Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/11/2019. Cập nhật tin đời sống mới ngày 19/11/2019 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Bị cô giáo mắng nhiếc thậm tệ trước mặt cả lớp, nữ sinh làm điều dại dột
Xiao Ru tự sát bằng cách nhảy từ lầu 4 trường học. |
Ngày 12/11, học sinh và giáo viên tại một trường tiểu học ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc điếng người khi thấy cô bé Xiao Ru thả mình rơi xuống từ lầu cao.
Nhận được tin báo, người bố liền vội vã lao đến trường, song chỉ kịp nhìn thấy con gái nằm bất động trong vũng máu rợn người.
Nghe tiếng bố khóc nghẹn gọi tên mình, nữ sinh 12 tuổi hé mắt mỉm cười với ông lần cuối rồi giã biệt cõi đời.
Chưa nguôi nỗi đau mất con, trái tim người bố khốn khổ càng thêm quặn thắt khi chứng kiến thái độ gay gắt của giáo viên toán học với Xiao Ru.
Theo đó, đầu giờ ăn trưa, nữ sinh đáng thương chưa kịp ăn chút gì lót dạ thì đã bị giáo viên môn toán là cô Wang khăng khăng đòi kiểm tra bài tập.
Phát hiện Xiao Ru chưa làm bài, cô giáo 40 tuổi giận dữ ném phăng quyển vở của cô bé trước hàng chục cặp mắt trợn tròn của bạn cùng lớp.
Không những thế, cô Wang còn không tiếc lời nhục mạ nữ sinh, vừa mắng vừa túm lấy thước kẻ đánh tới tấp vào người cô bé suốt 3 - 4 phút liền. Quá tủi thân, nữ sinh 12 tuổi đã bật khóc. Trong một phút nghĩ quẩn, giữa tiếng la mắng sa sả của cô Wang, Xiao Ru lao ra khỏi lớp học nằm trên tầng 4 và nhảy xuống chẳng chút do dự.
Uất ức vì con gái phải ngậm đắng nuốt cay mà chết, bố của nữ sinh kiên quyết yêu cầu cô giáo đưa ra lời giải thích.
Tuy nhiên, cô Wang một mực giữ im lặng và không hề tỏ ý chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Đáng nói hơn cả, ngay cả ban giám hiệu nhà trường cũng không thể xuất trình chứng chỉ dạy học của cô giáo này khi được yêu cầu.
3 chị em ruột tử vong vì nghi mắc Whitmore
PGS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: infonet |
Sáng 18/11, theo thông tin từ bệnh viện Nhi trung ương, có trường hợp 3 trẻ trong một gia đình đều tử vong do nhiễm vi khuẩn whitemore.
Trước đó, ngày 27/10, con trai thứ 2 của vợ chồng anh C. là cháu T.C.V., 5 tuổi sốt 38,5 độ kèm theo đau bụng nhưng không điều trị gì tại nhà. Sáng sớm ngày 28/10, gia đình đưa bé V. vào bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị.
Tại đây các y bác sĩ đã cấp cứu tận tình thậm chí chạy tuần hoàn ngoài cơ thể nhưng đến 21h ngày 31/10, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
Tới ngày 1/11 có kết quả nuôi cấy, xác định trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây bệnh Whitmore.
Đến ngày 10/11, cậu con trai út của anh chị là bé T.Q.H., 19 tháng tuổi lại sốt 38,5 độ. Ngay lập tức người nhà đưa bé vào bệnh viện cấp cứu.
PGS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương cho biết trường hợp của bé H. khi đến cấp cứu, trẻ vẫn tỉnh táo, sốt, thỉnh thoảng rét run, được chuyển thẳng vào khoa Điều trị tích cực. Sau khi được điều trị kháng sinh, tình trạng trẻ có cải thiện nhưng 3 – 4 ngày sau tái trở lại rồi chuyển nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong vào ngày 16/11 vừa qua. Trong quá trình điều trị, kết quả cấy máu cho thấy trẻ dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Trước đó vào đầu tháng 4, chị gái của 2 bé V. và H. là cháu T.Q.T., 7 tuổi cũng đã tử vong tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn do nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột. Cháu T. cũng có biểu hiện ban đầu là sốt cao.
