Sáng 8/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Theo báo Dân Trí, đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho biết, hàng năm có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước, đây là thực tế đau lòng. Đại biểu Khảm cho rằng, một trong những giải pháp được đánh giá hợp lý về chi phí và có hiệu quả cao là dạy bơi an toàn, tuy nhiên tỷ lệ trường học có bể bơi hiện nay rất thấp (dưới 9%) và những trường có bể bơi thì hoạt động cũng còn hạn chế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết nguyên nhân thực trạng này và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây tính trong khu vực Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỷ lệ trẻ em đuối nước.
Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này và có công điện trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo việc dạy bơi chống đuối nước trong trường học.
2 năm qua, tỷ lệ trẻ em đuối nước giảm đi, đặc biệt trong năm 2022 giảm 5%( 1 năm giảm khoảng 100 cháu), theo Bộ trưởng đây là tín hiệu đáng mừng.
Về giải pháp dạy bơi trường học, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận còn nhiều hạn chế, tuy nhiên qua kiểm tra và đánh giá, tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận có kết quả bước đầu, do đó cần tiếp tục khuyến khích thực hiện.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực, cơ cấu, thiết bị dạy học nhiều hơn cho trường học”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay, từ năm 2021, Bộ đưa ra kế hoạch về hướng dẫn dạy bơi cho học sinh, chống đuối nước tại các trường học. Tới nay, tỷ lệ học sinh được học bơi, biết bơi là 33,6%, tức số học sinh chưa biết bơi vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tại các trường tư, cơ chế tài chính tốt nên việc dạy bơi triển khai tốt hơn so với trường công, theo báo VnExpress.
Hiện cả nước có 2.184 trường có bể bơi trong trường học. Vướng mắc lớn nhất là nhiều trường học không có bể bơi để tập, nhiều trường có bể bơi nhưng không vận hành vì thiếu kinh phí.
"Vấn đề chính là kinh phí vận hành, quản lý bể bơi gặp vướng. Tới đây chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Bộ trưởng thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên
Cũng theo báo VnExpress, trả lời chất vấn của đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc) liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cần giải pháp đồng bộ để giải quyết. Ông thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều hơn tại khu vực miền núi, vùng sâu và bậc mầm non, tiểu học.
Vừa qua, trên 3.000 điểm trường tại nhiều địa phương vùng sâu được dồn lại nên khắc phục một phần việc thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, dồn điểm trường ở những nơi có thể thực hiện.
XEM THÊM: Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa về phim Đất rừng phương Nam
Bộ trưởng Kim Sơn đề nghị việc cắt giảm 10% biên chế viên chức không nên cào bằng ở các địa phương để đảm bảo đủ giáo viên, bớt khó khăn cho ngành giáo dục. Bộ cũng sẽ tăng các giải pháp về chuẩn bị nguồn đầu vào để khi cần các khu vực vùng núi, vùng sâu xa có thể tuyển dụng thêm giáo viên.
Hoàng Yên (T/h)