, quấn thêm cái khổ vào mình”.
    Nhớ lại khoảng thời gian trước khi về chung một nhà với chị Kỳ, anh Trường cố gắng nói rõ từng tiếng: “Hồi đó, tôi ngồi xe lăn đi học được mấy năm thì phải dừng lại vì sức khỏe yếu. Cuộc sống cũng đủ ăn nhưng cô đơn lắm, căn nhà trống trải chỉ mình tôi với mẹ già. Nhưng từ khi gặp K, cuộc đời tôi như được tái sinh”. Trên chặng đường đi tìm hạnh phúc, anh cảm thấy mình may mắn khi có được một người vợ đảm đang, tảo tần như chị Kỳ.
    Nhận nuôi bé Nhân…đón niềm vui nhận thêm vất vả
    Dù khó khăn vất vả nhưng trong thâm tâm anh chị luôn mong góng gia đình có thêm tiếng cười đùa của trẻ nhỏ. Biết được nguyện vọng ấy, ngày 19/4 vừa qua, một người quen khi nghe tin có một bé trai bị bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã báo cho vợ chồng anh chị. Nhận được thông tin, hai vợ chồng anh chị đã đến xin nhận nuôi cháu bé và đặt tên là Nguyễn Văn Nhân.
    Những ngày đầu mới nhận cháu Nhân về nuôi, đêm đêm chị Kỳ phải thức cùng con khi cháu khó thét vì đói sữa. Anh Trường từ ngày có thêm cháu Nhân cũng cố gắng tự lo cho bản thân mình và giúp đỡ vợ việc cơm nước để chị có thời gian chăm sóc đàn gà, ruộng vườn kiếm thêm thu nhập.
    Chia sẻ về những ngày tháng này, chị Kỳ nói: “Trước đây, chỉ có 2 vợ chồng tôi cố gắng một nhưng nay có thêm cháu Nhân tôi phải cố gắng thêm nhiều phần. Vợ chồng tôi muốn con không phải chịu cảnh khổ cực. Tôi sẽ chăm lo cho con đầy đủ chỉ mong con khoẻ, ngoan”. Tuy cuộc sống chật vật, thiếu thốn trăm bề cộng thêm cơ thể không được lành lặn như bao người nhưng chưa một lần anh chị có ý định từ bỏ việc nuôi cháu Nhân. Đến nay, cháu đã gần 7 tháng tuổi, khoẻ mạnh, trắng trẻo và đặc biệt là rất “cam mẹ”.
    Đôi vợ chồng tật nguyền giang rộng vòng tay đón trẻ mồ côi

    Dù tật nguyền nhưng anh Trường vẫn cố gắng phụ giúp vợ việc nhà lúc chị bận chăm con trai

    Bà Nguyễn Thị Hương, hàng xóm thường xuyên qua lại với gia đình anh Trường nói: “Hai vợ chồng mặc dù bệnh tật nhưng thương người, chịu khó làm ăn lắm. Nhiều hôm nhìn chú dì ấy vật vã với cu con mà thương lắm. Nhưng được cái từ ngày có thêm cháu Nhân nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười”. Nhìn cảnh tượng anh Trường bò theo con mà chúng tôi không thể cầm lòng. Cháu Nhân ngày một lớn và đã chập chững những bước đi đầu tiên nhưng anh chị thì sức khỏe ngày một yếu đi. Đối với anh Trường, chị Kỳ, cháu Nhân chính là niềm an ủi, động lực để anh chị cố gắng hơn trong cuộc sống.
    Được biết, những năm qua cả anh và chị đều là những hội viên xuất sắc của Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Gia đình anh chị luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” trong nhiều năm liền.
    Nói về gia đình anh Trường, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Khối trưởng khối Đông Thọ, phường Hưng Dũng cho biết: “Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng năm 2014 gia đình anh trường đã vươn lên thoát nghèo, đó là điều đáng ghi nhận. Người dân khối Đông Thọ nói riêng và phường Hưng Dũng nói chung đều cảm phục nghị lực sống và cố gắng vươn lên của đôi vợ chồng tật nguyền này. Giờ đây khi kinh tế có phần ổn định hơn anh chị lại rộng lòng đón trẻ mồ côi về nuôi đó là điều rất đáng biểu dương”.
    Rời nhà anh chị khi bóng chiều đã xuống, nhìn những cử chỉ, lời nói ân cần của họ dành cho nhau, chúng tôi biết rằng, cả hai anh chị hạnh phúc với sự lựa chọn của mình và dù có khiếm khuyết hình thể nhưng trái tim họ vẫn không khiếm khuyết, anh chị đã tìm được nhau giữa cuộc đời đầy khó khăn này.
    Mọi sự sẻ chia, ủng hộ của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:
    Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung
    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;
    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doi-vo-chong-tat-nguyen-giang-rong-vong-tay-don-tre-mo-coi-a70893.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Gửi tiếng nói người khuyết tật đến cộng đồng qua những thước phim ngắn

    Gửi tiếng nói người khuyết tật đến cộng đồng qua những thước phim ngắn

    (ĐSPL) - Sáng ngày 23/8, Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD (TP.HCM), đã có buổi giao lưu chia sẻ với các bạn sinh viên về cuộc thi làm phim ngắn "Phá bỏ rào cản" với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng. Giúp cộng đồng hiểu hơn về những khó khăn của người khuyết tật khi tiếp cận các công trình công cộng, phương tiện giao thông...Thực hiện: Vũ Hường