Nữ điều dưỡng bị người nhà bệnh nhi đánh phải nhập viện
Người đàn ông đã đánh điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Tuổi trẻ |
Tối 18/11, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM), xác nhận trường hợp một nữ điều dưỡng tên H. trong kíp trực tại khoa Cấp cứu của bệnh viện này tối 16/11, bị một người đàn ông là người nhà bệnh nhi đánh bị thương.
BS Hùng cho biết: "Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy chị H. bị chấn thương vùng hàm mặt, đang được theo dõi, ngày mai sẽ kiểm tra lại".
Nguồn tin từ bệnh viện cho hay, người đánh chị H. được cho là cha của một bệnh nhi bị hen suyễn, vào Khoa Cấp cứu vào tối 16/11, được phun khí dung. Ban đầu, vì khoa còn giường trống nên dù trường hợp này thường chỉ cần ngồi đợi trong khi chờ làm các thủ thuật tiếp theo, bệnh nhi 9 tuổi vẫn được cho nằm vào giường trống để nghỉ ngơi.
Song sau đó có 1 ca cấp cứu nặng hơn nhập viện nên nữ điều dưỡng H. đã yêu cầu thân nhân đưa bé trai 9 tuổi này sang khu vực ghế ngồi chờ để nhường giường lưu bệnh cho cháu bé nặng hơn. Người đàn ông được cho là cha của bé trai 9 tuổi không đồng ý và đã dùng tay tấn công vào vùng mặt chị H. khiến chị choáng váng.
Sau đó bệnh viện đã phải mời công an khu vực đến giải quyết mới có thể lập lại trật tự tại Khoa Cấp cứu. Chị H. được đưa đến bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu và được chẩn đoán chấn thương vùng hàm mặt, nghi ảnh hưởng đến xương hàm nên cần theo dõi.
Người phụ nữ bị lột rời toàn bộ da đầu và nửa mặt do tóc cuốn vào máy
Sau 2 tuần phẫu thuật, các mảng da sống tốt, tóc bắt đầu mọc trở lại - Ảnh: Vietnamnet |
Nữ bệnh nhân Đỗ Thị P., 38 tuổi, là công nhân tại Hà Nội, không may bị bị tai nạn lao động lúc 8h30 ngày 2/11 vừa qua. Sau khi được sơ cứu, người bệnh nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng trạng tỉnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, huyết áp thấp, vùng đầu được băng dày nhiều lớp nhưng vẫn chảy máu nhiều do diện lột da quá lớn, mảnh da đầu bị băm rách nhiều đường đã được bảo quản lạnh.
Kíp trực cấp cứu và kíp trực chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ đã nhanh chóng hội chẩn, đánh giá tổn thương và toàn trạng người bệnh.
Một phòng mổ cấp cứu vi phẫu ngay lập tức đã được kíp gây mê hồi sức chuẩn bị sẵn sàng. Ca mổ kéo dài gần 12 giờ đồng hồ và kết thúc vào rạng sáng ngày 3/11. Bệnh nhân được truyền hàng chục lít máu, chế phẩm máu và dịch trong ca mổ.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ cho biết: “Bệnh nhân bị lột toàn bộ da từ mi mắt hai bên đến gáy, lột rộng kéo dài qua má xuống cằm, lật toàn bộ một bên mặt gây đứt thần kinh mặt và ống tuyến nước bọt mang tai. Vùng da lột cũng bị giằng xé dập nát rách thành nhiều đường, chỉ còn nối với nhau bởi các cầu da nhỏ”.
Ths.BS Vũ Trung Trực, Phó khoa cho biết thêm, trong quá trình mổ, việc hồi phục mạch máu gặp nhiều khó khăn do các mạch máu ở vùng thái dương hai bên đã bị dập nát.
Do đó, các bác sĩ đã phải lấy các tĩnh mạch ở mu bàn chân và ngón chân để làm các cầu nối ghép từ vùng trước tai lên đỉnh đầu. Mạch máu nhỏ nhất được ghép nối ở đây là nhánh mạch trên ròng rọc của ổ mắt với kích thước chỉ khoảng 0,7 mm, nhỏ hơn đầu que tăm và phải dùng chỉ khâu siêu vi phẫu 11/0.
Hiện tại sau mổ 2 tuần, người bệnh đã ổn định, có thể đi lại và ăn uống tốt, phần da đầu nối ghép cũng sống tốt, tóc bắt đầu mọc trở lại.
Quỳnh Chi(T/h)