Điều chỉnh tăng 30% mức lương cơ sở
Chiều 25/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong quá trình triển khai, xây dựng 6 nội dung cụ thể về cải cách tiền lương khu vực công theo đúng Nghị quyết số 27, nhất là việc xây dựng các bảng lương mới (Bảng lương chức vụ; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang) cùng các chế độ phụ cấp, Chính phủ nhận thấy phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập gồm: Bảng lương mới; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp; xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm;
Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII và các đề án đổi mới, cải cách trong các ngành, lĩnh vực; theo đó, đã báo cáo Bộ Chính trị; ngày 21/6/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83 thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội triển khai thực hiện.
Đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27, gồm 2 nội dung: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động (tăng 6% từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Đối với khu vực công, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: Một là, hoàn thiện chế độ nâng lương.
Hai là, bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản): Gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc, tạo được động lực làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Ba là, quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm: Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; từ nguồn ngân sách Trung ương; Từ một phần nguồn thu sự nghiệp; từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên; từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới: Do phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời, phải xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều quy định hiện hành liên quan đến mức lương cơ sở.
Theo đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung:
Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý; thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Thực hiện điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH; đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng;
Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Theo báo cáo, bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước giai đoạn 2024 - 2026: Theo tính toán tại Báo cáo số 487 ngày 3/6/2024 của Bộ Tài chính thì tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp luỹ kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Những vấn đề lớn khi điều chỉnh lương cơ sở
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và các nội dung khác đã nêu tại báo cáo của Chính phủ.
Tuy nhiên, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng” như Kết luận số 83 đã nêu.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện là xây dựng bảng lương mới và cơ cấu sắp xếp lại thành 9 loại phụ cấp theo yêu cầu Nghị quyết số 27, Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí việc trước mắt thực hiện 3 giải pháp để tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 như thể hiện tại Báo cáo của Chính phủ.
Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, đề nghị Chính phủ quan tâm: Các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách;
Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao;
Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích luỹ; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 và Kế hoạch Tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và bổ sung thông tin đầy đủ về 5 nguồn kinh phí thực hiện tiền lương tới hết năm 2026, “quy định và hướng dẫn rõ” trong triển khai thực hiện như Kết luận số 83 đã nêu; đánh giá tác động về ngân sách Nhà nước, dự báo nguồn lực và những phát sinh cho những năm tiếp theo sau năm 2026.