+Aa-
    Zalo

    Cách người thông minh tránh được "họa từ miệng mà ra"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phàm là người thông minh, thì họ biết nói những gì cần nói và những gì không, đó cũng là cách mỗi người tự tu dưỡng khẩu đức để không bị "họa từ miệng mà ra".

    Phàm là người thông minh, thì họ biết nói những gì cần nói và những gì không, đó cũng  là cách mỗi người tự tu dưỡng khẩu đức để không bị "họa từ miệng mà ra".

    Phật nói “họa từ miệng mà ra, miệng đời là nạn khó tránh

    Miệng đời kẻ khen người chê, nhưng đâu ai sống trong cuộc sống của mình đâu mà hiểu.

    Của cải dù to lớn như núi, nhưng cái miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do cái miệng tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác... thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.

    Người xưa cũng có dạy: “Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh”, tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê...để rồi phải tranh đấu, mạ lị lẫn nhau khiến sanh ra lắm chuyện thương tâm.

    Phật cũng có dạy: “Làm thinh như Chánh Pháp, nói năng như Chánh Pháp” chính vì vậy nên con hiểu được rằng: Một lời nói ra phải giúp cho nhiều người thông hiểu, an lạc, lợi ích thì chúng ta không tiếc lời và phước đức cũng rất vô biên, nhưng rất phải cẩn thận trong từng lời nói ra khi phải nói ra những lời khiến người khác phải khổ đau, thiệt hại, thì chúng ta sẽ phải gặt hái những điều tương ứng. Tạo Phước đức cả một đời, nhưng chỉ cần một lời ác ý với người khác là tiêu tan trong giây phút. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

    Họa từ miệng mà ra, tu "khẩu nghiệp" tu hơn cả đời người

    Trong cuộc sống của mỗi con người, hàng ngày trong tất cả những cử chỉ đi đứng nằm ngồi chúng ta thường hay gây ra tất cả các nghiệp bất thiện. Ví dụ như khi đi đứng ta lỡ đạp phải các loại vi trùng nhỏ nhắn đã có tội rồi huống gì là những ngày vào dịp tết này thì chúng ta càng gây tội nghiệp nặng hơn nữa.

    Nào là sát hại sinh vật để phục vụ cho nhu cầu ăn uống sinh hoạt của mình, nào là ăn chơi xa đọa như hút chích. Vào những dịp tết như thế này con người ta dễ phóng khoáng rồi kết thêm nghiệp dữ tạo ra các nghiệp không lành mạnh..

    Nói đến khẩu nghiệp cái miệng này rất tai hại, ăn uống thì cầu kỳ muốn nuốt vào những món ngon vật lạ cho khoái khẩu, vừa hao tốn tiền của, vừa đem bệnh vào thân. Vì động thực vật bây giờ sản xuất chạy theo lợi nhuận nên sử dụng hóa chất rất nhiều, nếu không biết kiêng cữ thì bệnh nan y sẽ dễ mang vào thân và làm khổ mình,khổ cả gia đình phải lo chạy chữa thuốc men là chuyện đương nhiên.

    Cái miệng cũng có nhiều cái lợi: dùng để ăn uống, nuôi dưỡng cơ thể, dùng để nói năng giao tiếp hằng ngày, tạo mối thâm tình, giao hảo hài hòa, thông hiểu lẫn nhau, dùng để thuyết giảng, tụng niệm, dạy học, truyền kiến thức và những điều lợi ích đến được nhiều người.

    Thế giới này đã có biết bao cuộc chiến tranh chém, giết lẫn nhau chỉ vì sự thiếu hiểu biết mà lời nói đóng một vai trò quan trọng. Đó là những lời nói chia rẽ kích động sự thù hận: “Đâm bị thóc chọc bị gạo”, “Xúi nguyên dục bị” “nói xỏ nói xiên”. Nói ngang nói ngược bởi “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” “Ăn đằng sóng nói đằng gió”. Vu khống người trắng trợn đến mức “ngậm máu phun người”. Hoặc tinh vi hơn dưới những lời nói ngọt như mía lùi bởi những con người: “Bề ngoài thơn thớt nói cười mà trong nham hiểm giết người không dao”.

    Đừng vì lời nói của mình mà làm tổn thương người khác

    Có những người rất khéo léo “nói ngọt lọt tới xương”. Họ sẵn sàng nói xạo nói dóc lừa đảo người để đạt được mục đích của mình, gây hại cho người. Có những người: “ngậm miệng ăn tiền” hoặc: “ngậm bồ hòn làm ngọt” cốt là có lợi cho mình. Một số người thường thích chê bai họ thuộc lọai “thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”. Có những người vô tình hay cố ý đã “Chia duyên rẽ thúy” phá nát gia đình, hạnh phúc nhà người. Những lối nói đó hệ quả là tư mình gây ra sự oán ghét xa lánh của mọi người. Cái thân vì thế mà có thể bị tù đày do tội lỗi của cái miệng không thì chí ít cũng bị ăn đòn…

    Tôi cũng xin kể một câu chuyện mà liên quan đến “miệng đời” và cách ứng xử của một người rất đỗi là bình thường.

