(ĐSPL) – Mỗi năm khi tới thời điểm này, dịch đau mắt đỏ lại xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội. Do đặc thù của thời tiết, độ ẩm cao, không khí ngột ngạt, nếu không có những biện pháp đề phòng và chữa trị kịp thời, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lan ra thành dịch.
Đau mắt đỏ rất dễ lây lan thành dịch. Ảnh minh họa. |
Số người mắc bệnh đang tăng
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ, hay còn có tên gọi khác là viêm kết mạc rất dễ lây lan trong cộng đồng. Có nhiều yếu tố gây viêm kết mạc như vi khuẩn, virus, dị ứng, bụi bẩn, hoá chất... với triệu chứng cộm trong mắt, chảy nước mắt, có nhiều dử, dính làm cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Bên cạnh đó là kết mạc bị phù nề, đỏ lên do các mạch máu bị sung huyết. Trong những tháng nắng nóng của mùa hè do gió, bụi bẩn, môi trường ô nhiễm hoặc trong tháng thu hoạch thóc lúa... khiến cho những đợt viêm kết mạc rộ lên.
Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, năm nay bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện đang tăng nhanh rất nhanh.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 800-1000 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt, trong đó riêng bệnh đau mắt đỏ có khoảng 60-80 trường hợp.
Trong những năm trước, khi dịch đau mắt đỏ ở giai đoạn đỉnh điểm, con số này vào khoảng 100 trường hợp/ngày.
Theo bác sĩ Cương, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội hiện mới chỉ lây lan trong phạm vi gia đình nhưng đang có dấu hiệu lây lan rất mạnh.
“Dịch đau mắt đỏ ở khu vực Hà Nội năm nay bùng phát sớm hơn do mùa này độ ẩm rất cao khiến không khí ngột ngạt, virus, nấm mốc gây bệnh sinh sôi nhanh”.
Trên thực tế có nhiều gia đình cả nhà đau mắt, người này khỏi lại đến người kia... gây tốn kém trong điều trị và gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, làm ảnh hưởng tới công việc và học tập.
Vì sao bệnh dễ lây lan?
Đau mắt đỏ là bệnh do virut nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt tại các môi trường như gia đình, lớp học, công sở - những nơi có mật độ người đông, cự ly gần thường rất dễ lây bệnh.
Ngoài ra, cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt… Dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối. Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm điện thoại, điều khiển máy điều hòa, nắm cửa, bấm vào thang máy…, nếu người khác chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh.
Chính bởi vậy, từ một người trong gia đình, công sở, trường học, …, đau mắt đỏ có thể truyền bệnh cho nhiều người. Nếu một người trong nhà bị đau mắt đỏ, dù có tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí.
Hơn nữa, mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần.
Một người bị đau mắt đỏ có thể là nguồn lây trong vòng gần 20 ngày, thậm chí lâu hơn nếu họ đau mắt kéo dài. Và cơ chế truyền virus khi bệnh chưa phát hoặc đã khỏi khiến rất nhiều người bị đau mắt đỏ mà không thể biết mình lây từ đâu.
“Bệnh đau mắt đỏ thông thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, có người mắc với thời gian lâu hơn. Nếu sau 7 ngày, bệnh vẫn không đỡ, bệnh nhân phải đến khám lại. Vì có trường hợp mắt xuất hiện giả mạc, khi đó phải bóc bỏ”, bác sĩ Cương cho biết.
Dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ là người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch. Đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.
Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt.
Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Đôi khi bệnh này còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu gây tiểu rắt, buốt. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác.
Thường bệnh đau mắt đỏ chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị kịp thời.