(ĐSPL) - Xưng danh cán bộ cấp cao, Hưởng và Nhứt "hợp tác" lừa nhiều người cần “chạy chức” hoặc xin việc để chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng.
Theo báo Công an nhân dân, ngày 2/12, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 2 bị can Nguyễn Thiên Hưởng (tức Nguyễn Văn Bảy, Bảy cụt, 65 tuổi, đăng ký nhân khẩu thường trú TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và Trần Văn Nhứt (tức Út Nhất, 58 tuổi, trú tại xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị can Nguyễn Thiên Hưởng tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo CAND |
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, cơ quan tố tụng xác định từ năm 2008 đến năm 2013, 2 bị can trên giả làm đại biểu quốc hội và cán bộ cấp cao lừa đảo chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng của một số bị hại muốn “chạy chức”, xin việc…
Trong số những người bị mất tiền có Phó trưởng khoa Y dược một trường đại học ở Tây Nguyên. Nghĩ Hưởng có thể giúp mình thăng tiến, vị cán bộ này đồng ý ứng trước ông ta 200 triệu đồng.
Cuối năm 2013, Hưởng nói người cần thăng chức mang tiền ra Hà Nội cám ơn. Lấy lý do “chạy chức” phải cạnh tranh, Hưởng yêu cầu bị hại đưa thêm 800 triệu đồng.
Đợi lâu không được bổ nhiệm, vị Phó trưởng khoa Y dược đã làm đơn tố cáo gửi cảnh sát.
Theo cáo trạng, Hưởng đã lừa 3 bị hại để lấy 1,55 tỷ đồng. Còn Nhứt sử dụng thủ đoạn tương tự chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng của 2 người mới quen. Ngoài ra, 2 bị can này còn câu kết lừa 3 bị hại khác để lấy 2,13 tỷ đồng.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)