Một thiên thạch có kích cỡ tương đương một quả núi, vừa sượt qua Trái Đất ở khoảng cách chỉ gấp 3 lần quãng đường từ hành tinh của chúng ta tới Mặt trăng.
Ngày 26/1, thiên thạch 2004 BL86 đã bay sượt qua Trái đất an toàn, với khoảng cách tiếp cận gần nhất xấp xỉ 1,2km lúc 16h19 giờ GMT (tức là 23h17 giờ Việt Nam). Thiên thạch này được các nhà thiên văn học thuộc Tổ chức nghiên cứu thiên thạch gần Trái Đất Lincoln phát hiện lần đầu tiên năm 2004 trong một cuộc khảo sát ở White Sands, New Mexico.
Cuộc chạm trán hôm 26/1 là lần bay sát gần nhất của thiên thạch 2004 BL86, rộng 325m với hành tinh của chúng ta trong ít nhất 2 thế kỷ tới. Đây cũng là cuộc tiếp xúc gần nhất của một thiên thạch đã biết, có kích cỡ như vậy với Trái Đất cho tới khi thiên thạch 1999 AN10 dự kiến sẽ bay lướt qua chúng ta vào năm 2027.
Trái Đất tránh được thảm họa toàn cầu từ 2004 BL86. |
Theo các chuyên gia, trong số các thiên thể sát gần Trái Đất, khoảng 16\% thiên thạch rộng 200m hoặc lớn hơn là các hệ thống nhị phân hoặc thậm chí tam phân, trong đó thiên thạch chính có một hoặc 2 thiên thạch vệ tinh nhỏ hơn bay quanh quỹ đạo của nó.
Các nhà thiên văn sử dụng mạng lưới ăng-ten khám phá không gian ở California đã chụp được 20 hình ảnh radar riêng rẽ về thiên thạch 2004 BL86. Những hình ảnh này hé lộ, 2004 BL86 có một thiên thạch vệ tinh nhỏ hơn sở hữu chiều rộng khoảng 70m.
Các đo đạc radar giúp các nhà nghiên cứu xác định kích cỡ, hình dạng, trạng thái quay, những đặc điểm bề mặt và độ gồ ghề bề mặt của các thiên thạch. Chúng cũng đặc biệt hữu ích trong việc cải thiện tính toán về các quỹ đạo.
"Thiên thạch là những thứ đặc biệt. Chúng không chỉ cung cấp cho Trái Đất các khối xây dựng sự sống và phần lớn nước, mà trong tương lai, chúng còn trở thành những nguồn cung cấp quặng khoáng sản và tài nguyên tự nhiên thiết yếu khác. Chúng cũng sẽ trở thành điểm dừng chân tiếp nhiên liệu cho loài người khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình khám phá hệ Mặt Trời. Vẫn còn nhiều thứ về thiên thạch mà chúng ta muốn tìm hiểu", Don Yeomans, chuyên gia của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhấn mạnh.