+Aa-
    Zalo

    Vụ gian lận điểm thi ở Sơn La: Bị can nộp lại tiền, gia đình thí sinh không nhận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều gia đình thí sinh cho biết chỉ cung cấp thông tin của con em mình để nhờ xem điểm giúp nhưng không hiểu sao lại được...nâng điểm.

    Nhiều gia đình thí sinh ở Sơn La cho biết chỉ cung cấp thông tin của con em mình để nhờ xem điểm giúp nhưng không hiểu sao lại được...nâng điểm.

    Trong buổi giao ban báo chí chiều 30/5, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (Viện KSND) tỉnh Sơn La thông tin, vụ án gian lận thi cử tại Sơn La mới đang ở giai đoạn kết thúc điều tra của Cơ quan An ninh điều tra, Dân Việt đưa tin.

    Ngày 21/5, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh Sơn La đề nghị truy tố các bị can.

    Trong 8 bị can bị đề nghị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 3 bị can Nguyễn Thị Hồng Nga - nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo; Đặng Hữu Thủy - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP.Sơn La; Lò Văn Huynh - nguyên Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng của Sở Giáo dục và Đào tạo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.

    Các bị can gồm: Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn - nguyên Phó Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo; Đỗ Khắc Hưng - nguyên trung tá, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh; ông Đinh Hải Sơn - nguyên thiếu tá Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh bị áp dụng biện pháp cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.

    Theo kết quả điều tra, có tổng cộng 44 thí sinh được nâng điểm, số điểm nâng từ 2,2 cho tới 26,55 điểm.

    Căn cứ tài liệu thu thập được, Công an tỉnh Sơn La đã triệu tập, xác minh với 18 đối tượng trung gian và làm việc với 42 trường hợp là cha mẹ, người thân của 44 thí sinh trong danh sách được nâng điểm.

    Kết quả, có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ nâng điểm thi. Có 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh nhưng mục đích chỉ "nhờ xem điểm trước". Có 2 trường hợp không thừa nhận liên quan và không cung cấp thông tin thí sinh cho các bị can và đối tượng trung gian khác.

    Theo VietNamNet, trong quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận đã thỏa thuận, nhận số tiền 1.040 triệu đồng từ một người tên Trần Văn Điện khi giúp sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh Nguyễn Thanh H., Nguyễn Văn M., Trần Ích Q., Ngần Văn Ch.

    Bà Nga và người thân đã tự nguyện giao nộp tiền cho cơ quan công an. Tuy nhiên, Trần Văn Điện và người thân các thí sinh không thừa nhận việc này.

    Theo lời khai của các bị can Lò Văn Huynh, Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng, ông Nguyễn Minh Khoa - nguyên Phó trưởng Công an huyện Mai Sơn, hiện là cán bộ Công an tỉnh Sơn La đã nhận và chuyển thông tin cá nhân của 5 thí sinh cho các bị can trong vụ án để sửa và nâng điểm. Trong 5 thí sinh này có con của lãnh đạo cấp phòng Công an tỉnh Sơn La và UBND TP. Sơn La.

    Tuy nhiên, sau khi bị triệu tập, ông Khoa khẳng định, việc nhận và chuyển thông tin cá nhân các thí sinh cho các trường hợp liên quan là để nhờ “xem trước kết quả điểm thi” cho các thí sinh trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi. Ông không nhận tiền, lợi ích vật chất từ gia đình thí sinh và không chuyển tiền, lợi ích vật chất cho ai khác.

    Bên cạnh đó, báo Pháp luật TP.HCM cũng đưa tin, ông Nguyễn Quang Việt - Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La có con trai là thí sinh NĐA, có nguyện vọng xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân trong kỳ thi THPT năm 2018.

    Khai với công an, ông Việt nói bản thân và gia đình không trao đổi, cung cấp thông tin cho bất kỳ ai để tác động, nâng điểm và xem điểm thi cho con nhưng không hiểu vì sao con trai ông lại được các bị can nâng 12 điểm cho ba môn thi.

    Hiện Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La đang tiếp tục giai đoạn tiếp theo đối với các trường hợp là người trực tiếp, người gián tiếp, người trung gian, người thân (phụ huynh) và một số người đã có thông tin cá nhân của thí sinh nhờ nâng điểm, xem điểm; một số trường hợp không thừa nhận việc mình đã làm để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-gian-lan-diem-thi-o-son-la-bi-can-nop-lai-tien-gia-dinh-thi-sinh-khong-nhan-a277797.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan