(ĐSPL) - Sau khi clip ghi lại cảnh bà Phạm Thanh Hương, Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng, cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận tiền lệ phí không có trong quy định được lan truyền, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tỏ ra lo lắng. Một điều trái khoáy là các doanh nghiệp rất sợ phải làm... đúng quy định.
Doanh nghiệp lo không còn đường... lách luật (!)
Qua nguồn tin của báo Đời sống và Pháp luật, chúng tôi đã cố gắng liên hệ với bà Hương nhưng không được. Chiều 28/8, PV đã đến phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng (phòng 318, tòa nhà Solega 275 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) để tìm hiểu thực hư về clip tố cáo bà Phạm Thanh Hương, Phó Trưởng phòng nhận tiền lệ phí không có trong quy định.
Ông Vũ Văn Hiếu, hiện là người thay bà Hương giải quyết các công việc của phòng tại khu vực Hải Phòng. Theo quan sát, những doanh nghiệp đến xin gặp bà Hương để giải quyết công việc đều được ông Hiếu thông báo bà Hương đang trong thời gian nghỉ phép.
Ông Hiếu cho biết: “Chị Hương đang nghỉ phép đến hết ngày mùng 2/9 nên mọi việc liên quan đến DN, tôi sẽ là người giải quyết thay”. Khi PV hỏi về việc có thông tin bà Hương nhận tiền lệ phí không có trong quy định của doanh nghiệp, ông Hiếu trả lời: “Việc này chị Hương đang giải trình. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo: Phòng không có phát ngôn gì liên quan”. Cán bộ phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hải Phòng không xác nhận việc bà Hương đang bị đình chỉ công tác.
Sau khi clip bà Hương nhận tiền của doanh nghiệp được lan truyền, nhiều người dân Hải Phòng rất bức xúc. PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm hiểu một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đa số các chủ doanh nghiệp đều cho rằng: Việc tố cáo bà Hương không thể xuất phát từ DN nào đó làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Vì đa số, các doanh nghiệp đều rất sợ cán bộ làm... đúng luật.
Anh C.H., chủ một doanh nghiệp kinh doanh điện thoại cho biết: “Việc này đưa ra công khai không phải “đen” cho bà phó phòng kia mà “đen” cho các doanh nghiệp. Bởi các doanh nghiệp rất sợ cán bộ làm nghiêm túc, bởi sẽ gặp phải tình trạng quan liêu, không biết bao giờ việc mới được giải quyết xong.
Sau vụ này, các doanh nghiệp lại phải tìm cách “lách luật” khốn khổ”. Chị V.T.T.H., chủ một hệ thống bán hàng đồng hồ, mỹ phẩm lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương bày tỏ quan điểm: “Tâm lý của doanh nghiệp là làm cho nhanh nên nhiều khi chúng tôi cũng không để ý đến các loại phí lặt vặt”.
Khi được hỏi về việc có bao giờ nộp cho bà Hương ngoài khoản phí quy định không? Chị H. từ chối trả lời và cho biết là mình không biết những việc liên quan đến bà Hương.
Cảnh bà Phạm Thanh Hương công khai nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp tại văn phòng? (Ảnh cắt từ clip). |
Nhận tiền “lót tay” hay thực thi công vụ?
Tiếp tục diễn biến xung quanh nghi án bà Phạm Thanh Hương, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý xuất nhập khẩu (cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) khu vực Hải Phòng, nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp tại phòng làm việc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã liên lạc với các cơ quan hữu trách của Bộ này để xác minh thông tin. Tuy nhiên, có lẽ do tính chất “nhạy cảm” của sự việc nên những phát ngôn từ phía các đơn vị liên quan tương đối thận trọng?
Trả lời PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện lãnh đạo cục Xuất nhập khẩu chỉ thông tin ngắn gọn rằng, Bộ Công Thương đã giao cho cục Xuất nhập khẩu tạm thời đình chỉ công việc của bà Hương (cán bộ trực tiếp nhận tiền trong clip – PV) và yêu cầu giải trình về sự việc. “Tất cả vấn đề Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng thống nhất giao cho Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phụ trách các phát ngôn. Thế nên, mọi việc liên quan đến sự việc này Thứ trưởng Hải sẽ trả lời”, vị đại diện lãnh đạo Cục cho biết.
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng tái khẳng định: Trước mắt đã ra quyết định đình chỉ công tác với bà Phạm Thanh Hương để làm giải trình. Theo lời Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương cũng đã cử một đoàn công tác gồm Thanh tra, vụ Tổ chức cán bộ và cục Xuất nhập khẩu xuống Hải Phòng để nghe báo cáo tình hình. Căn cứ vào video được đăng tải, đoàn kiểm tra đã tìm được hai doanh nghiệp có mặt trong đó.
“Chúng tôi đã lập biên bản và hai doanh nghiệp này có nói, đó là tiền lệ phí làm CO, ngoài ra không có tiền nào khác. Tôi đã có trong tay biên bản xác minh sự việc”, Thứ trưởng Hải thông tin.
Đánh giá về nghi án tiêu cực này, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định: “Đây mới chỉ là xác minh bước đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và làm tổng thể, không chỉ dừng lại ở hai doanh nghiệp, làm lại cả quá trình, tìm hiểu một cách khách quan nhất”.
Như vậy, đây mới chỉ là thông tin ban đầu của Bộ, chưa phải kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, dư luận cũng đánh giá cao động thái kịp thời và tích cực của lãnh đạo Bộ cũng như cục Xuất nhập khẩu.
Đến chiều 27/8, tức là chỉ trong vòng chưa đầy một ngày (video được đăng tải sáng 27/8), lãnh đạo Bộ đã tạm thời đình chỉ công tác của bà Hương để xác minh sự việc. Báo Đời sống và Pháp luật cũng đang chờ đợi kết luận chính thức của bộ Công Thương, trên cơ sở đó sẽ có thông tin tiếp theo về vụ việc này.
Câu chuyện về nghi án vị phó phòng Bộ Công Thương nhận tiền “lót tay” đang gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua. Điều mà dư luận đặt câu hỏi là ngoài những sự việc được báo chí “phanh phui”, còn những tiêu cực nào khác liên quan đến “góc khuất” trong giới cán bộ ngành này?
Ngành xuất nhập khẩu vốn được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ”, bởi ở đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu “gần gũi” với cán bộ hơn lúc nào hết. Việc “khổ chủ” phản ánh về việc bị nhũng nhiễu hay phải “lót tay” để công việc kinh doanh được trót lọt cũng không có gì bất ngờ. Thế nên, sau nghi án lần này, liệu còn những “góc khuất” nào khác mà công luận không thể biết đến?
Để làm rõ hơn về số tiền mà bà Hương nhận từ tay các doanh nghiệp (lãnh đạo Bộ nói rằng đó là phí CO – PV), PV báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi với TS. Mai Thanh Hải, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – một chuyên gia lâu năm về FDI, cũng từng khởi nghiệp từ doanh nghiệp.
Theo TS. Hải, giấy CO còn gọi là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là văn bản do cơ quan có thẩm quyền thuộc quốc gia xuất khẩu hàng hóa cấp, dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan đến xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó. Tại Việt Nam, trước đây, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CO là Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương.
Theo TS. Mai Thanh Hải, phí CO mà doanh nghiệp phải trả không quá 0,01\% tổng giá trị đơn hàng xuất khẩu. Do đó, để làm rõ số tiền mà cán bộ trên nhận có phải tiền “lót tay” hay không rất đơn giản. Phí CO là yêu cầu bắt buộc và khi nhận bao giờ cũng phải có hồ sơ và hóa đơn chứng từ. “Cơ quan chức năng chỉ cần kiểm tra hóa đơn là xác minh được ngay. Đây là tiền Nhà nước thu về chứ không phải tiền bỏ vào túi riêng”, ông Hải nói.
Không phải lúc nào cũng có video làm bằng cớ! Theo đánh giá của một chuyên gia (đề nghị giấu tên), hiện tượng nhũng nhiễu của các cán Bộ nói chung là có, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có video rành rành để làm bằng cớ. Ngoài phí CO, các doanh nghiệp có khi phải “lót tay” để hàng của mình được xuất đi sớm hơn (?!). Nhiều khi, giấy tờ đã xong xuôi nhưng cán bộ vẫn viện cớ rằng “chưa xong”, “đợi vài ngày nữa”, nhưng doanh nghiệp không thể chờ được. Thế nên, khi có “bồi dưỡng”, doanh nghiệp sẽ được “ưu tiên”. “Luật pháp là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức mới là luật pháp tối đa. Thế nên, dù luật pháp đã quy định rõ ràng, nhưng người thực thi vô đạo đức thì luật pháp đó cũng không có ý nghĩa”, vị này nhấn mạnh. |