+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tỷ lệ thất nghiệp quý I của Việt Nam vẫn ở ngưỡng thấp

    (ĐS&PL) - Về hướng xử lý quyền lợi cho hơn 206.400 lao động bị trốn đóng BHXH, Bộ trưởng cho hay đã hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt nam giải quyết theo hướng thu đến đâu tính đến đó. Với những người chuyển doanh nghiệp thì tạo điều kiện chốt sổ để tiếp tục đóng BHXH.

    Sáng ngày 6/6, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn về thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động giai đoạn hiện nay.

    Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, cơ cấu lại chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động.

    Giải pháp khắc phục hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ); công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

    Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ tham gia trả lời.

    Hỗ trợ lao động nữ trước khi họ 40 tuổi

    Theo tờ Tri thức Trực tuyến, Bộ trưởng Dung cho biết bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý I là 2,25%, so với cách đây hơn một năm ngày 11/11/2021, khi Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam vào top 5 về tỷ lệ thất nghiệp.

    "Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp quý I của Việt Nam so với các quốc gia khác vẫn ở ngưỡng thấp", ông Dung đánh giá.

    Theo thống kê, đến ngày 26/5, số người mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, có khoảng 270.000 người mất việc. Ông đánh giá do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và giải quyết chính sách với Bộ Luật Lao động.

    Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về giải pháp hỗ trợ lao động nữ ở độ tuổi ngoài 40 khi mất việc làm. Theo tờ Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Dung cho biết, ông vừa đọc lại báo cáo về lao động ngành giày da, cũng như đi thực tế kiểm tra 1 tháng trước đây, cùng ăn cơm với công nhân.

    "Hầu hết lao động nữ ngành dệt may, giày da là lao động nữ. Vì vậy, mất việc, giãn việc phần đông rơi vào lao động nữ, dòng người chuyển việc, về quê thời gian qua là mẹ mang theo con. 

    Giải pháp là đào tạo từ sớm, chăm lo đào tạo ngay khi chưa thất nghiệp, để khi đến 40 tuổi với ngành dệt may là khó khăn, 'mắt mờ, chân chậm, năng suất thấp".

    "Chủ động chăm lo cho công nhân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu, giúp phụ nữ giảm bớt khó khăn, chủ động từ sớm từ xa trong chuyển việc; địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng tạo việc làm cho lao động nữ…", ông Dung nói.

    chat van bo truong dao ngoc dung hon 206 400 lao dong bi tron dong bhxh xu ly ra sao
    Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Quochoi.

    Nhiều lao động mất việc làm, chọn rút bảo hiểm một lần

    Theo Đại biểu Tráng A Dương, trong những năm qua, đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống. Tình trạng này không những tạo sức ép lên hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

    "Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?", ông chất vấn.

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, nhất là cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ghi nhận ý kiến đại biểu, nhưng ông Dung nói việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.

    "Việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", ông Dung nói và cho biết khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.

    Theo tờ VnExpress, Đại biểu Ma Thị Thúy (Phó đoàn Tuyên Quang) cho rằng việc chậm đóng BHXH gây hệ lụy lớn, đặc biệt hơn 206.400 lao động bị treo quyền lợi, vậy nguyên nhân tình trạng trên và biện pháp khắc phục là gì? "Dư luận rất bức xúc trước việc 4.240 chủ hộ bị thu sai BHXH bắt buộc trong thời gian dài. Quan điểm Bộ trưởng thế nào và sẽ xử lý ra sao?".

    Bộ trưởng Dung khẳng định, cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định. Hiện có ba hướng xử lý: chuyển chủ hộ sang diện đóng bắt buộc; chuyển sang BHXH tự nguyện nếu người đóng đồng ý, không đồng ý thì phải thoái thu. Với quan điểm đảm bảo quyền lợi của chủ hộ, ông Dung nói nên sớm đưa họ vào diện đóng bắt buộc.

    Về hướng xử lý quyền lợi cho hơn 206.400 lao động bị trốn đóng BHXH, Bộ trưởng cho hay đã hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt nam giải quyết theo hướng thu đến đâu tính đến đó. Với những người chuyển doanh nghiệp thì tạo điều kiện chốt sổ để tiếp tục đóng BHXH.

    Biện pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội sớm trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 cuối năm 2023. Dự thảo đã bổ sung làm rõ hành vi chậm, trốn đóng vì hành vi trốn đóng trước đây được đưa vào Bộ luật Hình sự nhưng chưa xác định rõ. Vì vậy, TP.HCM có 84 đơn thư, hồ sơ khởi kiện nhưng chưa xử lý được vụ nào.

    "Cần áp dụng chế tài mạnh hơn với hành vi này như ngừng hóa đơn, cấm xuất cảnh bởi các biện pháp như hiện nay không có hiệu quả", Bộ trưởng nói.

    Về việc tiền chậm, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp đã phá sản, chủ bỏ trốn khi nợ phải tính lãi hết năm 2022 hơn 8.560 tỷ đồng, đại biểu Trần Quốc Quân (Tỉnh đoàn Long An) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để thu hồi BHXH còn nợ?

    Bộ trưởng Dung nói cho đến nay số chậm, trốn đóng thực tế còn khoảng hơn 3000 tỷ đồng. Năm 2018, tỷ lệ chậm đóng 0,6% nhưng nay đã giảm xuống 0,29%. Để tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng kéo dài chủ yếu do công tác kiểm tra, thu chi của cơ quan chức năng "chưa đến nơi đến chốn". Đáng lẽ nợ một tháng là phải thanh kiểm tra để chấn chỉnh thì để tới ba tháng.

    "Nhưng chậm nộp không sợ, có thể bị phạt lãi, trốn đóng mới sợ. Thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan liên ngành sẽ chấn chỉnh việc này", ông Dung cho hay.

    Hoàng Yên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-dao-ngoc-dung-ty-le-that-nghiep-quy-i-cua-viet-nam-van-o-nguong-thap-a577915.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan