(ĐSPL) Thời gian gần đây, có nhiều sự kiện khiến người viết chỉ có thể thốt lên, sự chủ quan khinh suất nào cũng có thể lĩnh hậu quả lớn hoặc bị trả giá đắt. Bất luận sự chủ quan, khinh suất đó đến từ phía nào.
Vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh đêm 25/3, với 13 người chết, 28 người bị thương có thể không thể gánh chịu con số thương vong lớn thế. Nếu những dấu hiệu báo hiệu sự không an toàn được người chỉ huy công trường nhanh nhẹn báo động sơ tán công nhân.
Video: Vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh: Lãnh đạo Formosa cúi đầu tạ lỗi.
Một nhân chứng tại hiện trường thuật lại với hiện trường thuật lại với truyền thông: Ban đầu nghe thấy tiếng kêu lạch cạch, mọi người lo sợ không an toàn nên nhiều công nhân đã thấy hoảng loạn chạy vào cầu thang thoát hiểm. Sau đó, người chỉ huy công trình ra hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục trở lại làm việc. Khoảng nửa tiếng sau, toàn bộ giàn giáo kéo theo mọi người đổ dần xuống.
Một thảm họa lớn xảy ra, người ta sẽ soi chiếu, quy trách nhiệm, tìm nguyên nhân lỗi của thảm họa do đâu. Có nhiều cách xử lý trách nhiệm, tùy mức độ nặng nhẹ, nghiêm minh hay chiếu lệ. Nhưng trong tình huống khẩn cấp, chỉ một phản ứng chậm chạp thiếu nhạy bén của người chỉ huy trong vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh đã khiến bao sinh mạng phải ra đi trong sự tức tưởi.
Đôi khi, sự trấn an trong tình huống nguy hiểm không phải lúc nào cũng là thượng sách. Và sự trấn an, ra hiệu lệnh an toàn của vị chỉ huy công trường lại khiến sự tổn thất trở nên nghiêm trọng hơn. Sinh mạng 13 con người, cùng hàng chục người bị thương, đổ máu là điều quá đau xót.
Vụ máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của một hãng hàng không Đức rơi xuống dãy Alps tại Pháp ngày 24/3, với 150 hành khách bỏ mạng người ta đã phát hiện ra một sự thật nghiệt ngã. Tác nhân làm rơi máy bay lại là cơ phó của chuyến bay. Anh ta được xác định là Adreas Lubitz, người Đức, 28 tuổi. Những gì giải mã từ hộp đen thu được tại hiện trường đã cho thấy điều đó. Chính cơ phó 28 tuổi này đã lựa lúc cơ trưởng tạm rời khỏi phòng lái, có thể đi vệ sinh, để ra tay hành động.
Video: Công bố những âm thanh cuối từ hộp đen của Airbus A320.
Đến khi vị cơ trưởng trở lại buồng lái thì đã muộn, cửa đã bị chốt, trong băng ghi âm các chuyên gia phân tích đã nghe thấy những tiếng đập cửa vang vọng, và ở những giây cuối là những tiếng la hét hoảng loạn của hành khách. Nhưng tất cả đã muộn. Hiện trường vụ máy bay rơi chỉ còn những mảnh vỡ, những thi thể không lành lặn.
Truyền thông dẫn lời công tố viên ở vùng Marseille (Pháp), ông Brice Robin, dẫn thông tin từ hộp ghi dữ liệu buồng lái cho biết: Trong 10 phút cuối, cơ trưởng đã năn nỉ rất nhiều để có thể vào buồng lái, nhưng không thể. Cơ trưởng đập cửa. Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng thở của cơ phó cho tới khi máy bay lao xuống núi.
“Anh ta thở bình thường, không nói một lời nào” sau khi cơ trưởng rời buồng lái, Robin cho hay. Robin cũng cho biết cơ phó vẫn sống cho đến khi máy bay lao xuống núi.
Khi xác minh thủ phạm gây ra thảm kịch, người ta đổ xô tìm hiểu nhân thân vị cơ phó 28 tuổi này. Đã có những hoài nghi thời điểm anh ta ngưng tập luyện chính là thời gian anh ta sang đạo Hồi và có thể gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) thực chất là một tổ chức khủng bố khát máu, bạo tàn.
Phỏng đoán tất cả chỉ là phỏng đoán, mọi sự có thể mãi là sự câm nặng khi viên cơ phó này đã vĩnh viễn nằm trong số 150 người thiệt mạng trong thảm kịch hàng không khủng khiếp này.
Sau vụ viên cơ phó 28 tuổi gây ra thảm kịch Airbus A320 này, các hãng hàng không quốc tế vội đưa ra quy tắc “buồng lái hai người” để phòng trừ hậu họa. Truyền thông cho biết, các hãng hàng không lớn trên thế giới bao gồm Norwegian Air Shuttle (Scandinavia), EasyJet (Anh), Air Canada (Canada), Air Berlin (Đức) nhanh chóng giới thiệu quy tắc về an toàn buồng lái, trong có quy định buồng lái máy bay lúc nào cũng phải có hai người.
Điều này có nghĩa nếu một trong hai phi công rời buồng lái để đi vệ sinh hay lấy nước, tổ bay sẽ điều một thành viên phi hành đoànvào buồng lái để thế chỗ cho đến khi phi công quay trở lại. Được biết, trước thảm kịch 4U9525 xảy ra, hàng không Mỹ đã áp dụng quy tắc này. Nhưng nhiều quốc gia khác vẫn cho phép một trong hai phi công được rời buồng lái để làm công việc cá nhân, miễn là còn một phi công nắm cần điều khiển.
Điều đáng tiếc, công ty mẹ Lufthansa của Germanwings (Đức), hãng hàng không có chiếc máy bay Airbus A320 vừa gặp nạn, từ chối thay đổi theo quy tắc “buồng lái hai người”.
Giám đốc điều hành Lufthansa, ông Carsten Spohr tin rằng điều này không cần thiết. Ông nói: “Tôi thấy chẳng cần thay đổi quy trình của chúng tôi. Sự cố vừa qua chỉ là trường hợp ngoại lệ. Chúng ta không nên đánh mất bản sắc riêng bởi những biện pháp ngắn hạn”. Ý kiến của ông Spohr khiến nhiều cư dân mạng xã hội Twitter lên tiếng chỉ trích, tuy Giám đốc Lufthansa cho biết hãng sẽ thảo luận về quy tắc này với các chuyên gia của mình cũng như cơ quan chức năng vào ngày 27/3.
Sự khinh suất của Giám đốc điều hành Lufthansa, ông Carsten Spohr đã trả giá quá đắt khi khước từ nguyên tắc hai người trong buồng lái. Đôi khi, lòng tin vào con người là điều cần có trong cuộc sống. Nhưng lòng tin đặt cạnh nguyên tắc, vì sự an toàn cho số đông, cho sinh mạng của người khác, thì nguyên tắc bao giờ cũng là sự bất di bất dịch. Âu cũng là điều xót xa, nhưng cũng là bài học cay đắng của ngành hàng không, và không hẳn chỉ ở ngành hàng không.
THÀNH PHONG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cai-gia-cua-su-khinh-suat-sau-hang-loat-tham-hoa-gay-rung-dong-a90388.html