    Vị Tổng giám đốc gọi hắn lên và hỏi chuyện:

    – “Tôi thấy cậu cũng đứng đắn, chững chạc và rạch ròi. Vậy sao trong công ty vẫn có lời ra tiếng vào, dị nghị đàm tếu?”

    Hắn trả lời:

    – “Thưa anh, trời nắng hạn cả tuần nay, đang trưa nắng gắt bỗng đổ trận mưa rào, người nông dân thì mừng rỡ ra mặt vì ruộng đất thoát khỏi hạn hán, kẻ làm nghề rửa xe hớn hở cười nói vì khách rửa xe đông, nhưng những người đang trên đường thì lại ghét cay ghét đắng vì đường bẩn và bị mưa ướt người.

    Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ.

    Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn bản thân em cũng đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.

    Cho nên em nghĩ rằng: Đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Cấp trên nghe lời thị phi thì nhân viên bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán.”

    Bạn hãy sống cuộc đời của bạn và hãy làm những điều bạn cảm thấy là đúng. Miệng đời kẻ khen người chê, nhưng đâu ai sống trong cuộc sống của mình đâu mà hiểu.

    "Họa từ miệng mà ra", phàm là người thông minh sẽ tránh được điều này

    Cổ nhân nói rằng: Miệng có thể nhả ra hoa hồng, cũng có thể nhả ra loài cây gai góc xấu xí và để miệng nhả ra hoa hồng, con người có khi cần phải tu cả đời.

    Tu khẩu đức thực ra là tu tính khí của bản thân. Khẩu đức có tốt, vận thế mới hanh thông, vận thế hanh thông mới không phải đi đường vòng, thành tựu nhờ đó mà có được một cách dễ dàng thuận lợi.

    Trong khi đó, một lời nói thiếu sự suy nghĩ, tứ mã khó đuổi, gây tổn thương cho người, cho mình, vận thế ắt sẽ ngày càng xấu. Những lời không hay tốt nhất đừng nên nói ra, đó chính là sự tu dưỡng mà chúng ta cần phải có.

    10 kiểu nói dưới đây, phàm là người thông minh, họ sẽ không bao giờ phạm phải. Đó cũng là cách mỗi người tự tu dưỡng khẩu đức cho chính mình.

    1. Đa ngôn (nhiều lời)

    Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra, vì thế không nên nói quá nhiều, đa ngôn tất thất (nói nhiều ắt sẽ có sai sót).

    Trong cuốn "Mặc Tử" có ghi chép rằng, học trò của Mặc Tử từng hỏi ông: "Nói nhiều có lợi không?"

    Mặc Tử trà lời: "Ếch nhái kêu suốt ngày đêm, kêu nhiều đến mức mỏi miệng nhưng nào có ai nghe chúng kêu. Sáng sớm nay nhìn thấy một con gà trống, mặt trời vừa ló rạng nó liền cất tiếng gáy, cả thiên hạ chấn động, người người lục đục trở dậy.

    Vậy kêu nhiều, nói nhiều có gì tốt đẹp? Chỉ vào những lúc hợp lý nhất, ta cất tiếng nói, như vậy lời nói mới có tác dụng mà thôi."

    Ví dụ mà Mặc Tử đưa ra đã nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống thực không nên nói nhiều. Những người biết nói chuyện, những người thông mình sẽ chỉ nói những lời thích hợp trong những lúc phù hợp!

    2. Khinh ngôn (nói năng khinh suất)

    Lời nói một khi được nói ra, tuyệt đối không nên khinh suất, thiếu thận trọng. Nếu nói ra mà phải đính chính, sửa lại, thà rằng không nói còn hơn! Những người nói năng khinh suất luôn phải đối mặt với sự chỉ trích và xấu hổ.

    Không nên dễ dãi hứa hẹn với người khác, bởi một khi không làm được, bạn sẽ trở thành người thất tín, bội tín.

    3. Cuồng ngôn

    Làm người, nên nhận thức và phân biệt được khinh – trọng trong từng tình huống hoàn cảnh. Một khi đã nói ra những lời cuồng ngôn, thiếu suy nghĩ, bạn ắt sẽ phải hối hận về sau.

    Thứ mà con người có thể thể hiện trước mặt người khác nhiều nhất chính là ngôn từ và hành động, đặc biệt là ngôn từ. Thế nên, khi nói năng, cuồng ngôn là điều tối kỵ.

