“Chúng tôi sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói.
[presscloud]10136[/presscloud]
Nguồn: VTV
Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục buổi làm việc cuối của phiên thảo luận kinh tế - xã hội, một số bộ trưởng sẽ được mời giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo Tuổi Trẻ Online, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực mình quản lý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết việc đổi mới thi cử nhằm giảm tải áp lực, tiến tới một kỳ thi minh bạch.
Tuy nhiên tiêu cực đã xảy ra vào 2018. Về nguyên nhân, phía bộ thì với cá nhân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nhạ nói ông nhận trách nhiệm. Phần mềm đã có kẽ hở, công tác chấm thi chưa tốt, việc thanh kiểm tra còn thiếu sót. Công tác chọn cán bộ coi thi chưa tốt đã dẫn đến tiêu cực, có sự thông đồng để gian lận.
Sau khi xảy ra tiêu cực, ông Nhạ nói Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan đã kiên quyết xử lý, trả về địa phương những sinh viên đậu bằng kết quả gian lận. Do tính chất phức tạp nên hiện nhiều địa phương có gian lận đang được Bộ Công an cùng địa phương tiếp tục phối hợp xử lý.
“Chúng tôi sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận”, ông Nhạ nói.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: VNN |
Theo VnExpress, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, như: Tăng cường phổ biến quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi kỹ năng phòng chống, phát hiện gian lận, nhất là hành vi sử dụng công nghệ cao. Địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực sẽ được tăng cường thanh tra.
Năm 2018 việc chấm thi trắc nghiệm giao cho địa phương chủ trì nên xảy ra nhiều tiêu cực. Rút kinh nghiệm, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo giao các trường đại học chủ trì chấm bài trắc nghiệm, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; nâng cấp phần mềm chấm thi theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu, đánh phách điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm...
Đối với bài thi tự luận Ngữ văn do Sở GD-ĐT chủ trì chấm, Bộ quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
"Tôi cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, hỗ trợ ngành giáo dục tổ chức kỳ thi 2019 diễn ra thành công, lấy lại niềm tin của xã hội", Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo VietNamNet, sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) giơ biển tranh luận.
Ông cho rằng, Bộ trưởng chưa đề cập đến giải pháp giải quyết quyền lợi của các thí sinh bị tuột mất cơ hội trúng tuyển các trường ĐH.
Do đó, ông đề nghị Bộ trưởng và các trường ĐH đã loại các thí sinh gian lận phải có giải pháp gọi, công nhận, bù lại số các thí sinh mất cơ hội nhằm đảm bảo sự công bằng "cho các thí sinh học thật nhưng bị mất cơ hội".
ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng GD-ĐT xem xét đánh giá tác động việc gom thi 2 chung và đề nghị giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để tổ chức thi cử và sản phẩm đầu vào, đầu ra của đại học.
Theo báo Pháp luật TP HCM, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. “Cá nhân tôi cũng rất bức xúc, lo lắng và thấy rõ trách nhiệm của mình”- ông nói. Sau khi nêu một số giải pháp để khắc phục tình trạng này, ông nói thêm: “Chúng tôi nhận trách nhiệm chính trong việc để xảy ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, để khắc phục tối đa tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự quan tâm của gia đình, chăm lo của toàn xã hội, các cấp các ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương”. Về vấn đề đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Nhạ cho rằng với đội ngũ gần 1.5 triệu thày cô, cán bộ quản lý, trong đó phần lớn các thày cô tâm huyết, yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, thực hiện tốt các qui định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên, có một bộ phận sa sút đạo đức. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ GDĐT đã đề nghị các địa phương không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật”- ông nói và cho biết Bộ Giáo dục- Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên gắn với chuẩn nghề nghiệp giáo viên, trong đó chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử sư phạm, tư vấn tâm lý học đường. |
Cự Giải (T/h)