Việc chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, vì đa số trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ... Vì vậy, chỉ có sự tâm huyết, tình yêu đối với con trẻ mới giúp các cô giáo theo đuổi nghề nghiệp đến cùng.
Nghề chọn mình, mình chọn trẻ
Tại quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An gần 10 năm nay vẫn duy trì tổ chức một lớp học đặc biệt. Ở đó, các buổi học không hề có giáo án, các giáo viên cũng không đứng trên bục giảng, đối tượng trong lớp đều là các em mắc tự kỷ - chứng rối loạn về phát triển hành vi, ngôn ngữ và tương tác xã hội. Là người đầu tiên tham gia dạy từ những ngày đầu, cô Tôn Thị Trí (SN 1985), trưởng phòng dạy trẻ tự kỷ không thể nhớ hết những khó khăn, vất vả mình và đồng nghiệp đã trải qua.
“Cũng là mang danh giáo viên nhưng công việc ở đây không đơn thuần như những giáo viên bình thường. Nhiều lúc vô cùng mệt mỏi và áp lực mà không biết nói với ai. Phải thật sự tâm huyết và dành hết tình yêu thương cho trẻ mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi đã mấy lần muốn bỏ nghề, nhưng nghề đã chọn mình rồi thì phải theo thôi”, cô Trí cười.
Cô Tôn Thị Trí vốn là Thạc sĩ tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên đại học Toulouse (Pháp). Sau khi về nước, cô Trí được mời làm việc tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội trong lĩnh vực phát triển tâm lý trẻ em. Năm 2010, quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thành lập đề án về việc mở một lớp dạy các trẻ tự kỷ và cô Trí là người được chọn. Mặc dù đã lường trước những khó khăn, nhưng cô Trí vẫn không ngờ công việc này lại vất vả như vậy. Cơ sở thiếu thốn đủ bề do mới thành lập, không có giáo án cụ thể nào để dạy trẻ tự kỷ, thái độ của các bậc phụ huynh có con em rối loạn tự kỷ...
Việc dạy trẻ tự kỷ cần sự kiên nhẫn. |
Hạnh phúc khi trẻ biết cườiTheo cô Trí, phần lớn các gia đình đều tự ti khi có con em phát triển không bình thường, vì vậy xu hướng của họ thường là giấu kín không cho ai biết. Trong khi đó, việc giáo dục trẻ tự kỷ thì 50% phụ thuộc vào gia đình, các cô giáo chỉ chiếm 30%, ngoài ra còn có yếu tố xã hội nữa. “Hiện nay, tự kỷ chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Song chúng ta có thể cải thiện sự phát triển của trẻ bằng các liệu pháp can thiệp sớm ở lớp học. Đặc biệt, để cải thiện cho trẻ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng...”, cô Trí cho hay.
Đặc biệt, triệu chứng tự kỷ sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi. Trẻ tự kỷ cần can thiệp sớm mới có thể hòa nhập xã hội. Phần lớn trẻ tự kỷ thể hiện sự tiến bộ nhờ vào can thiệp sớm. Nếu như đến khoảng 6 tuổi mới phát hiện để can thiệp thì sẽ không thể giúp trẻ hòa nhập với người bình thường.
Cũng theo cô Trí, đến với lớp học này, các bậc làm cha mẹ phải chấp nhận sự thật về bệnh tình của con mình. Bởi thế, việc làm tư tưởng cho phụ huynh có vai trò rất quan trọng. Khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ phải thực sự kiên nhẫn. Có em dù đã lên 6, 7 tuổi nhưng vẫn như “đứa trẻ sơ sinh”, không có kỹ năng giao tiếp, thậm chí chưa biết nói chuyện, tự vệ sinh cá nhân; có em đã 10 tuổi nhưng rụt rè, không phân biệt được màu sắc, nhận biết thế giới xung quanh; có em thường xuyên chạy nhảy, có hành vi đánh đập cô giáo...Công việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Hơn nữa, cùng một triệu chứng nhưng với mỗi trẻ lại có cách điều trị khác nhau. Do vậy, đòi hỏi người giáo viên phải có sự sáng tạo. Ngoài chuyên môn, mỗi ngày các cô đều tự trau dồi thêm kiến thức để phục vụ quá trình giảng dạy.