    Cuồng ngôn sẽ gây ra sự khó chịu cho đối phương, gây ra thù hận... và dễ rước họa vào người.

    4. Trực ngôn

    Những lời nói quá thẳng thắn trong nhiều hợp cũng gây rắc rối. Thế nên, thay vì nói thẳng, hãy tìm một cách nói mềm mại hơn, những lời nói lạnh như băng, hãy cho thêm chút nhiệt...

    Hãy để ý đến lòng tự tôn của đối phương, chúng ta sẽ biết nên nói thế nào cho vừa lòng nhau.

    5. Tận ngôn

    Nói năng cần phải hàm xúc và phải để lại một đường lui cho đối phương. Những người sống biết người biết ta sẽ không bao giờ nói lời tận ngôn, thay vào đó họ sẽ để lại cho người khác vài "lối thoát", lưu lại chút khẩu đức cho bản thân.

    Ngay cả khi trách người cũng không nên khắt khe đến mức không để cho họ một đường lùi, dành cho họ một lối thoát, lòng bao dung của mình sẽ được mở rộng.

    6. Lậu ngôn (tiết lộ chuyện cơ mật)

    "Sự dĩ mật thành, ngữ dĩ lậu bại" câu nói này ý chỉ một việc thành hay bại, một phần là do khả năng giữ bí mật của người trong cuộc. Đối với những việc cơ mật có liên quan đến một cá nhân hay tổ chức, tuyệt đối đừng để lọt ra ngoài.

    Lậu ngôn là vấn đề về nhân phẩm và hậu quả của nó thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức khó lường. Khi sự việc chưa được xác định rõ ràng, tốt nhất không nói những lời khẳng định để tránh những ảnh hưởng xấu.

    7. Ác ngôn

    Không nên dùng những lời vô lễ, ác ý để làm tổn thương người khác.

    Cổ ngữ nói "đao sang dị một, ác ngữ nan tiêu", ý chỉ vết thương do đao kiếm gây ra có thể sẽ mai một phôi pha nhưng những lời ác ý thì mãi găm sâu trong lòng người khác, chẳng thể nào gạt bỏ, lãng quên một cách dễ dàng.

    Những tổn thương trong tâm lý do cái gọi là ác ngôn gây ra luôn luôn đau hơn cả những vết thương trên thể xác.

    Họa từ miệng mà ra, phàm là người thông minh sẽ tránh những lời này! - Ảnh 3.

    Ảnh minh họa.

    8. Căng ngôn

    Căng ở đây nghĩa là kiêu căng, tự cao tự đại. Những người thường xuyên nói những lời này, không phải là kẻ kiêu ngạo hẳn sẽ là người vô tri và dù họ thuộc nhóm nào đi nữa, thì cách ăn nói căng ngôn cũng bất lợi cho quá trình trưởng thành của họ, thậm chí khiến người khác ghét bỏ.

    9. Sàm ngôn

    Sàm ngôn chỉ những lời nói xấu sau lưng người khác. Người hay nói những lời sàm ngôn phần lớn đều là những kẻ tiểu nhân.

    Nhà triết học thời Đông Hán – Vương Sung từng nói: "Sàm ngôn thương thiện", ý chỉ những lời nói xấu sau lưng sẽ vùi dập những điều lương thiện, tốt đẹp.

    Một người có khẩu đức tuyệt đối không nói xấu người khác, bởi hậu quả của việc này thậm chí có thể nghiêm trọng đến mức khiến cho thiên hạ không thể thái bình.

    10. Nộ ngôn

    Nộ ngôn là những lời nói được thốt ra lúc nóng nảy, mất lý trí. Những lời nói này khi nói ra sẽ làm tổn thương người khác rất nhiều.

    Nói không nghĩ, bị cảm xúc lấn át lý trí dẫn đến những lời nói tức tối, giận dữ không chỉ khiến người khác khó chịu mà bản thân người nói ra câu đó cũng khó có thể vui vẻ.

    Thế nên khi giận dữ, hãy lấy một tờ giấy trắng và một cây bút, nghĩ gì, quyết định gì... hãy viết ra. Sau một vài ngày, hãy xem lại "sản phẩm" lúc trước, nếu vẫn duy trì suy nghĩ cũ, vậy thì hãy làm theo.

    Còn nếu cảm thấy đó chỉ là cách nghĩ lúc giận, hãy đem tờ giấy đó đi đốt để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

    Họa từ miệng mà ra, phàm là người thông minh sẽ tránh những lời này! - Ảnh 4.

    Những lời nói nóng nảy bộc phát khi con người đang giận dữ, mất kiểm soát sẽ gây tổn thương cho cả đối phương và bản thân. Ảnh minh họa.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cach-nguoi-thong-minh-tranh-duoc-hoa-tu-mieng-ma-ra-a197196.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan