Hiện nay, không khó để chúng ta chứng kiến cảnh những người đàn ông hút thuốc lá phì phèo ở các cơ quan, công sở.
Mặc cho xung quanh rất đông người, kể cả phụ nữ đang mang thai nhưng nhiều người vẫn thản nhiên nhả khói (Ảnh minh họa). |
Đáng nói là câu chuyện “khổ lắm, nói mãi” này ngày càng có nguy cơ phổ biến hơn. Dù rằng, nội quy rành rành, biển cấm hút thuốc gắn đầy trên tường, nhưng chẳng thể “cấm” nổi cơn “thèm” của những người nghiện thuốc lá. Mặc cho xung quanh có rất đông người, kể cả phụ nữ đang mang thai nhưng nhiều người vẫn thản nhiên nhả khói.
Hẳn ai đã trải qua cảm giác phải làm việc chung với đồng nghiệp nghiện thuốc lá mới thấu hiểu được nỗi bức xúc này. Thử hỏi, làm sao có thể tập trung làm việc được trong môi trường sặc mùi thuốc lá, nhất là những phòng kín, có điều hòa. Một cảm giác bức bối, khó chịu đến ngạt thở.
Điều đáng nói, người hút thuốc lá dễ dẫn đến bị bệnh đã đành, nhưng những người hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng không kém phần nguy hiểm. Thậm chí, họ còn là nạn nhân hứng chịu nhiều nguy cơ bệnh tật hơn cả những người trực tiếp hút thuốc.
Còn nhớ, câu chuyện thương tâm về cậu bé 5 tuổi Tráng Tráng ở Trung Quốc bị phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối và kết luận của bác sĩ đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Không ai khác, chính thói quen nghiện thuốc lá rất nặng của ông bà nội đã hại chết đứa cháu đáng thương ấy. Đây cũng chính là lời cảnh báo đanh thép dành cho tất cả những người đang hút thuốc lá. Hãy dừng lại trước khi hại chết chính bản thân mình và những người xung quanh.
Nói đến tác hại của thuốc lá chỉ là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vì không chỉ người hút thuốc lá biết mà hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, tại các cơ quan, công sở, nhiều người dù biết rõ tác hại của thuốc lá nhưng vẫn bất chấp thỏa cơn “thèm” mọi lúc, mọi nơi. Đã thế, càng cấm thì họ lại cố tình “lách” bằng cách ra một góc cơ quan để hút miễn là không phải “trong nhà”. Và điệp khúc cấm cứ cấm, hút cứ hút vẫn xảy ra khiến tình trạng đốt thuốc nơi công sở trở nên nan giải. Thậm chí, không ít người đã cố “nuông chiều” thói hư tật xấu của bản thân bằng cách viện ra đủ cớ để được thỏa mãn nhu cầu của bản thân: Vì thói quen, áp lực làm việc, giải tỏa nỗi buồn,... Nhưng, đừng vì thói xấu của bản thân mà bất chấp hút rồi làm hại những người xung quanh.
Tuy nhiên, để tình trạng khói thuốc lá ngày càng hoành hành nơi công sở, một phần cũng do chính hành vi dung túng của các đồng nghiệp. Dẫu rất bức xúc, khó chịu khi thấy ai đó phì phèo thuốc lá, nhưng mọi người vẫn quen thái độ nể nang, tặc lưỡi, chấp nhận “sống chung với lũ” mà không dám lên tiếng.
Dù rằng, một số công sở sau khi phát hiện người hút đã cảnh cáo, xử phạt hành chính, tuy nhiên, về lâu dài biện pháp này không hề hiệu quả. Thiết nghĩ, cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt hành vi hút thuốc lá tại cơ quan, công sở. Thay vì chấp nhận “sống chung với lũ” bao lâu nay thì mọi người cần lên án mạnh mẽ hành vi vô ý thức này. Bởi, hút thuốc lá chẳng khác gì kẻ “giết người” không dao, ảnh hưởng tới cả người hút lẫn người hít phải. Hãy là những người có văn hóa... nói không với thuốc lá nơi công sở.
Người quan sát