Đều là hậu nhân đời thứ 3 của những “lò” nuôi ngựa đua nức tiếng một thời, những con người này từng được giới trong nghề xưng tụng là “Võ lâm ngũ bá” trong nghề luyện “chiến mã”. Họ là chủ nhân của những chú ngựa đua hay nhất lịch sử môn thể thao này lúc trường đua Phú Thọ đang trong thời hoàng kim. Những Long Ngọc, Nam Phương 1, 2, 3, Mỹ Phong,... từng khiến tên tuổi của họ vượt xa khỏi luỹ tre làng, vụt sáng như ngôi sao trong làng đua ngựa.
Những “ngôi sao” lẻ loi
Năm nay đã ngoài 60, ông Nguyễn Văn Hãnh (ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) vẫn giữ nếp sinh hoạt như ngày đầu bước vào nghề nuôi ngựa đua. Buổi sáng, ông dắt ngựa ra đồng ăn cỏ, lúc nắng gắt, ông vội vàng ra dắt ngựa về. Ông nói, từ lâu rồi, ông xem chúng như thành viên trong gia đình bởi ông gắn bó với nghề này từ lúc còn là cậu trai mới lớn. Ông nói: “Làng ngựa đua ở huyện này phát triển từ trước giải phóng và cực thịnh khi có sự xuất hiện của trường đua Phú Thọ. Nghề nuôi ngựa đua đem lại thu nhập cao cho người dân nên vào thời điểm đó nhà nhà nuôi ngựa, người người chăm ngựa đua”.
Tuy nhiên, như ông Hãnh nói, ngựa là loài dễ nuôi nhưng để nuôi được một con ngựa đua đem lại tiếng tăm, thu nhập cho chủ là điều không phải ai cũng làm được. Quá trình trên phải được tích luỹ trong một thời gian dài. Như ông, đến đời mình đã là đời thứ 3 theo nghiệp luyện ngựa đua. Ông theo nghề lúc 20 tuổi, tiếp nối nghề của cha mẹ, ông bà để lại. Cho đến nay, trong “Võ lâm ngũ bá” của nghề nuôi ngựa, ông được nhận định là người có bí quyết trong việc chẩn đoán và trị bệnh kịp thời cho ngựa đua. Ông tự tin bảo, bằng những kinh nghiệm bản thân, ông có thể nhận biết dấu hiệu bệnh tật nhỏ nhất ở những “đứa con cưng”, giúp ông nhanh chóng phát hiện, điều trị bệnh ngay trong trứng nước.
Ông Hãnh và con ngựa thuộc dòng ngựa đua có tiếng. Ảnh: Hà Nguyễn |
Trong khi đó, anh Phan Văn Sơn (46 tuổi, ngụ xã Đức Lập Hạ) lại được giới trong nghề nể phục bởi tuyệt kỹ xem ngựa. Con mắt tinh tường, kinh nghiệm của hậu duệ đời thứ 3 trong nghề nuôi ngựa đua cho anh biết được con ngựa nào có thể trở thành “ngôi sao” chỉ trong lần quan sát đầu tiên. Anh Sơn cũng được giới trong nghề xếp vị trí cao trong “Võ lâm ngũ bá”. “Xem ngựa (chọn ngựa-PV) phải xem đủ đầu, cổ, mặt, mình. Cũng như xem tướng người, ngoài các tiêu chí ngoại hình đẹp, đúng tiêu chuẩn phải thấy được tâm tính ẩn sâu bên trong con ngựa. Ngựa đua tốt có mặt nhỏ, dài, lỗ tai phải nhỏ, dài và lúc nào cũng dựng đứng trông oai nghiêm, nhanh nhẹn. Chân ngựa phải thon, tròn, nhỏ. Đặc biệt bộ chày phải thấp vừa phải. Bởi nếu cao quá ngựa khi đua sẽ dễ bật nhảy, chạy không đều", anh bật mí
Bí quyết, kinh nghiệm trên đã giúp anh “sản sinh” “chiến mã” Long Ngọc liên tục giật giải tại cúp trẻ, cúp mùa xuân, cúp mừng lễ 30/4... Nhắc đến cái tên Long Ngọc, người cùng thời cho biết, con ngựa cái lông hồng này gần như thống trị đường đua Phú Thọ, giật giải liên tục 3-4 mùa.“Long Ngọc là con ngựa được cả mọi mặt. Nó vừa lẹ cờ (xuất phát nhanh) vừa bền. Thường thì có 2 loại ngựa đua. Một là lẹ cờ hai là có sức bền. Lẹ cờ giúp ngựa xuất phát nhanh, bứt tốc đi trước. Tuy nhiên, nếu không giữ được sức, ngựa lẹ cờ dễ đuối sức và bị qua mặt. Trong khi đó, ngựa có sức bền dù không bứt tốc tốt lúc xuất phát nhưng giữ được sức và tăng tốc để về đích tốt. Long Ngọc có được cả hai nên nó thống trị đường đua”.
