Căn cứ được thiết kế để có khả năng phòng thủ cao ở quy mô hiếm thấy. Bất cứ cuộc tấn công vào căn cứ sẽ được các thủy quân lục chiến đóng tại đó đáp trả.
Với nhiều lớp phòng thủ, những bức tường dày và tháp góc, căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti giống như một pháo đài thời trung cổ. Ảnh: Forbes |
Hải quân Trung Quốc đang xây dựng một chuỗi các căn cứ ở nước ngoài. Cho đến nay, căn cứ lớn nhất và xa nhất là ở Djibouti trên vùng Sừng châu Phi. Căn cứ có vị trí chiến lược này dường như đã sẵn sàng để nhận các tàu chiến lớn , thậm chí có thể là tàu sân bay.
Một khía cạnh thú vị của của căn cứ đặc biệt này là nó được xây dựng như một pháo đài thời hiện đại.
Căn cứ được thiết kế để có khả năng phòng thủ cao ở quy mô hiếm thấy, ngay cả trong các khu vực thường xuyên chiến tranh. Việc xây dựng các bức tường bắt đầu vào đầu năm 2016, và đã hoàn thành vào mùa xuân năm 2017.
“Tiếp cận bằng đường bộ, trước tiên bạn phải vòng ra đường vành đai và đi qua một cổng ngoài kiểm soát tự động. Quay 90 độ, điều này luôn luôn tốt cho việc giảm tốc độ xe, sau đó bạn phải tiếp tục đi qua hai trạm kiểm soát phương tiện. Rồi mới tới cổng chính, có rào chắn xe và cửa bê tông lớn”, Forbes dẫn lời chuyên gia quân sự H.I Sutton.
Không phải mọi phía của căn cứ đều được bảo vệ như nhau, nhưng có những phòng thủ đáng kể ở tất cả các bên. Ngay cả việc tiếp cận từ phía đường thủy cũng phải vượt qua hàng loạt các hàng rào an ninh và vị trí bảo vệ. Bên trong căn cứ có thêm một vài vị trí phòng thủ.
Bất cứ cuộc tấn công vào căn cứ sẽ được các thủy quân lục chiến đóng tại đó đáp trả. Xe bọc thép được nhìn thấy trong căn cứ bao gồm xe chiến đấu bộ binh ZBD-09 và súng tấn công ZTL-11. Chúng được trang bị một loạt pháo tự động, tên lửa chống tăng và súng cỡ nòng lớn.
Các căn cứ quân sự của các quốc gia khác ở Djibouti, như Căn cứ viễn chinh của Hải quân Mỹ tại Camp Lemonnier, cũng có hệ thống phòng thủ vật lý, nhưng không có gì sánh được với căn cứ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách phòng thủ này là không đáng kể nếu chống lại các đối thủ tiên tiến. Vì vậy, có vẻ như trọng tâm của việc xây dựng căn cứ này là nhằm chống lại quân nổi dậy và các mối đe dọa công nghệ thấp tại địa phương.
Ảnh vệ tinh chụp căn cứ hải quân Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: TWITTER |
Trung Quốc chưa có kinh nghiệm đối phó khi các căn cứ của mình bị tấn công theo cách mà các lực lượng phương Tây có ở Afghanistan và Iraq. Nhưng họ có thể đã học được. Tuy nhiên, thật khó để không nhìn thấy những kiểu phòng thủ này na ná kiểu phòng thủ pháo đài ở thời Trung Quốc cổ đại và tất nhiên là có nét giống Vạn Lý Trường Thành, theo ông H.I Sutton.
Trên thực tế, quân đội Trung Quốc đã có mặt ở sừng châu Phi cách đây 10 năm và chủ yếu tham gia hoạt động chống hải tặc. Còn hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định ngoài nhiệm vụ chống hải tặc, căn cứ hải quân ở Djibouti còn hỗ trợ Trung Quốc trong 4 sứ mệnh chính là thu thập thông tin tình báo, hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố và sơ tán công dân.
Djibouti là quốc gia sở hữu các cảng biển chiến lược nằm trên cửa Biển Đỏ, từ đó có thể dễ dàng tiếp cận với Biển Ả Rập, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương. Nhiều tàu tham gia các nhiệm vụ chống cướp biển và bảo vệ tàu chở dầu thường cập cảng Djibouti để nhận tiếp tế, thay người.
Hồi năm 2018, Bộ Quốc phòng Mỹ từng gởi công hàm khiếu nại tới chính phủ Trung Quốc, sau khi các phi công Mỹ bị binh lính Trung Quốc ở Djibouti chiếu đèn laser khiến 2 người bị thương.
Mộc Miên (Theo Forbes)