+Aa-
    Zalo

    Cam kết vững chắc trong việc bảo đảm nhân quyền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Việc Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn là một bước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, là sự cam kết vững chắc hơn trong việc bảo đảm nhân quyền.

    (ĐSPL) - Trên nghị trường kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII, các Đại biểu thảo luận khá sôi nổi để phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn. Nhân dịp này PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn Luật sư, PGS.TS Chu Hồng Thanh về chủ đề đang rất được dư luận quan tâm.

    Ông có ý kiến như thế nào về việc Quốc hội Việt Nam thảo luận và sẽ thông qua Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn tại kỳ họp này?

    Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc tên đầy đủ là Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá con người. (Tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment).

    (bgiay)Quốc hội thảo luận để phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc

    Luật sư, PGS - TS Chu Hồng Thanh.

    Việc Quốc hội phê chuẩn Công ước này là một bước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn vào sân chơi văn hóa nhân quyền quốc tế, là sự cam kết vững chắc hơn trong việc bảo đảm nhân quyền; đồng thời việc phê chuẩn Công ước này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Việt Nam. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp Việt Nam quy định rõ: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm". Vì thế, việc Quốc hội thảo luận và quyết định việc gia nhập Công ước chống tra tấn là phù hợp với các bước phát triển mới của văn hóa, văn minh nhân loại, phù hợp hiến pháp Việt Nam và hợp với lòng dân, góp phần tích cực xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh.

    Vậy theo ông, việc thông qua Công ước này sẽ góp phần đảm bảo, thực thi quyền con người ở Việt Nam như thế nào?

    Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn là một văn kiện pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, cụ thể hóa công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và Bộ luật nhân quyền quốc tế. Các quy định trong công ước này quy định khá rõ về trách nhiệm của các quốc gia, quy định cụ thể các hành vi tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá con người. Công ước xác định các biện pháp để phòng chống tra tấn; Công ước nghiêm cấm các quốc gia thành viên trả lại người về đất nước của họ nếu có lý do để tin rằng (ở đó) họ sẽ bị tra tấn. Các Điều 12 và 13 Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước phải kịp thời điều tra mọi cáo buộc tra tấn. Điều 14 quy định các nạn nhân bị tra tấn phải có quyền được bồi thường. Điều 15 quy định các bên cũng phải cấm sử dụng chứng cứ do tra tấn (mà có) ở các tòa án của mình.

    Để thực hiện Điều 20 Hiến pháp 2013 và Công ước này thì Việt Nam phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng bổ sung các tội phạm và hình phạt về tra tấn, xây dựng Luật Tạm giữ, tạm giam... Đó là các căn cứ pháp lý cho phép hy vọng giảm thiểu và loại trừ các hành vi tra tấn, bức cung, nhục hình, xúc phạm nhân phẩm con người đang diễn ra trong thực tế và gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội hiện nay, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

    Việt Nam đã ký Công ước này tháng 11 năm 2013 và đang chuẩn bị thông qua trong thời gian tới. Theo ông, khoảng thời gian xem xét thông qua Công ước như vậy có phù hợp không? So với các quốc gia khác thì Việt Nam thông qua Công ước là sớm hay muộn? Về thủ tục pháp lý chúng ta còn phải thực hiện điều gì nữa không?

    Bản Công ước đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận ngày 10/12/1984 và Công ước đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/6/1987, nghĩa là sau khi có quốc gia thứ 20 ký kết. Đến nay đã có 155 quốc gia là thành viên Công ước chống tra tấn, 10 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn, trong đó có Việt Nam. Nếu Việt Nam là thành viên thứ 156 của Công ước thì việc gia nhập công ước không phải là sớm, nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng triển khai công ước sau khi gia nhập, việc thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên sẽ như thế nào.

    Việt Nam đã ký Công ước này tháng 11 năm 2013, nhưng đó chưa phải là ký kết hoặc gia nhập mà chỉ là ký tắt, việc ký tắt đó có giá trị pháp lý như việc xác nhận khả năng sẽ tham gia Công ước. Theo khoản 5, 6 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế thì với hành vi ký hoặc ký tắt chưa làm cho Công ước có hiệu lực. Việc Quốc hội phê chuẩn Công ước này là rất kịp thời và sẽ là bước quyết định trong hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của Công ước. Sự phê chuẩn của Quốc hội đối với công ước là việc chấp nhận sự ràng buộc của Công ước. Sau khi Quốc hội thông qua, chúng ta vẫn cần phải có động tác nộp lưu chiểu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Công ước chống tra tấn quy định Công ước sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi văn kiện được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được lưu chiểu.

    Cảm ơn PGS.TS về cuộc trao đổi này!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-ket-vung-chac-trong-viec-bao-dam-nhan-quyen-a68078.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngẫm chuyện Đại biểu Quốc hội phải... giải trình

    Ngẫm chuyện Đại biểu Quốc hội phải... giải trình

    (ĐSPL)- Một câu chuyện xôn xao dư luận liên quan đến việc Bộ Y tế gửi công văn đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM báo cáo và giải trình về một số nội dung phát biểu của Phó Giám đốc sở Phạm Khánh Phong Lan.