Dù từng một thời khuấy đảo trường đua nhưng nhiều năm trở lại đây, những cái tên trong “Võ lâm ngũ bá” như anh Sơn, ông Hãnh, ông Hai Le,... giờ đây chẳng khác nào những ngôi sao lẻ loi trên bầu trời làng ngựa đua. Sau khi trường đua đóng cửa (năm 2011), làng ngựa đua cũng tan vỡ theo. Ngựa hay, ngựa quý dần thui chột, tứ tán. Hiện, anh Sơn cũng bỏ chuồng, cất yên cương vào kho. Ông Hãnh vì nhớ nghề cũ, yêu loài động vật giàu tình cảm mà cố nén nhịn ít tiền dưỡng già mua lúa nuôi vài con ngựa để bầu bạn. Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Le (còn gọi là Hai Le, ngụ xã Đức Hoà Thuận, huyện Đức Hoà) đang “ém” hơn chục con “bảo mã”với hy vọng trường đua sẽ trở lại vào một ngày không xa.
Tuyệt kỹ “rèn” ngựa đua
Mặc dù thu mình trong những nỗi niềm riêng nhưng khi được hỏi, nhiều mã sư vẫn luôn hăm hở kể về nghề. Anh Sơn nói, anh nuôi ngựa từ khi anh mới 15 tuổi. Anh nói: “Thời còn thịnh, gia đình tôi tự nuôi ngựa nái để lấy con, luyện nó lên thành ngựa đua chuyên nghiệp. Có như thế, mình mới thấu hiểu và biết tâm tính con ngựa ấy để biết cách huấn luyện”.
Cũng theo anh Sơn, việc chọn ngựa nái cũng đòi hỏi người nuôi có mắt nhìn. Bởi, nếu ngựa mẹ không có tố chất sẽ không thể nuôi dưỡng con tốt. Anh nói: “Ngựa nái phải có thùng tức là bụng, thân mình phải tốt. Sau khi có ngựa nái, phải đi tìm ngựa đực tốt. Với ngựa đực giống, tôi lên trường đua để tìm kiếm. Đó là ngựa ngoại nhập, có dòng (nguồn gốc) tốt, từng có giải. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cứ có cha mẹ hay là có ngựa con tốt. Đôi khi hai ba lứa mới tìm được một con ngựa con ưng ý”.
Theo ông Hãnh, người một thời cung cấp ngựa con cho các lò nuôi ngựa đua, qua kinh nghiệm, người nuôi có thể đoán được ngựa nái có cho được con tốt hay không. Tuy nhiên, để có ngựa đua hay, việc luyện tập, rèn dưỡng luôn được xem là khâu quyết định. Việc này phản ánh người nuôi có hiểu được tâm tính con vật và phát huy được các tố chất của nó hay không. Còn theo tiết lộ của anh Sơn, là ngựa đua, trước hết phải cho người cưỡi. Ngay từ nhỏ, phải tập cho ngựa làm quen với việc cõng nài trên lưng.
“Kinh nghiệm của tôi là ngay khi ngựa cứng cáp, có khi mới 10 tháng là tôi cho trẻ nhỏ ngồi lên lưng cưỡi. Trọng lượng người cưỡi tăng dần theo sự phát triển của ngựa. Đến lúc ngựa có thể đua, nó đã quen hơi người, quen việc có nài. Nếu để ngựa trưởng thành mới tập cưỡi sẽ khó thuần hơn. Việc này có thể làm hư con ngựa tốt”, anh Sơn chia sẻ.
“Khi ngựa có thể đua, người nuôi phải đem ngựa đi “quần” (tập luyện-PV). Sáng sớm, phải dắt ngựa ra đồng, bãi, đến trưa dắt vào. Trong ngày, phải đảm bảo chế độ ăn uống cho ngựa như một vận động viên. “Thời điểm chuẩn bị đua, khoảng 5h sáng, phải tắm rồi dắt ngựa đi khoảng 2-3km mới cho nó nghỉ ngơi. 8- 9h lại dắt về. Trong tuần, có chế độ quần, cưỡi hoặc dợt nước (đi trong nước – PV). 2-3 tuần sau, tiếp tục cho ngựa quần lớn hơn, thời gian quần lâu hơn để ngựa bớt mỡ, tăng sức bền. Tuy nhiên, người nuôi phải để ý, nếu thấy hôm nào ngựa khoẻ, sung mãn thì dợt, quần lâu hơn. Ngược lại, nếu thấy ngựa yếu, mệt thì thời gian tập phải ngắn lại. Sau đó, phải tiêm thuốc chống mỏi cơ cho ngựa, không tiêm, sau khi đua, ngựa xuống chân ngay và có thể hỏng”, ông Hãnh nói thêm.
Ông Hãnh cho biết: “Ngựa được cho là loài động vật thông minh nhất. Chúng thường phát hiện ra tôi từ xa và hý mừng mỗi khi tôi đi đâu về. Nhiều năm trước, con Nam Phương 1 của tôi bị chấn thương vì tôi ép nó ráng đua. Đua về, tôi thấy nó bị đau khi liên tục nằm xuống. Khoảng 9-10 hôm sau, tôi vẫn thấy nó nằm, chưa đứng được. Lúc này, tôi buồn lắm nhưng cố tỏ ra vui, vuốt trán nó nói: “Mày ráng đứng dậy cho tao coi. Chứ tao thấy mày nằm thế, tao khổ quá”. Vừa nói xong, tôi thấy nó cố gượng chống hai chân trước lên mấy lần nhưng lại ngã quỵ. Thấy vậy, tôi đau khổ đến vuốt mặt nó an ủi: “Thôi đừng ráng nữa, mày nằm nghỉ đi”. Nó nghe lời nằm xuống nước mắt trào ra”. |
(Còn nữa)
Hà Nguyễn- Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 79