+Aa-
    Zalo

    Các tổng công ty 91 "ngày ấy- bây giờ": Tổng Công ty Sông Đà- Anh cả ngành xây dựng “nặng gánh” tài chính với khoản nợ hơn 11.000 tỷ đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từng là "anh cả" trong lĩnh vực xây dựng các dự án thủy điện, công trình ngầm, thế nhưng hiện tại, bức tranh kinh doanh tại Tổng Công ty Sông Đà lại vô cùng ảm đạm.

    Từng là "anh cả" trong lĩnh vực xây dựng các dự án thủy điện, công trình ngầm, công trình giao thông của Việt Nam, thế nhưng hiện tại, bức tranh kinh doanh tại Tổng Công ty Sông Đà lại vô cùng ảm đảm khi phải "gánh gồng" khoản nợ tài chính hơn 11.000 tỷ đồng.

    Trụ sở Tổng Công ty Sông Đà tại tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm.

    "Anh cả" ngành xây dựng với nhiều dự án trọng điểm

    Là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo mô hình thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh (Tổng công ty 91) tại Quyết định số 91/QĐ-TTg ngày 01/6/1961 của Thủ tướng Chính phủ, trong gần 60 năm qua, Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam, thi công công trình ngầm, công trình giao thông trọng điểm.

    Trụ sở chính của đơn vị tọa lạc tại tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Tòa nhà có 27 tầng và nằm ở vị trí trung tâm khu đô thị mới có cảnh quan đẹp, thiết kế đồng bộ và hiện đại.

    Hiện tại, doanh nghiệp này do ông Hồ Văn Dũng nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Văn Tuấn là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

    Tháng 4/2018, SJG đã hoàn thành công tác cổ phần hoá và chính thức chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần. Bộ Xây dựng đại diện vốn Nhà nước nắm 99,79% vốn điều lệ, còn lại 0,21% là nguồn vốn tư nhân.

    Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của Tổng Công ty Sông Đà là hơn 4.495 tỷ đồng.

    Tổng công ty Sông Đà từng thi công, xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La và Lai Châu. Những năm qua, đơn vị này tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

    Tổng công ty Sông Đà cũng mở rộng hoạt động của mình sang Lào với các dự án thủy điện Xekaman 1 (322MW) bao gồm thủy điện Xekaman Sanxay, Xekaman 3 (250MW), Xekaman 4, Namthuen… trong đó thủy điện Xekaman 1 và thủy điện Xekaman 3 đã đi vào phát điện thương mại.

    Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện cũng phải "đắp chiếu".

    Gánh nặng tài chính

    Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.

    Năm 2019, tổng tài sản của Sông Đà là 15.132 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.551 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.580 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần hơn 2.910 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái (3.179 tỷ đồng). 

    Lợi nhuận trước thuế gần 54 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoài (109 tỷ). Lợi nhuận sau thuế gần 26,6 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của công ty mẹ sau thuế là gần 12 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 30 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019.

    Nợ ngắn hạn phải trả của Tổng Công ty Sông Đà là hơn 11.876 tỷ.

    Ngoài ra, công ty còn có hàng nghìn tỷ nợ chưa thu hồi được, gồm: tiền nợ khối lượng xây lắp hoàn thành các công trình, tiền khối lượng xây lắp các công trình đã thi công dang dở, tiền thu từ thoái vốn đầu tư.

    Trước tình hình trên, bộ Xây dựng đã có văn bản gửi bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp này trả nợ vay hàng trăm triệu USD tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bằng cách gia hạn thời gian trả nợ 1 năm.

    Bên cạnh đó, bộ Xây dựng cũng đề nghị bộ Tài chính miễn chi phí cho vay lại đối với các khoản vay nước ngoài của Tổng công ty Sông Đà.

    Mặc dù "ôm" khoản nợ hơn chục nghìn tỷ nhưng Tổng Công ty Sông Đà lại có lợi thế về đất đai khi sở hữu nhiều khu đất vàng có vị trí đắc địa, giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

    Trong bối cảnh SJG nợ "khủng", tháng 6/2020, bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.

    Việc bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu cho SJG khi doanh nghiệp này đang mang gánh nặng tài chính khiến dư luận băn khoăn liệu rằng có hay không việc ưu ái "con cưng"  khi chỉ định thầu (?).

    Ngày 31/8, bộ Xây dựng và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam từ Bộ Xây dựng sang SCIC.

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-tong-cong-ty-91-ngay-ay--bay-gio-tong-cong-ty-song-da--anh-ca-nganh-xay-dung-nang-ganh-tai-chinh-voi-khoan-no-hon-11000-ty-dong-a340288.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan