Bị chấn thương gãy xương đầu khiến chị không thể há miệng được, cằm tụt hẳn vào trong. Không há miệng nên chị nói cũng khó khăn và ăn uống đều là cháo loãng đổ vào qua khe hở của môi.
Vợ chồng chị Điệp, anh Chung. |
Anh chỉ lấy mình em
Mối tình của vợ chồng chị Nguyễn Thị Điệp và anh Bùi Thế Chung trú tại thị trấn Văn Yên, tỉnh Yên Bái khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Anh Chung đẹp trai, cao to khỏe mạnh nhưng anh lấy chị, một người vợ có gương mặt không lành lặn. Ít ai biết rằng để theo đuổi được chị Điệp, anh Chung đã phải mất cả năm trời đứng trồng cây si trước nhà để được chị đón nhận tình cảm.
Câu chuyện của vợ chồng chị Điệp được các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Trung ương Quân đội 108 nhớ mãi.
Chị Điệp kể năm lên 6 tuổi, chị Điệp bị ngã vập cằm xuống bậc kệ nhà. Từ sau lần ngã đó, chị Điệp thấy đau nhức mặt. Gia đình đều là nông dân nghèo khổ không có tiền đi bệnh viện. Bố mẹ chị đưa con đi đắp thuốc nam. Một thời gian triệu chứng đau hết nhưng từ đó chị Điệp không thể cử động quai hàm như người bình thường. Không há được miệng, chị Điệp sống khổ vô cùng vì mọi sinh hoạt đảo lộn.
Từ ngày bị tai nạn, chị Điệp không thể ăn cơm như người khác. Chị bảo thức ăn mỗi bữa chỉ là nước cháo. Mẹ hoặc người thân kéo môi đổ vào khe hở để thức ăn vào dạ dày. Có lúc, chị Điệp đói quằn quại nhưng không làm được gì. Rau và các chất xơ, hoa quả chị không thể ăn được. Nhiều lần thương con, mẹ chị giã rau lấy chút nước đổ vào miệng.
Việc nói năng của chị cũng khó khăn. Chị nói được giọng lí nhí. Những ngày đi học chị luôn tự ti vì mình không giống người khác.
Người ta động viên chị đi học để xóa mù chữ. Chị Điệp cố gắng học tập tốt. Chị nhận được mặt chữ nhưng chỉ đọc nhẩm trong miệng không thành lời. Song kết quả học tập của chị rất tốt. Chị Điệp bảo “dù tôi học tốt hơn các bạn nhưng tôi vẫn xấu hổ. Nhiều khi bị bạn bè chỉ trỏ chê cười vì không có cằm. Không há được miệng, cằm của tôi cứ tụt dần vào trong cổ, nhìn không giống gương mặt của người bình thường”.
Trong khi chị Điệp đang khổ sở với chứng dị dạng gương mặt thì anh Chung là chàng thanh niên cao to, đẹp trai. Gương mặt chữ điền, đôi lông mày lưỡi mác của anh Chung khiến bao cô gái thầm thương trộm nhớ. Nhiều lần nhìn chị Điệp sống thu lu một mình, anh Chung sinh lòng thương cảm. Anh bắt đầu quan tâm tới chị nhiều hơn. Anh ngỏ lời yêu chị nhưng bị từ chối.
Chị Điệp càng tránh xa, anh Chung vẫn không từ bỏ ý định làm một nửa của người con gái bất hạnh.
Ngày cầu hôn chị, anh Chung chỉ nói một câu “Anh sẽ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để đưa em xuống Hà Nội chữa bệnh. Anh tin có em bên cạnh anh sẽ kiếm được thật nhiều tiền và giúp em có thể tự ăn uống được”. Cảm động trước tình cảm của anh Chung, chị Điệp chỉ còn biết khóc.
Giấc mơ tìm lại nụ cười
Đám cưới của anh chị được tổ chức đơn sơ vài mâm cơm. Mọi người trong chòm phố tới chúc mừng đôi vợ chồng cọc cạch. Có người thì cho rằng chị Điệp may mắn nhưng có người thương vì nghĩ ngày mai người chồng thay đổi, chị Điệp sẽ khổ hơn nhiều.
Từ ngày có gia đình, chị Điệp vẫn đảm đang việc nhà và trông coi cửa hàng nhỏ. Anh Chung làm mọi việc để giữ lời hứa đưa vợ xuống Hà Nội khám bệnh. Anh có niềm tin sẽ kiếm đủ tiền đưa vợ đi khám bệnh nên anh chắt chiu không chi tiêu nhiều.
Anh đưa vợ xuống Hà Nội vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám bệnh. Khi nghe bác sĩ thông báo họ có thể phẫu thuật tạo hình lại phần xương bị gãy khiến chị không thể há miệng được, họ mừng rơi nước mắt. Anh Chung giọng sung sướng thốt lên rằng “Tôi biết bác sĩ ở Hà Nội sẽ làm cho vợ tôi trở lại bình thường được”.
Ngay sau đó, anh và chị quyết tâm thực hiện ca phẫu thuật lấy xương sườn để thay thế phần xương đội cầu bị gãy và dính khớp lại, đây là nguyên nhân khiến chị Điệp không thể cử động hàm.
Ca phẫu thuật thành công hơn sự mong đợi của vợ chồng chị Điệp. Ngày nhìn vào mình trước gương, có thể cười to và nói từ rõ ràng, vợ chồng chị mừng cứ nhìn nhau khóc như hai đứa trẻ nhỏ. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm không thể ăn uống và nói năng bình thường, chị Điệp cười và nói nhiều hơn rất nhiều bù lại quãng thời gian chị nói không tròn vành rõ chữ.
Nhớ lại ca phẫu thuật của chị Điệp, bác sĩ Nguyễn Hữu Thọ cho biết ông và các đồng nghiệp phải lấy xương sườn sụn thay thế đoạn xương bị gãy. Phần xương chống thay xương đội cầu gãy giúp chị Điệp cử động được hàm và mở miệng ra.
Nhớ lại ca phẫu thuật, BS Thọ kể: Sau hơn 20 năm không mở miệng, khi miệng mở ra, các bác sĩ đã phải giật mình. Răng của chị Điệp mọc chồng lên nhau, một vài răng không được vệ sinh mủn gãy không trôi vào thực quản mà dắt lại, bám vào các răng khác. Các bác sĩ phải gắp từng phần răng bị mủn và vệ sinh khoang miệng cho bệnh nhân để bệnh nhân có thể cười và nhai thức ăn như bình thường được.
Ngày bệnh nhân tái khám, vợ chồng chị Điệp hạnh phúc cảm ơn người bác sĩ đã mang lại cuộc sống mới cho anh chị. Nhưng với bác sĩ Thọ, ông bảo “Tôi xúc động chuyện người chồng kiếm tiền đưa vợ đi phẫu thuật quá nên tôi đã cố gắng hết sức mình”.