Các chuyên gia dược liệu cho biết, linh chi, nhân sâm gắn mác “ngoại” đều có chất lượng giống như hàng nội.
Theo lời chị Nguyễn Hoàng Linh (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) quá trình tìm mua nấm linh chi, chị như lạc vào mê hồn trận bởi hàng loạt loại nấm có xuất xứ và giá cả khác nhau.
Sau khi cân nhắc, chị quyết định mua loại nấm linh chi Hàn Quốc hàng xách tay với giá gần 2 triệu đồng/kg. Trong khi giá nấm linh chi Việt chưa tới 1 triệu đồng/kg.
Vậy chất lượng của nấm linh chi Hàn Quốc có tốt hơn nấm linh chi Việt hay không. Tại cuộc tọa đàm về chất lượng dược liệu vào sáng ngày 2/11, PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý y - dược cổ truyền, Bộ Y tế thông tin, ông đã đi điều tra khảo sát khá nhiều các vùng trồng linh chi, nhân sâm ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản và nhận ra sau khi thu hái, các sản phẩm này đều đóng dấu nấm linh chi Korea hoặc Japan.
Theo nhận định của chuyên gia, chất lượng nấm linh chi trong nước không thua kém hàng ngoại. Ảnh: báo Giao thông |
Bà Phương cho biết thêm, nấm linh chi ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam đều có tác dụng như nhau khi đưa vào kiểm định. Ngay tại Hàn Quốc cũng có những nơi nhập nấm từ Trung Quốc đưa về bán cho khách du lịch. “Người dân không nên quá cầu kỳ, chỉ cần mua nấm của các cơ sở có uy tín, được kiểm nghiệm còn hơn các sản phẩm được quảng cáo xách tay mà không biết nó thực sự đến từ đâu”, bà Phương khuyến cáo.
Về sản phẩm nhân sâm cũng có nhiều loại, nhiều xuất xứ, đều có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Ngay ở Việt Nam, có sâm ngọc linh, hay như rễ đinh lăng lâu năm cũng không khác gì sâm, được lấy từ vườn nhà để ngâm rượu hoặc sắc uống, có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, tăng sức đề kháng, có tác dụng tốt với phụ nữ cho con bú; hay sâm tam thất ở miền núi phía Bắc cũng có tác dụng rất tốt. “Như vậy không nhất thiết phải dùng nhân sâm hoặc linh chi của Hàn Quốc hay Trung Quốc vì giá thành cao, tốn kém. Chúng ta có thể dùng các sản phẩm có sẵn tại Việt Nam.
Được biết, các loại nhân sâm, nấm linh chi được bày bán trên thị trường hiện nay đa số đều được nhập theo đường tiểu ngạch từ biên giới nên hầu hết đều không qua các khâu kiểm tra y tế. Do đó, khả năng tồn dư các độc tố trong quá trình sản xuất là rất cao. Người tiêu dùng mua phải những loại nấm này không những không chữa khỏi bệnh mà còn có nguy cơ rước thêm bệnh.
Tiến sĩ Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM – Viện Dược liệu còn cho biết thêm: không chỉ riêng sản phẩm linh chi mà hiện nay có đến 60-70% nguồn dược liệu trên thị trường được nhập theo đường tiểu ngạch từ biên giới nên chất lượng rất kém. Rất nhiều sản phẩm đã bị rút hết tinh chất, chỉ còn là cái xác, bị dùng nhiều chất bảo quản để tránh nấm mốc nên rất nguy hiểm.
Vi An (T/h)