(ĐSPL) – Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, dạy thêm, học thêm là nhu cầu tự thân của học sinh và giáo viên nhưng Bộ vẫn phải kiểm soát để chống tràn lan, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội.
Trong phiên chất vấn sáng ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận được 59 ý kiến chất vấn của các đại biểu. Một số đại biểu như: Trần Phương Hoa (Hà Nội), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)... chất vấn Bộ trưởng về vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan; quản lý các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài; giải pháp khắc phục lãng phí do dự án đào tạo ngoại ngữ không hiệu quả....
Trả lời chất vấn về vấn đề dạy thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm phải sâu sát hơn chứ không chỉ đưa ra Thông tư hay Chỉ thị. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, dạy thêm, học thêm là nhu cầu tự thân của học sinh và giáo viên nhưng Bộ GD-ĐT vẫn phải kiểm soát để chống tràn lan. Để kiểm soát, Bộ GD-ĐT đã có thông tư 17 để quản lý dạy thêm, học thêm. Sau khi ban hành thông tư này, vấn đề dạy thêm học thêm đã đi vào ổn định nhưng vẫn có vấn đề tiềm ẩn. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT sẽ phải sát sao, phối hợp với cơ sở địa phương tăng cường giám sát.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: VOV) |
Tranh luận lại Bộ trưởng GD-ĐT, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng về vấn đề trên là chưa thoả đáng. Bà Tâm không đồng ý với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói không cấm dạy thêm, học thêm.
Theo bà Tâm, không được cấm dạy và học thêm chính đáng của giáo viên và học sinh nhưng cấm lợi dụng để bắt ép học sinh học, gây bức xúc trong xã hội. Ví dụ như việc một số giáo viên không dạy hết nội dung chính khoá ở lớp để về nhà dạy thêm. Hay kiểm tra 15 phút trên lớp toàn đem nội dung dạy thêm ra kiểm tra, phụ huynh phản ánh nhiều và bức xúc. Nên cấm trường hợp nào và không cấm trường hợp nào.
Trả lời bà Tâm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hoàn toàn đồng tình với ý kiến của bà. Theo Bộ trưởng, cấm là cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng, còn những trường hợp hợp lý là nhu cầu tự thân.
Trả lời về phương án thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia, theo ông Phùng Xuân Nhạ, phương án nào cũng có ưu khuyết điểm nhưng chuyên gia đa phần nghiêng về phương án thi trắc nghiệm, đánh giá đại trà học sinh và công khai minh bạch kết quả giáo dục. Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các kỳ thi trước mất nhiều công sức cho công tác coi thi, minh bạch chống gian lận. Bộ GD-ĐT đã tham khảo rất kỹ ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, sau khi ban hành phương án thi, các trường THPT đều đồng tình.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, không có phương án thi nào ưu việt hoàn toàn. Hình thức thi trắc nghiệm đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Trong phương án thi trắc nghiệm có câu hỏi kiểm tra kiến thức, có câu hỏi suy luận nên sẽ đánh giá được thí sinh. Bộ GD-ĐT cũng cân nhắc rất kỹ các câu hỏi vì đây là kỳ thi quan trọng, quyết định đến sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay, theo phương án thi trắ nghiệm, mỗi phòng thi có 25 thí sinh, mỗi thí sinh có mã đề riêng, câu hỏi riêng, không trùng với nhau nên không thể xảy ra chuyện gia lận như trường hợp mà đại biểu Quốc hội nêu ra.
Kết thúc phiên chất vấn trong sáng nay, một số đại biểu Quốc hội còn nêu ra các vấn đề giáo dục nổi cộm được quan tâm trong thời gian vừa qua. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu ra vấn đề về bạo lực học đường, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) nêu vấn đề bất cập giữa quy mô các trường và cơ cấu kinh tế - xã hội. Ngoài ra, còn rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề đào tạo tràn lan, tỷ lệ thất nghiệp sau khi sinh viên tốt nghiệp.
Nhân Văn