Hạnh phúc khi đưa trẻ biết cười
Là một trong những cô giáo trẻ nhất của phòng, cô giáo Võ Thị Ngân (SN 1993) vẫn chưa quên cảm giác bị sốc khi ngày đầu tiếp xúc với các em mắc chứng tự kỷ. Vào thời điểm cô Ngân mới nhận việc cũng là lúc một cháu bé 6 tuổi đến từ TP. Vinh được bố mẹ đưa đến trung tâm. Điều đặc biệt, cháu hay quậy phá, đánh đập mọi người, nếu đã ghét ai thì cháu phải theo đánh thì mới chịu. Với sự kiên trì, nhẫn nại, tận tâm của các giáo viên nơi đây, tính cách của bé dần có những chuyển biến tích cực.
“Thời gian đầu em bị stress vô cùng, rất may có các chị hướng dẫn, dìu dắt. Các chị đề xuất cho em dạy những trẻ có biểu hiện nhẹ hơn để thích nghi, sau đó mới dần dần tiếp xúc với những trẻ khác. Em cũng ưu ái được dạy một số trẻ thuộc dạng tự kỷ đặc biệt khi phát triển kỹ năng hiếm có ở một lĩnh vực chuyên biệt như âm nhạc, nghệ thuật, các con số... Các cháu này khả năng vượt trội về lĩnh vực đó mặc dù chưa được ai dạy. Việc các cháu tiến bộ từng ngày khiến em mừng phát khóc, cảm giác như mọi công sức của mình đã được đền đáp, từ đó có thêm động lực để đi đến hôm nay”, cô Ngân nói.
Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới riêng nên việc dạy các bé gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, kỹ năng để đưa ra các phương pháp trị liệu khác nhau. “Cũng là mắc tự kỷ nhưng những trẻ tới đây không giống nhau. Có trẻ chậm phát triển trí tuệ, lại có trẻ tăng động, giảm chú ý và nhiều trẻ khác bị khiếm thính, rối loạn về khả năng ngôn ngữ. Khi trẻ tới đây, các cô giáo sẽ có những bài tập riêng biệt nhằm khắc phục khiếm khuyết, phát huy các thế mạnh của trẻ. Những bài tập này có thể là trò chơi vận động, vẽ tranh, hát múa...”, cô Ngân chia sẻ.
Tuy nhiên, việc cô Ngân cảm thấy xót xa là dù cũng làm nghề giáo, thế nhưng vì dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt nên trong những ngày 20/11 chưa bao giờ được nhận một bông hoa nào. Các em thì chưa nhận thức được, các gia đình cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về tình trạng của các con, nên vẫn xảy ra tình trạng bỏ mặc cho giáo viên. Vì vậy đến ngày Nhà giáo Việt Nam thì các thành viên trong trung tâm vẫn tự an ủi và động viên nhau. Bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, trung tâm có 12 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho 50 trẻ tự kỷ. Đó là những y tá, bác sĩ, giáo viên mầm non, thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành tâm lý học. Họ hướng dẫn trẻ từ động tác đơn giản như nhai, thổi... đến những cử chỉ phức tạp hơn như biết nghe lời, nhận biết màu sắc, thế giới xung quanh. Mặc dù đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, trong đó nhiều nơi nhận trông giữ cả ngày. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xây dựng, “giáo trình” của quỹ Bảo trợ trẻ em vẫn là 1 trẻ chỉ nên đến 1 lần trong 1 ngày, mỗi lần chỉ 1 tiếng. “Chúng tôi nhận định không nên tách rời trẻ tự kỷ với cộng đồng, vì vậy hàng ngày các trẻ vẫn đến trường học như các bạn cùng trang lứa. Vào khoảng thời gian này, mỗi cô giáo ở đây sẽ đảm nhận chỉ 1 trẻ, để có thể theo dõi sát sao quá trình phát triển và lên giáo trình phù hợp cho em đó”, bà Lài nói.
Bà Lài khẳng định, dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Bên cạnh tình yêu thương, tâm huyết với nghề của các giáo viên thì việc điều trị cho trẻ rất cần sự phối hợp nhịp nhàng của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Các bậc làm cha mẹ nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, nhận biết sớm các triệu chứng của trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp kịp thời, giúp trẻ sớm tìm lại nụ cười, hòa nhập với cộng đồng.