+Aa-
    Zalo

    Vừa giảm giá doanh nghiệp xăng dầu lại đòi tăng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với lý do chi phí định mức hiện tại đã lỗi thời, không phản ánh hết chi phí thực trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp đ

    Với lý do chi phí định mức hiện tại đã lỗi thời, không phản ánh hết chi phí thực trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp đang đề nghị được tăng thêm chi phí định mức trên mỗi lít xăng. 

    Muốn tăng chi phí thêm 400 đồng/lít

    Quy định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu của Bộ Tài chính được thực hiện từ năm 2010, với mức 860 đồng/lít xăng. Theo một đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam, chi phí trên bao gồm: thù lao đại lý, cước vận chuyển hàng từ cảng về kho, chi phí quản lý vận hành, hao hụt, chênh lệch tỷ giá… Thêm vào đó, một số chi phí đã thay đổi như: cước vận tải, chi phí vận hành quản lý, tỷ giá…

    Mới đây, tại cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp này cho biết, việc không được tính đủ lợi nhuận định mức vào giá cơ sở đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Ví dụ như việc điều chỉnh tỷ giá lên 1\% vào tháng 6-2014 đã khiến chi phí của Petrolimex tăng thêm khoảng 140 tỷ đồng.

    Đại diện đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho hay, nếu tính đủ, chi phí định mức kinh doanh xăng dầu hiện nay phải từ 1.200 đồng/lít. Con số này tương đương với mức chi phí được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) gửi Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính hồi cuối tháng 4-2014 là từ 1.200 đến 1.300 đồng/lít xăng dầu.

    Nếu đề xuất này được chấp thuận thì giá cơ sở mỗi lít xăng, dầu sẽ phải thêm 400 đồng. Khi đó, giá bán lẻ xăng dầu khó có thể đứng yên (vừa giảm 600 đồng/lít ngày 18-8). Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu doanh nghiệp chưa tính đủ, tính đúng các chi phí thực tế trong hoạt động kinh doanh thì đề xuất tăng chi phí định mức là hợp lý, nhưng cần có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng để xem các chi phí doanh nghiệp đưa ra có đúng không, đã thực hiện tiết kiệm chưa.

    Vừa giảm giá doanh nghiệp xăng dầu lại đòi tăng

    Chi phí hợp lý, minh bạch sẽ được người dân ủng hộ.

    Không dễ giải quyết

    Việc doanh nghiệp xăng dầu đề nghị tăng thêm chi phí định mức không phải là mới bởi trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối đều cho rằng định mức 860 đồng/lít xăng dầu là thấp, không phù hợp với thực tế kinh doanh. Một vị cán bộ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, đây là vấn đề “nóng” trong kinh doanh xăng dầu.

    Từ năm 2013, đã có doanh nghiệp đề xuất tăng thêm chi phí định mức 500 đồng/lít xăng, nhưng không được chấp thuận. Vị này cũng giải thích thêm, có những doanh nghiệp xăng dầu phải đưa xăng dầu đến tận Mường Lát (Thanh Hóa) hay những vùng núi, vùng sâu, vùng xa để phục vụ bà con. Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về chi phí định mức cho doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, dư luận thắc mắc, mặc dù Bộ Tài chính quy định lợi nhuận định mức của doanh nghiệp đầu mối dành cho các đại lý kinh doanh xăng dầu không vượt quá 50\% chi phí định mức, tức không vượt quá 430 đồng/lít xăng dầu nhưng thực tế, mức hoa hồng đại lý được hưởng cao hơn mức này, có thời điểm lên tới 750 đồng/lít.

    Mặt khác, báo cáo của các doanh nghiệp xăng dầu cho biết, tỷ lệ hao hụt giảm dần. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đề xuất tăng chi phí định mức sẽ chỉ hợp lý khi doanh nghiệp đã thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí và thực hiện đúng quy định trích hoa hồng…

    Không bình luận trực tiếp vào đề xuất của doanh nghiệp, nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, để minh bạch cách tính giá xăng và để điều hành giá xăng linh hoạt, tránh thiệt hại cho cả người dân và doanh nghiệp, công thức tính giá mặt hàng này nên chia làm 2 phần “cứng” A và “mềm” B.

    Trong đó phần cứng A gồm các chi phí sản xuất tối thiểu, cụ thể: Giá nhập khẩu gốc tại thời điểm hiện hành (giá thực trả, bao gồm có tính đến biến động thực của tỷ giá); Chi phí vận chuyển hợp lý tối thiểu; Hao hụt định mức kỹ thuật và chi phí lưu thông khách quan khác tối thiểu để chuyển xăng dầu đến tổng kho và cơ sở bán lẻ.

    Phần “mềm” B sẽ bao gồm: Khoản lãi định mức của doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu, các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước và các khoản thu khác cho Nhà nước (như thuế, phí, và các khoản thu đặc biệt khác cho ngân sách). Phần mềm này có thể linh hoạt điều chỉnh cho từng thời điểm, đối tượng cụ thể và buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuân thủ nghiêm ngặt…

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vua-giam-gia-doanh-nghiep-xang-dau-lai-doi-tang-a47495.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan